Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất?

16/05/2021 19:47 PM | Kinh doanh

Một số ngân hàng công bố lãi suất kỳ hạn 12-13 tháng dao động 7-8,2% với các khoản tiền gửi kèm điều kiện về giá trị.

Các ngân hàng vẫn "treo" lãi suất cao với những điều kiện đặc biệt.
Các ngân hàng vẫn "treo" lãi suất cao với những điều kiện đặc biệt.

Trên thị trường, lãi suất huy động cao nhất được công bố là 8,2%/năm tại OCB khi gửi tiền giá trị trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Khoản tiền gửi 12 tháng với điều kiện tương tự hưởng lãi suất 8,1%/năm. Với các khoản tiền dưới 500 tỷ đồng, ngân hàng sẽ trả lãi suất 6-6,1% cho kỳ hạn 12 hoặc 15 tháng. 

Sau OCB, VietBank công bố lãi suất kỳ hạn 13 tháng là tham chiếu lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất cơ sở trung và dài hạn, tương đương 7,8%/năm. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng lãi suất này không được đề cập. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng này ở điều kiện thường là 6,2%/năm và 6,5%/năm cho kỳ hạn trên 15 tháng.

ACB công bố lãi suất tiền gửi giá trị trên 30 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng là 7,4%. Đây là điều kiện thấp nhất trong số các ngân hàng công bố lãi suất đặc biệt. Với khoản tiền gửi dưới 30 tỷ đồng, lãi suất là 6,6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 5,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Một số ngân hàng khác như Techcombank cũng công bố lãi suất đặc biệt 7,1%/năm, MSB 7%/năm, LienVietPostBank với 6,99%/năm, HDBank với 6,95%/năm... với các điều kiện riêng áp dụng cho các khoản tiền gửi giá trị lớn trên 200-300 tỷ đồng với kỳ hạn 12-13 tháng.

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất? - Ảnh 1.

Lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng. Nguồn: Tổng hợp.

Lãi suất với điều kiện đặc biệt (yêu cầu giá trị tiền gửi, kỳ hạn 13 tháng) thường được các ngân hàng sử dụng là tham chiếu cho lãi suất cho vay. Con số này cao hơn 1-2,5% so với lãi suất cùng kỳ hạn với tiền gửi thông thường (thấp hơn mức yêu cầu đặc biệt của ngân hàng).

Các khoản tiền gửi thông thường không có điều kiện, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến là 5,5-6,8%/năm. Cá biệt tại Techcombank, lãi suất tiền gửi cuối kỳ cao nhất cho khách hàng ưu tiên ở mức 4,5-4,9%, thấp nhất trong số các ngân hàng tư nhân Việt Nam.

Nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh Vietcombank có lãi suất 12 tháng thấp nhất, 5,5%/năm, các ngân hàng còn lại đều để lại suất 5,6%/năm.

Lãi suất đi ngang

Thời gian qua, phần lớn các ngân hàng đều giữ mặt bằng lãi suất không đổi. Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research cho rằng mặt bằng lãi suất vẫn sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong quý II do thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn khá dồi dào.

Theo SSI Research, trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng khiến chênh lệch huy động – tín dụng thu hẹp, thanh khoản các ngân hàng cũng bớt dồi dào hơn giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp trở lại như hiện nay, cầu tín dụng có thể bị ảnh hưởng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng sẽ kiên định mục tiêu giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Mặt khác, trong 2 tuần gần đây, lãi suất trên liên ngân hàng liên tục tăng do nhu cầu tăng ở một số ngân hàng thương mại lớn. Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), diễn biến trên được nhận định chỉ do sự thiếu thanh khoản cục bộ ở một số ngân hàng.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khi lãi suất trên thị trường 2 bị đẩy tăng, sẽ tác động ngược trở lại thị trường 1, kéo lãi suất huy động cũng tăng với mức tăng tối thiểu tương ứng là 0,5%. Tuy nhiên, lãi suất cho vay có thể sẽ tăng mạnh hơn mức tăng của lãi suất huy động.

Theo ông Hiếu, từ quý II trở đi, lãi suất sẽ chịu thêm áp lực lạm phát khi cung tiền trên thị trường vẫn tăng trước nhu cầu vay vốn đầu tư của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, mới đây, có thông tin cho rằng cung tiền M2, một trong những chỉ số chính được sử dụng để tính toán lạm phát của Việt Nam đang rất cao và đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2020- 2021 khi so sánh với tốc độ tăng trưởng GDP. Theo tính toán của ông Hiếu, lãi suất sẽ tăng ít nhất 1% trong nửa cuối năm nay.

Lê Hải

Cùng chuyên mục
XEM