Lãi hơn 30 triệu đồng/tháng từ trồng nấm bào ngư xám
Chị Nguyễn Thị Na - ngụ ấp Trường Thuận (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) - là một trong những người trồng nấm bào ngư xám (NBNX) đầu tiên và đạt hiệu quả kinh tế cao tại xã Trường Long.
Hiện trại nấm của chị có trên 10.000 phôi nấm, mỗi tháng thu lãi hơn 30 triệu đồng.
Năm 2015, được người chú giới thiệu mô hình trồng NBNX hiệu quả kinh tế cao, chị Na và chồng quyết định vay vốn đầu tư trồng loại nấm này. Từ 80 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Na cùng chồng cất trại trồng nấm có thiết kế hệ thống phun tưới nước.
“Lúc đó, hai vợ chồng tôi không có chút kinh nghiệm nào về trồng nấm, nếu làm không đạt hiệu quả chắc lỗ trắng tay!” - chị Na nhớ lại.
Sau 2 năm trồng NBNX, từ kinh nghiệm tự đúc kết và học hỏi thông tin từ sách - báo, trại nấm đã đem lại hiệu quả kinh tế khá ổn định cho gia đình chị Na.
Chị Na cho biết: “Hiện tôi cung cấp NBNX cho bạn hàng tại chợ Phong Điền với giá bán sỉ 35.000 đồng/kg. Tôi còn trồng thêm nấm bào ngư trắng, nấm linh chi; bán chủ yếu vào các dịp rằm hàng tháng. Với giá bán 25.000 đồng/kg nấm bào ngư trắng, lợi nhuận thu được mỗi dịp rằm khoảng 7 triệu đồng”.
Theo chị Na, NBNX dễ trồng, cho thu hoạch liên tục khoảng 4 tháng. Từ khi bắt đầu phôi nấm đến lúc thu hoạch lần đầu khoảng nửa tháng, sao đó cứ khoảng 10 ngày thu hoạch một lần. Trời nắng, mỗi ngày phải tưới phun sương khoảng 4 lần, chỉ tưới xung quanh lớp vỏ bịch, không tưới trực tiếp vào bên trong bịch vì có thể gây úng phôi nấm, dẫn đến nhiễm bệnh, mốc. Người trồng có thể điều chỉnh sự sinh trưởng của nấm theo ý mình.
Cũng theo chị Na, để trồng NBNX đạt hiệu quả cao, khâu chọn phôi nấm quan trọng nhất. Phôi nấm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo không bị nhiễm bệnh và có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Trước khi đưa phôi nấm vào trồng, phải vệ sinh nhà trồng bằng vôi bột để hạn chế bệnh cho nấm trong quá trình chăm sóc.
Trong thời gian 7 ngày đầu, tiến hành kiểm tra các bịch phôi, nếu phát hiện bịch nào có hiện tượng mốc phải mang ra khỏi nhà trồng, đốt bỏ để tránh bệnh lây lan sang các bịch phôi khác. Phải đảm bảo bịch phôi không bị gió lùa trực tiếp, giữ không khí bên trong nhà trồng thông thoáng. Dùng nguồn nước không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn để tưới. Ánh sáng trong nhà trồng phải đều, không chỗ sáng, chỗ tối...