"Lại thêm 1 năm nữa mình ngồi đây, vào ngày 30 Tết!" - Tâm sự nhân viên 11 năm làm tổng đài ngân hàng có tới 5-6 năm trực Tết
Đêm 30 Tết, khi mùi thức ăn và khói hương bài lẩn quất quyện vào làn gió xuân, tại góc văn phòng nào đó đèn điện vẫn bật sáng. Một nhân viên ngân hàng trực đêm vẫn đang lặng lẽ với công việc. Gần 11 năm làm tại tổng đài 247 của ngân hàng thì có đến 5-6 năm, chị Hương trực vào đêm 30 hay mùng 1 Tết.
Các hoạt động kinh doanh cơ bản của Ngân hàng đều sẽ nghỉ Tết nguyên đán theo lịch chung, nhưng không vì thế mà những giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán của khách hàng bị ngừng lại hay gián đoạn. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ trong thời gian dài cũng khiến các rủi ro như mất thẻ, mất điện thoại,... có thể khiến khách hàng bị mất tiền trong tài khoản hoặc bị gian lận thẻ tín dụng.
Lúc này, cách tốt nhất mà mọi người nên làm là gọi đến tổng đài yêu cầu khoá tài khoản để tránh bị lợi dụng mất tiền. Chính vì vậy, trong ngân hàng, luôn có một bộ phận làm việc không kể ngày đêm, lễ Tết, cho dù là vào thời khắc giao thừa hay ngày mùng 1 đầu năm mới.
Chị Nguyễn Thu Hương, chuyên viên hỗ trợ khách hàng 247 Ngân hàng SHB là một người làm việc tại vị trí đặc biệt như vậy. Gần 11 năm làm tại tổng đài 247 thì có đến 5-6 năm, chị Hương xung phong trực vào đêm 30 hay mùng 1 Tết.
"Mình xung phong không phải vì mình muốn trực Tết đâu, nhưng nhà mình ở Hà Nội nên muốn hỗ trợ cho các bạn nhà quê xa, để các bạn có thể trực những ngày xa hơn. Vì thế 5 - 6 năm nay mình lựa chọn trực ngày 30 và mùng 1 Tết", chị Hương chia sẻ về chuyện nghề trong video nhân dịp Lễ kỷ niệm 30 thành lập Ngân hàng SHB.
Làm công việc hỗ trợ khách hàng 247, không chỉ ngày Tết, thường xuyên chị Hương và các đồng nghiệp phải luân phiên trực đêm. Là mẹ của hai cậu con trai, đã có những lần chị Hương rớt nước mắt khi con bị ốm nhưng không thể đổi ca trực.
"Một lần, cậu con trai lớn khi đó 4 tuổi, trước khi mẹ đi làm ca tối, ôm lấy chân mẹ và đòi: "Mẹ ngủ với con, con mệt lắm"", chị Hương kể lại, mắt ngấn nước. Với những người phụ nữ làm công việc đặc thù như chị Hương, có lẽ việc không thể ở bên cạnh chăm sóc khi đêm hôm con cái đau ốm là việc khiến chị cảm thấy buồn và bất lực nhất.
Tuy nhiên, nếu chỉ coi công việc là kế mưu sinh, liệu chị Hương có thể làm ròng rã công việc này hơn một thập kỷ, vượt qua những buồn tủi trong dịp Lễ tết, sum họp của cả đất nước không?
Lời cảm ơn đêm 30 Tết
Một kỷ niệm được chị Hương chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng SHB. Đó là vào dịp Tết nguyên đán năm 2020 trong một đêm mưa bão rất to. "Cơn mưa rất to dội xuống, mình đến nơi gần như ướt sũng, lúc đó đã có suy nghĩ trong đầu là nghề chọn mình hay mình chọn nghề? Lại thêm một năm nữa mình ngồi đây, vào ngày 30 Tết!", chị Hương hồi tưởng.
Đúng lúc đó có một cuộc điện thoại gọi đến tổng đài, anh khách hàng báo bị mất điện thoại và chị Hương đã thao tác khoá tài khoản nhanh nhất có thể để bảo vệ an toàn cho tiền của khách hàng.
"Đó là một lời cảm ơn trong đêm 30", chị Hương nhắc lại và nhoẻn cười. "Cuộc điện thoại thực sự rất ý nghĩa. Khoảnh khắc đấy, mình cảm thấy công việc mình chọn quá chuẩn. Không có vấn đề gì cả".
Ngoài cảm nhận được ý nghĩa và tầm quan trọng trong công việc dịch vụ khách hàng của mình, chị Hương cũng may mắn có được hậu phương vững chắc là sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của người chồng.
"Những ngày lễ tết người ta cùng nhau đưa con đi chơi, cùng nhau lo Tết gia đình thì chỉ có anh với con, còn em ở cơ quan". Chị Hương gửi lời tới người chồng của mình: "Cảm ơn anh đã hỗ trợ trong việc chăm sóc con cái, chia sẻ đồng hành và hiểu cho công việc của vợ".
"Tổng đài... xin nghe. Xin hỏi có thể giúp gì cho anh chị?", một lời chào với cú pháp quen thuộc và giọng nói dịu dàng của tổng đài viên. Đằng sau ấy là những nỗi tủi thân, những tâm sự cá nhân được gác lại để nỗ lực giải quyết các nhu cầu của khách hàng, như chị Hương chia sẻ: "Thật tâm, với tính chất công việc dịch vụ khách hàng, mình chỉ muốn đáp ứng được nhu cầu khách hàng."