Lãi kỷ lục nhưng nợ dưới tiêu chuẩn của Vietcombank tăng vọt
Tiết kiệm chi phí hoạt động là một trong những yếu tố tạo nên mức lợi nhuận khủng của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, nợ xấu có xu hướng tăng khá mạnh do nợ nhóm 3 tăng tới gần 6 lần.
Lãi kỷ lục nhờ đâu?
Theo BCTC của Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng đạt 11.303 tỷ đồng, tăng tới 41% so với cùng kỳ. Theo đó, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí số một về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng. Vậy mức lãi khủng mà nhà băng này có được đến từ đâu?
BCTC của Vietcombank cho thấy, các mảng kinh doanh chính của ngân hàng đều có kết quả khả quan. Trong khi đó, ngân hàng tiết kiệm chi phí hoạt động và chỉ tăng nhẹ chi phí dự phòng rủi ro.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong 6 tháng đầu năm đạt 17.078 tỷ đồng, tăng 31,4% so với cùng kỳ. Với một ngân hàng có quy mô lớn như Vietcombank, mức tăng trưởng này khá ấn tượng. Thu nhập từ hoạt động tín dụng cũng đam chiếm khoảng 74% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
Bên cạnh hoạt động tín dụng, lãi từ hoạt động dịch vụ của vietcombank cũng tăng gần 24% đạt 2.145 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 57% lên 1.628 tỷ đồng.
Các mảng kinh doanh còn lại kém khả quan hơn. Lãi từ mua bán chứng khoán chỉ đạt 84 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Thu nhập góp vốn mua cổ phần giảm 63%, chỉ đạt 201 tỷ. Lãi từ hoạt động khác giảm 19%, chỉ đạt 1.934 tỷ đồng.
Như vậy, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 23.000 tỷ, tăng 20% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tiết kiệm chi phí đã góp phần tạo nên mức lợi nhuận kỷ lục của Vietcombank.
Trong 6 tháng, chi phí hoạt động của Vietcombank chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ lên mức 8.451 tỷ. Theo đó, tỷ lệ tổng chi phí hoạt động/ tổng thu nhập hoạt động đạt mức 36,6%, thấp hơn nhiều so với mức 41,3% so với nửa đầu năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng chỉ tăng nhẹ 2,5% lên 3.317 tỷ đồng.
Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh
Đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản Vietcombank đạt 1,12 triệu tỷ, tăng 4,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách khàng tăng 9,9% đạt 682.809 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 8,6% đạt 870.860 tỷ đồng.
Nợ xấu của ngân hàng tăng 910 tỷ so với hồi đầu năm lên mức 7.134 tỷ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay từ mức 0,99% hồi đầu năm tăng lên 1,03%.
Nợ xấu tại Vietcombank tăng chủ yếu do Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng vọt từ 292 tỷ lên tới 1.670 tỷ, tức tăng tới gần 6 lần. Trong khi đó, nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 có xu hướng giảm.
Mua lại hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu của các TCTD khác
Đáng chú ý, thay vì đổ xô mua trái phiếu doanh nghiệp như nhiều ngân hàng khác kể từ đầu năm đến nay, Vietcombank lại chủ yếu mua trái phiếu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Cụ thể, ở mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, Vietcombank đã mua ròng thêm gần 7.000 tỷ đồng chứng khoán nợ (chủ yếu là trái phiếu) do các TCTD phát hành. Theo đó, danh mục này đã tăng 52,8% trong 6 tháng đầu năm lên mức 20.157 tỷ đồng.
Tương tự, chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, Vietcombank cũng mua thêm hơn 15.000 tỷ đồng chứng khoán nợ của các TCTD, tăng lên mức hơn 37.600 tỷ.
Ở mảng huy động vốn, ngân hàng cũng không tăng phát hành giấy tờ có giá trong 6 tháng đầu năm mà chủ yếu huy động vốn từ tiền gửi của khách hàng.
Trong cơ cấu tiền gửi, nguồn tiền gửi vốn chuyên dùng tăng mạnh 74% lên 25.987 tỷ đồng. Đây cũng được xem là nguồn "tiền rẻ" khi có lãi suất không kỳ hạn, do các doanh nghiệp gửi vào ngân hàng.