Lãi suất giảm liên tục về vùng đáy 1 năm nhưng trái phiếu vẫn "cháy hàng"
Trái phiếu phát hành trong tháng 7 bằng tổng lượng phát hành của cả quý 2...
Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 7 của SSI Retail Reserach cho biết, tháng 7 là một tháng khá thành công của Kho bạc Nhà nước (KBNN) với 32.081 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành trên kênh sơ cấp trong đó 81% là ở kỳ hạn 10 và 15 năm, lượng phát hành lũy kế 7 tháng của 2 kỳ hạn này là 56,8 nghìn tỷ và 54 nghìn tỷ, đã hoàn thành 81% và 69% kế hoạch cả năm 2019.
Lượng phát hành trong tháng 7 gần bằng tổng lượng phát hành của cả quý 2/2019. Tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu tháng 7 là 89%, là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay và tất cả các kỳ hạn chào thầu đều được phát hành.
Lãi suất trúng thầu giảm liên tục ở tất cả các kỳ hạn nhưng chững lại trong phiên đấu thầu cuối tháng. Tính chung cả tháng 7, lãi suất các kỳ hạn 5, 10, 15, 20, 30 năm giảm lần lượt là 20, 20, 32, 43, 27 điểm cơ bản (bps) về mức 3,55%, 4,44%, 4,68%, 5,15% và 5,51%/năm – vùng đáy lãi suất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Sau một tháng phát hành rất thuận lợi, các kỳ hạn 20-30 năm có vẻ đã hạ nhiệt trong tháng 7 khi tỷ lệ đăng ký/chào thầu liên tục giảm, tỷ lệ trúng thầu/chào thầu của kỳ hạn 20 năm tại phiên đấu thầu cuối tháng 7 chỉ là 20%. Ngược lại, các kỳ hạn từ 10 năm trở xuống lại trở lên hấp dẫn khi tỷ lệ trúng thầu tăng dần vào đạt 100% vào cuối tháng dù lãi suất không ngừng giảm. Kỳ hạn trúng thầu bình quân cả tháng 7 là 13,7 năm, giảm mạnh so với mức 18,8 năm của tháng 6, tính chung 7 tháng đầu năm là 13,44 năm.
Diễn biến trên sơ cấp cùng với việc giảm lãi suất tín phiếu trên thị trường mở của NHNN khiến cho lãi suất trái phiếu trên thứ cấp giảm liên tục ở tất cả các kỳ hạn. Trong đó giảm mạnh nhất là các kỳ hạn dưới 5 năm, lãi suất TPCP kỳ hạn 1 năm trên thứ cấp giảm 32bps, về mức 2,83%/năm – là mức thấp hơn cả lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng. Lợi tức các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm tương đương với lãi suất trúng thầu trên sơ cấp, ở mức lần lượt là 3,49%, 4,42% và 4,7%/năm.
Tổng giá trị giao dịch trái phiếu thứ cấp tháng 7 là 193,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với tháng trước nhưng chủ yếu do số ngày giao dịch nhiều hơn, tính bình quân giá trị giao dịch là 8.412 tỷ đồng/phiên, chỉ tăng 1% so với tháng 6. Khối ngoại giao dịch tích cực hơn với tổng giá trị giao dịch tăng gấp đôi so với tháng trước nhưng chiều bán tăng mạnh hơn chiều mua. Dù vẫn mua ròng 1.721 tỷ đồng trong tháng 7 nhưng mức mua ròng này chỉ bằng 60% lượng mua ròng của tháng 6. Như vậy, NĐTNN đã mua ròng liên tục trong 7 tháng đầu năm, tổng giá trị mua ròng lên tới 12,4 nghìn tỷ đồng – lớn hơn rất nhiều so với mức mua ròng rất khiêm tốn, chỉ 207 tỷ đồng của năm 2018.