Lãi tốt như Golden Gate còn mất 80% lợi nhuận, kịch bản nào cho Redsun vốn luôn "lãi mỏng" khi đang chậm thanh toán công nợ nhà cung cấp?
Những năm trước 2020, Red Sun chỉ lãi tượng trưng, thậm chí lỗ cho dù doanh thu tăng trưởng.
Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất là kinh doanh chuỗi nhà hàng.
Cách đây ít tuần, một nhà cung cấp nguyên liệu đã có mặt tại trụ sở CTCP Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt trời đỏ (Red Sun ITI) để yêu cầu công ty này thanh toán nợ.
Đại diện nhà cung cấp cho biết, sau 3 tháng làm việc suôn sẻ, Red Sun bắt đầu trì trệ trong việc thanh toán công nợ.
Phản hồi bằng email với các nhà cung cấp, Red Sun nói rằng ảnh hưởng COVID-19 khiến công ty lâm vào tình trạng "hết sức căng thẳng về dòng tiền".
Doanh thu từ hệ thống Red Sun bị sụt giảm nghiêm trọng, tuy vậy trong 3 tháng cuối năm 2020, hoạt động của công ty đã phục hồi được 85%.
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Red Sun cho biết thời điểm cuối năm 2020 các ngân hàng tài trợ đã kéo dài thời gian xét duyệt cấp hạn mức cho vay vốn lưu động khiến công ty gặp phải trình trạng căng thẳng dòng tiền do phải đáo hạn khoản vay cũ và chờ tái cấp hạn mức năm 2021.
Cho dù Red Sun đã đưa ra phương án thanh toán nợ, phản ánh của nhà cung cấp cho thấy việc công ty đã không thể thực hiện như cam kết.
Rõ ràng, vốn lưu động là bài toán đau đầu đối với bất kỳ chuỗi nhà hàng nào trong năm đại dịch. Việc buộc phải đóng cửa chống dịch, hay tâm lý khách hàng e ngại ảnh hưởng nặng đến doanh số của các nhà hàng. Họ mất cân đối dòng tiền và nhiều trong số đó phụ thuộc vào tài trợ tín dụng của các ngân hàng.
Red Sun vận hành chuỗi nhà hàng theo phong cách Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào… thành lập từ năm 2008, hiện có hơn 200 cơ sở trên toàn quốc. Các thương hiệu nổi tiếng nhất của Red Sun gồm có: Thai Express, King BBQ, Seul Garden, Khao Lao, SushiKei...
Mô hình của Red Sun tương đồng với một ông lớn khác trên thị trường là CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate). Bản thân chuỗi nhà hàng có thương hiệu lớn nhất Việt Nam cũng từng lên tiếng về những khó khăn khi vay vốn ngân hàng từ giai đoạn đầu năm 2020.
Năm ngoái, Golden Gate đạt 4.559 tỷ đồng doanh thu, giảm 5%, mức giảm lần đầu tiên sau nhiều năm tăng trưởng. Lợi nhuận dòng của Golden Gate đạt 65 tỷ đồng, sụt giảm 80%.
Điểm tích cực đến từ việc dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty dương 247 tỷ đồng, so với năm trước đó âm 171 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động đầu tư âm 323 tỷ đồng chủ yếu do cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác (giảm 306 tỷ đồng). Lượng tiền đi vay và trả nợ gốc vay tăng lên từ 40 – 50%.
Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ vay ngắn hạn của Golden Gate tăng từ 367 tỷ đồng lên 452 tỷ đồng. Các khoản phải trả người bán tăng từ 225 tỷ đồng lên 348 tỷ đồng. Phải trả người lao động tăng từ 176 tỷ đồng lên 187 tỷ đồng.
Về cơ bản, nợ phải trả của Golden Gate tăng lên, bao gồm cả các khoản nợ với nhà cung cấp.
Có thể thấy rằng hoạt động kinh doanh của Golden Gate không bị ảnh hưởng quá nặng, chi phí cho nhân công – chi phí thuê cửa hàng và nâng cấp thậm chí còn tăng cho thấy dường như chuỗi không bị giảm quy mô.
Nhìn vào tình cảnh của Golden Gate không quá bi quan, nhưng điều đó không có nghĩa là Red Sun cũng có thể như vậy.
Quy mô của Golden Gate lớn hơn Red Sun, sức mạnh đối với các nhà cung cấp hay tiếng nói với bên cho vay lớn hơn.
Vốn điều lệ của Golden Gate hơn 763 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Red Sun 250 tỷ đồng, lần tăng gần nhất là tháng 2/2020. Vốn dày hơn tạo bộ đệm tốt hơn cho các doanh nghiệp khi đối mặt với khủng hoảng.
Năm 2019, doanh thu của Red Sun chỉ bằng 16% nếu đem so với Golden Gate. Hiệu quả hoạt động cũng thấp hơn nhiều, trong nhiều năm Red Sun chỉ lãi tượng trưng, thậm chí lỗ nhẹ. Trong khi đó lợi nhuận của Golden Gate tăng trưởng tốt.
Trong khi lợi nhuận ròng của Golden Gate bốc hơi tới 80%, kịch bản nào cho tình trạng của Red Sun?