Lãi suất: Cuộc chơi tốn chất xám
Tuần qua mới là tuần làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng hoạt động của các TCTD lập tức đã sôi động trở lại. Đáng chú ý nhất là diễn biến lãi suất huy động (LSHĐ).
Trong số những ngân hàng tăng lãi suất có VietCapitalBank đang áp dụng lãi suất cao nhất lên đến 8,6%/năm dành cho khách hàng gửi kỳ hạn 24 đến 60 tháng. Tại SHB khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, có số dư tiền gửi trên 500 tỷ đồng sẽ được hưởng lãi suất trên 8%/năm. Những NHTM có biểu LSHĐ hấp dẫn khác có thể kể đến là ABBANK, MSB, Sacombank, ACB…
Thế nhưng trên thị trường cũng đã xuất hiện xu hướng giảm LSHĐ, bắt đầu từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và tiếp diễn trong tuần qua như: ACB giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 5,2% xuống 5,1%/năm; VietinBank giảm 0,3% ở kỳ hạn 6 và 12 tháng về còn lần lượt 5,5%/năm và 6,8%/năm; BIDV cũng giảm lãi suất kỳ hạn 5 tháng từ 5,5%/năm xuống còn 5,2%/năm.
Phải thừa nhận một điều, biểu LSHĐ của các NHTM ngày càng “kỹ thuật” hơn. Sản phẩm huy động vô cùng đa dạng. Các mức lãi suất được áp dụng không chỉ tùy theo kỳ hạn, số dư mà còn được thiết kế cho từng nhóm đối tượng nhất định. Hầu hết NHTM đều có trên dưới 10 sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân muốn gửi tiết kiệm. Trong mỗi sản phẩm lại phân ra nhiều trường hợp, áp dụng các mức lãi suất khác nhau.
Thậm chí có sản phẩm được tích hợp cho khách hàng vừa gửi vừa vay tiền, như tiết kiệm bảo chứng thấu chi của VPBank. Đặc biệt NHTM còn có lãi suất ưu tiên dành cho những khách hàng đồng thời sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng. Đơn cử, tại Techcombank nếu khách hàng tham gia chương trình quẹt thẻ hoàn tiền mà gửi tiết kiệm tại đây sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn đến 0,5%/năm so với khách hàng thông thường khác.
Một vài ví dụ như vậy để thấy NHTM rất kỳ công trong việc xây dựng biểu LSHĐ. Họ đã, đang đầu tư rất nhiều chất xám cho biểu LSHĐ sao cho chỉ “gói gọn” trên hai mặt giấy khổ A4 bầy trên kệ nhưng đầy đủ thông tin về lãi suất của hàng chục sản phẩm; lại phải đơn giản, dễ hiểu, bắt mắt…
Việc các ngân hàng điều chỉnh LSHĐ, tăng hay giảm là tùy theo nhu cầu sử dụng vốn, chiến lược kinh doanh của họ. Song có điểm chung nhất vẫn được ngân hàng duy trì là kỳ hạn gửi càng dài thì LSHĐ càng cao. Nếu như vài năm trước, với số dư tiền gửi nhất định nào đó khách hàng chọn gửi kỳ hạn 3 tháng, sau đó cộng dồn lãi gửi tiếp kỳ 3 tháng… Sau 12 tháng, khách hàng có thể thu được tiền lãi cao hơn so với chọn gửi kỳ hạn 12 tháng ngay từ đầu.
Giờ “công thức” này không còn đúng nữa, bởi khoảng cách LSHĐ giữa kỳ hạn ngắn và dài ngày càng giãn hơn. Có ngân hàng trưng ra mức LSHĐ rất cao, nhưng chỉ dành cho khách hàng đạt số dư tiền gửi nhất định, có thể từ 5 tỷ đồng trở lên, thậm chí là 10 tỷ đồng hay hàng trăm tỷ đồng, kỳ hạn gửi phải trên 12 tháng. Thực tế, những khách hàng cá nhân có khoản tiền đến hàng chục tỷ đồng, cả năm chưa dùng đến sẽ không nhiều. Và nếu nắm trong tay số vốn lớn như vậy, chắc chắn họ sẽ nghĩ đến đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Những năm gần đây tư tưởng “tháng Giêng là tháng ăn chơi…” không còn phổ biến. Vì thế có thể nói các NHTM luôn có sự tính toán rất kỹ trong từng bước đi ngay từ đầu năm. Tùy vào “vị trí”, mục tiêu hướng đến, mỗi ngân hàng sẽ có chiến lược kinh doanh riêng. Song dù có theo đuổi mục tiêu nào, các nhà băng đều phải tuân thủ theo định hướng của NHNN.
Nhìn lại 2018 - một năm thị trường thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng với điều tiết kịp thời, hợp lý các mức lãi suất điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất của TCTD đã duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất trên thế giới có xu hướng tăng mạnh.
Dự báo thị trường thế giới 2019 sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp với những yếu tố tác động bất lợi. Quan điểm của NHNN là điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu của CSTT…
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: năm 2019, định hướng của NHNN là tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nhất quán tinh thần kiểm soát lạm phát, tiếp tục củng cố lòng tin thị trường vào chính sách vĩ mô của Chính phủ và NHNN.