"Người khổng lồ" Vietcombank muốn lợi nhuận 2 tỷ USD, mãi "cô đơn trên đỉnh lợi nhuận"

13/07/2019 09:26 AM | Kinh doanh

Không loại trừ ngân hàng này sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ...

Một lãnh đạo cấp cao của Vietcombank (VCB) mới đây đã chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch của ngân hàng này trong tương lai.

Theo vị lãnh đạo trên, trong 6 tháng đầu năm 2019, Vietcombank đã lãi trước thuế hơn 11.700 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch cả năm và là con số trong nửa năm cao nhất từ trước tới nay. Dự kiến cả năm 2019, ngân hàng sẽ hoàn thành tốt mục tiêu 20.000 tỷ đồng mà cổ đông đã giao tại đại hội thường niên hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Trong tuần này, ban lãnh đạo Vietcombank đã có buổi họp về chiến lược, trong đó đặt mục tiêu lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025. Động lực chính của tăng trưởng sẽ là bán lẻ và ngân hàng số. Trong đó bán lẻ sẽ chiếm một nửa lợi nhuận tức là khoảng 1 tỷ USD. Còn về ngân hàng số, Vietcombank định hướng giữ vị trí số 1 trên thị trường.

Tham vọng trên của Vietcombank là khá bất ngờ khi mục tiêu năm nay lợi nhuận chưa đến 1 tỷ USD, nhưng sau 6 năm nữa sẽ tăng gấp đôi – một "giấc mơ không có thật" của các ngân hàng nội khác. Hiện ngân hàng đứng thứ 2 hệ thống về lợi nhuận thuộc về Techcombank còn đang kém một nửa so với của Vietcombank.

"Nếu đạt được 2 tỷ USD, Vietcombank sẽ vươn xa trong khu vực và trên thế giới chứ không chỉ giới hạn ở Việt Nam" – một chuyên gia tài chính ngân hàng nói với chúng tôi.

Ở trong nước, dù không đứng đầu về quy mô mạng lưới (chỉ bằng chưa đến một nửa của BIDV, VietinBank và Agribank, thậm chí kém cả ngân hàng tư nhân là Sacombank), cũng thua về tổng tài sản so với 3 ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại, nhưng Vietcombank lại đang chứng tỏ mình có sức mạnh, có sức ảnh hưởng ghê gớm nhất với hàng loạt các tiêu chí dẫn đầu. Đó là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, khả năng sinh lời tốt nhất, nhân viên có hiệu suất làm việc cao nhất ngành, quản trị rủi ro tốt nhất (đạt chuẩn Basel II sớm nhất), và nợ xấu thấp nhất…

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Vietcombank tăng ấn tượng nhất dòng "bank" từ đầu năm tới nay, hiện cũng có giá cao nhất trên thị trường là hơn 73.000 đồng/cổ phiếu. Forbes Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua đánh giá Vietcombank có vốn hóa lớn nhất thị trường, đứng trên các tên tuổi lớn như Vinhomes, Vinamilk, PV Gas, với vốn hóa hiện nay ở mức 11,6 tỷ USD (giá ngày 12/7).

Còn ở bình diện khu vực và thế giới, Vietcombank cũng thể hiện là "bộ mặt" của ngành tài chính Việt Nam khi liên tục được bình chọn là ngân hàng tốt nhất. Trong danh sách các công ty lớn nhất thế giới năm 2019 của Forbes, Vietcombank leo lên vị trí 1.096, tăng 198 bậc so với 2018, và là 1 trong 4 đại diện duy nhất của Việt Nam có tên trong top 2.000.

Tháng 10/2018, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt ở cấp liên bang từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như chấp thuận về mặt nguyên tắc từ NDYFS (đơn vị quản lý trực tiếp ở cấp tiểu bang) về kế hoạch mở phòng giao dịch tại Mỹ. Và cuối tháng 6 vừa qua, Sở Quản lý Tài chính Tiểu bang New York (NYDFS) đã chính thức ban hành Giấy phép hoạt động cho Văn phòng đại diện của Vietcombank tại Thành phố New York. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, thì đây là nền tảng rất quan trọng giúp ngân hàng vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.

Trong một diễn biến khác, theo định hướng của Chính phủ về hoạt động ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030, thì vào cuối 2025 Việt Nam sẽ có ít nhất 2-3 ngân hàng trong top lớn nhất châu Á, 3-5 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Với những gì đã và đang thể hiện, 1 cái tên trong danh sách chắc chắn thuộc về Vietcombank. Đặc biệt với việc được mở phòng giao dịch tại New York, không loại trừ nhà băng này sẽ niêm yết tại Mỹ.

Ở một diễn biến khác, trong năm 2018 Vietcombank đã bán hơn 3% vốn cho đối tác nước ngoài và thu về trên 6.000 tỷ đồng. Ngân hàng được bán tổng cộng gần 10% (do room Nhà nước hiện còn gần 75%) thời gian tới ngân hàng sẽ bán nốt phần còn lại. Một lãnh đạo ngân hàng này tiết lộ, giá bán cổ phiếu năm nay sẽ cao hơn nhiều so với năm trước.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM