Lãi suất tiền gửi đang tăng, có nên gửi tiết kiệm lúc này?

03/06/2021 08:39 AM | Kinh doanh

Người dân có xu hướng mang tiền đi gửi tiết kiệm khi lãi suất ngân hàng đang nhích dần, đúng lúc chứng khoán "nghẽn" mạng, bất động sản bị cho là ở giai đoạn "bong bóng".

Vừa bán căn nhà đầu cơ từ lâu, anh T.V. Hùng (ở Ba Đình, Hà Nội) đang định đầu tư vào chứng khoán thì lại xuất hiện tình trạng sàn HoSE ngừng giao dịch phiên chiều 1/6 vì thanh khoản mạnh gây áp lực lên sự an toàn của hệ thống. Đây không phải là đầu tiên sàn HoSE bị nghẽn lệnh giao dịch. Cùng với đó là giá cả trồi sụt liên tục khiến anh Hùng tỏ ra băn khoăn chưa biết đầu tư vào kênh nào cho hiệu quả.

Đúng vào thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi khiến nhiều người, trong đó có anh Hùng cân nhắc đến chuyện mang tiền ra gửi ngân hàng để giữ tiền và hưởng lãi suất ổn định.

Thực tế, kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian gần đây chứng khoán bùng nổ và hút vốn mạnh, nhà đầu tư có xu hướng rút một phần tiền gửi tiết kiệm để chơi chứng khoán.

Trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy sang chứng khoán thì bước đi của các ngân hàng thương mại được cho là đúng thời điểm để giữ chân khách hàng. Sau nhiều tháng duy trì ở mức thấp, vào cuối tháng 5, lãi suất huy động bất ngờ tăng nhẹ ở nhiều ngân hàng thương mại trong nước.

 Lãi suất tiền gửi đang tăng, có nên gửi tiết kiệm lúc này?  - Ảnh 1.

Nếu gửi tiết kiệm online, khách hàng được nhận mức lãi suất cao hơn tại quầy một chút.

Lãi suất rục rịch tăng

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BVSC, lãi suất huy động trung bình tại các ngân hàng hiện có xu hướng tăng nhẹ tại 2 kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Nhưng lãi suất huy động tăng chủ yếu ở một số ngân hàng thương mại cỡ vừa và nhỏ. Còn nhóm ngân hàng có vốn hoá lớn vẫn duy trì mặt bằng lãi suất huy động như các tháng trước.

 Lãi suất tiền gửi đang tăng, có nên gửi tiết kiệm lúc này?  - Ảnh 2.

Lãi suất có thể sẽ nhích tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc. (Ảnh minh họa: KT)

Đáng chú ý, nhóm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh (như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombankcó mức lãi huy động thấp hơn so với mặt bằng chung. Ngoại trừ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được 4 ngân hàng này đồng loạt ấn định ở mức 5,6%/năm, lãi suất các kỳ hạn ngắn hơn đang có sự chênh lệch giữa các ngân hàng.

Tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ là 2,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng 3,2%/năm, 6 tháng 3,8%, là mức thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh hiện nay.

Áp lực tăng lãi suất để giữ chân khách hàng 

Nhận định việc điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, đây là động thái điều chỉnh tăng tùy theo kỳ hạn chứ chưa phải là xu hướng chung của các ngân hàng.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, áp lực tăng lãi suất đầu vào là có trong bối cảnh lạm phát và lãi suất trên thế giới có xu hướng đi lên và Việt Nam cũng không nằm ngoài diễn biến này. Lãi suất huy động tăng một phần do dòng tiền nhàn rỗi chảy sang chứng khoán khi chỉ số VN-Index lập đỉnh; tín dụng tăng cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn…

"Gần đây, một số ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn, vừa là để tăng thêm vốn cấp 2; huy động vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng trung dài hạn. Dù vậy, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ổn định trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu và kinh tế còn khó khăn trước diễn biến của Covid-19", TS. Cấn Văn Lực nói.

Chuyên gia kinh tế nhìn nhận, diễn biến tăng lãi suất huy động tại một số ngân hàng trong thời gian gần đây chỉ mang tính cục bộ, mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng. Tuy nhiên, khi cầu tín dụng tăng mạnh trở lại, cùng với áp lực lạm phát, thì lãi suất huy động có thể sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm nay./.

Trần Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM