Lãi suất tín dụng đen tới 1.400%, cho vay ngang hàng 700%

04/11/2020 21:18 PM | Xã hội

Đây là những con số đáng báo động được Bộ Công an đưa ra về tín dụng đen...

Bộ Công an mới đây đã có báo cáo về kết quả thực hiện sau 1 năm Thủ tướng ban hành chỉ thị 12 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tín dụng đen. Báo cáo đánh giá, hoạt động tín dụng đen không còn lộng hành, công khai, nhưng các đường dây tín dụng đen vẫn lách luật hoạt động và gây ra nhiều vụ việc phức tạp.

Báo cáo có phần nhấn mạnh đến hoạt động cho vay trực tuyến có sự tham gia của người nước ngoài sử dụng website, ứng dụng điện thoại di động (app) để tiếp cận, quảng cáo cho vay tài chính đến người dân với thủ tục đơn giản như chỉ cần cung cấp ảnh, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc giấy phép lái xe và sổ hộ khẩu với số tài khoản ngân hàng. Số tiền vay có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Các đối tượng quy định biến tướng về lãi suất bằng cách thu các khoản phí dịch vụ, nếu cộng cả tiền lãi suất và phí, có thể lên đến 1.400%/năm.

Đơn cử, ngày 1/11/2019, Bộ Công an thông tin, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM điều tra vụ án "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua phá án, phát hiện các đối tượng cho vay với lãi suất 4,4%/ngày tương đương 1.600%/năm.

Các đối tượng người Trung Quốc lập công ty tài chính, thuê người Việt Nam đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng (app) để cho vay tiền trực tuyến, điển hình như ứng dụng "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online". Khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải một trong ba ứng dụng trên về máy điện thoại di động của mình.

Cơ quan Công an xác định từ tháng 4/2019 đến khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý, đã có khoảng 60.000 giao dịch vay tiền qua 3 ứng dụng nói trên; với tổng số tiền các đối tượng cho vay vào khoảng 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng điểm mặt những hạn chế của hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending) được du nhập vào Việt Nam gần đây. Hiện có khoảng 100 công ty hoạt động vay ngang hàng.

Các công ty này hoạt động không đúng bản chất là trung gian kết nối giữa người có nhu cầu vay với người có nhu cầu cho vay (không tham gia vào mối quan hệ vay nợ), mà cấu kết với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính bán dữ liệu, thông tin cá nhân của những người vay để quảng cáo, môi giới,... theo hình thức cho vay nặng lãi truyền thống hoặc chính các chủ sở hữu công ty này đồng thời là chủ cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính.

"Một số ứng dụng cho vay ngang hàng còn lách lãi suất bằng cách thu thêm các khoản phí dịch vụ, lãi suất cộng phí có thể lên đến 700%/năm. Hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam đến nay chưa có quy định pháp luật để quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi phần lớn là do người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) điều hành, không đặt máy chủ ở Việt Nam.

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ 15/4/2019 đến 15/4/2020, Bộ đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến tín dụng đen; khởi tố 602 vụ, 1.427 bị can, xử phạt hành chính 382 vụ, 911 đối tượng; ra quyết định không khởi tố vụ án 137 vụ, 173 đối tượng, đang xác minh 143 vụ, 191 đối tượng.

Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp đa dạng hóa tín dụng cho vay nhằm hạn chế tín dụng đen, nhất là khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Đồng thời, phía ngân hàng cần phối hợp với các bộ, ngành phát hiện dấu hiệu vi phạm trong các hoạt động cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng. Quản lý chặt việc cấp mở, quản lý tài khoản ngân hàng, hạn chế các tài khoản ảo, tài khoản không chính chủ sử dụng trong hoạt động tín dụng đen. Bổ sung văn bản hướng dẫn quy định của Luật đầu tư về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Tăng chế tài xử lý hình sự đối với đường dây tín dụng đen phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp.

Theo Bạch Huệ

Cùng chuyên mục
XEM