Lãi gấp 9 lần nhờ “mua đáy, bán đỉnh”, một doanh nghiệp cá tra đối mặt với loạt rủi ro khi đặt mục tiêu kinh doanh cao kỷ lục
Trong nửa đầu năm nay, I.D.I ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng tới 9 lần một phần nhờ việc thu mua cá nguyên liệu ở mức đáy và bán ra ở thời điểm giá gần chạm ngưỡng kỷ lục. Công ty đặt mục tiêu kinh doanh ở mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong nửa còn lại của năm 2022, thị trường còn nhiều rủi ro, nhất là đối với Mỹ.
Lợi nhuận tăng bằng lần nhờ "mua đáy, bán đỉnh" cá tra nguyên liệu
Trong quý II, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I ghi nhận doanh thu thuần tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2.385 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng 16% lên 1.956 tỷ đồng.
Điều này này giúp lợi nhuận gộp của công ty trong quý II tăng gần gấp 3 lần lên 429 tỷ đồng, biên lợi nhuận cũng tăng 10 điểm phần trăm lên 18%. Lợi nhuận sau thuế của I.D.I tăng gần 8 lần lên 229 tỷ đồng.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty tăng 33% lên 4.257 tỷ đồng giá vốn chỉ tăng hơn 19%. Biên lợi nhuận gộp vẫn duy trì tăng trưởng ở mức khoảng 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái lên 17%.
Công ty thu về 431 tỷ đồng sau khi trừ các khoản chi phí, thuế, tăng 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả kinh doanh của I.D.I trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022 (Tổng hợp).
Việc công ty chủ động nguồn cung cá tra và tranh thủ thu mua cá nguyên liệu ở thời điểm giá chạm đáy do chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 đã giúp kết quả kinh doanh tăng vượt bậc trong năm 2022.
Ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty I.D.I cho biết trong năm 2021, với lợi thế 3 kho lạnh quy mô lớn và nguồn lực tài chính dồi dào, I.D.I đã dự trữ được 24.000 tấn cá tra thành phẩm với mức giá nguyên liệu đầu vào khoảng 17.000 – 18.000 đồng/kg đáp ứng nhu cầu thị trường phục hồi sau dịch.
Theo đó, từ sau Tết Nguyên đán đến nay giá cá từ 32.000 đồng/kg trở lên, mức chênh lệch đó đã đem lại cho I.D.I hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận. Hiện tại các đơn hàng xuất khẩu của I.D.I đã ký “full” cho đến hết năm 2022.
I.D.I sở hữu vùng nuôi liên kết rộng lớn, quy mô hơn 350 ha, tổng sản lượng khoảng 85.500 tấn cá nguyên liệu/năm, chiếm 90% tổng sản lượng nguyên liệu cần cho 2 nhà máy chế biến thủy sản. Công ty đang đầu tư nhà máy chế biến thủy sản số 3 với công suất thiết kế 500 tấn nguyên liệu/ngày.
I.D.I kỳ vọng doanh thu cán mốc 8.300 tỷ đồng, tăng trưởng 45% và lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng, vượt gấp 6,3 lần so với năm 2021, mức cao nhất từ trước đến nay.
“Hiện xuất khẩu cá tra Việt Nam đang hồi sinh mạnh mẽ ở nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... Theo dự báo, giá cá tra sẽ phá kỷ lục lịch sử 35.000 đồng/kg và cán đích mới 40.000 đồng/kg trong nửa cuối năm 2022”, ông Tuấn cho biết.
Tính tới 30/6, tổng tài sản của I.D.I là hơn hơn 8.100 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu kỳ. Đồng thời, công ty đang vay 4.551 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với 30/12/2021. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn (gần 4.300 tỷ đồng). Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của I.D.I tính đến 30/6 là 1,3.
Rủi ro thị trường đang chững lại
Mặc dù kỳ vọng nhiều vào kết quả kinh doanh năm 2022 có thể đạt kỷ lục nhưng I.D.I phải đối mặt với rủi ro lớn về sức tiêu thụ tại các thị trường có thể chững lại, đặc biệt là Mỹ, EU khi lạm phát tăng cao kèm theo hàng tồn kho tại các thị trường này vẫn còn ở mức lớn.
Hiện cá tra của I.D.I được xuất khẩu tới 150 quốc gia trong đó có Mỹ, EU, ASEAN, Châu Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Brazil và là doanh nghiệp xuất cá tra lớn thứ 4 Việt Nam (sau Vĩnh Hoàn, Biển Đông Seafood, Vạn Đức Tiền Giang)
Tính đến tháng 6, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại khi kim ngạch đạt 220 triệu USD. Mặc dù con số này cao hơn 55% so với cùng kỳ nhưng lại thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây.
Số liệu: Bộ Công Thương, VASEP
Nhìn sang kết quả của của Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, doanh thu từ thị trường Mỹ trong tháng 6 giảm rõ rệt 59% so với tháng 5.
“Có thể trong quý tới, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tăng trưởng thấp hơn so với các quý trước”, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) nhận định.
Các nhà nhập khẩu nhận định tình hình tiêu thụ thủy sản nói chung, trong đó có cá tra tại Mỹ có dấu hiệu chững. Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Các nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ.
Ngoài ra, chi phí logistics cao vẫn đang là vấn đề lớn chưa thể giải quyết triệt để. Từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch COVID và nay là giá nhiên liệu xăng dầu tăng, việc đặt container vốn đã khó khăn thì giá cước ở hầu hết các chặng tăng 4-5 lần.
Tại thời điểm tháng 6/2022, dù đã giảm một chút, nhưng để xuất được một container (cont) 40 feet qua bờ Đông Mỹ (Florida) thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/cont, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới TP HCM (chiếm hơn 60%), thì trung bình 400-410 triệu đồng/cont.
Trong khi đó, I.D.I đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trong năm nay. Trao đổi với các cổ đông, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó tổng giám đốc I.D.I cho biết, thị trường Mỹ rất quan trọng với cá tra Việt Nam. I.D.I xác định phải có kế hoạch lâu dài để tham gia thị trường này.
Công ty đang xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ cá nguyên con, cá cắt khúc, với cá phi lê công ty hợp tác với một số đơn vị có mức thuế suất tốt để xuất vào Mỹ. Trước đây từ năm 2012-2016, I.D.I đã có mức thuế tốt để xuất khẩu cá phi lê sang Mỹ. Tuy nhiên, sau đó Công ty không theo đuổi tốt vụ kiện chống bán phá giá cá tra nên đã để tuột mất thị trường.
I.D.I đã làm việc với văn phòng luật sư uy tín của Mỹ để triển khai các thủ tục xin phép vào lại thị trường này. Hai năm qua do dịch bệnh Covid-19 nên việc này bị gián đoạn, khi bình thường mới trở lại, luật sư Mỹ đã có lịch sang Việt Nam để cùng I.D.I bàn giải pháp, chuẩn bị hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý Mỹ.
Nhà máy của I.D.I nằm trong danh sách 19 nhà máy chế biến cá tra tại Việt Nam được Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS) công nhận được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ.
Tín hiệu tốt từ các thị trường chủ chốt
Tuy nhiên, với những thị trường I.D.I chiếm thị phần lớn như Trung Quốc - Hồng Kông (40% thị phần), Mexico (chiếm 24% thị phần) lại đang có những tín hiệu tích cực.
Mới đây, Hải quan Trung Quốc thông báo dỡ bỏ kiểm tra trực tiếp hàng thủy sản nhập khẩu với virus Sars-CoV-2 nhưng sẽ kiểm tra trực tuyến nếu phát hiện. Đây cũng là một biện pháp nới lỏng của nước này đối với thực phẩm nhập khẩu.
Mới đây VASEP dự báo: “Việc Trung Quốc nới lỏng quy định kiểm tra sẽ giúp cho hoạt động xuất cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hơn nữa trong những quý cuối năm”.
Hiện nay, xuất khẩu cá tra đông lạnh Việt Nam sang Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng ba con số so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 427,6 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn đang là thị trường khó lường đó với I.D.I.
"Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho mặt hàng cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn luôn được đánh giá là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro và không ổn định vềnhu cầu, lúc mua mạnh một cách đột ngột, lúc không mua và mới đây nhất là vấn đề kiểm soát dịch Covid-19 trên hàng đông lạnh khiến hàng hóa bị ách tắc, ùn ứ ở các cảng xuất nhập khẩu Trung Quốc, điều này làm vượt tầm kiểm soát của các doanh nghiệp", I.D.I nhận định.
Còn với Mexico, đây là thị trường tiêu thụ cá tra mới nổi trong một năm trở lại đây, nhất là trong giai đoạn hoạt động xuất khẩu sang các thị trường truyền thống gặp khó khăn trong năm 2021. Hiện, đây là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất trong khối CPTPP với giá trị trong 6 tháng đầu năm đạt 62,4 triệu USD, tăng 68,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của VASEP.
Với kết quả này, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico đã vượt qua Thái Lan và Brazil (vốn được đánh giá là hai thị trường tiềm năng hơn hơn).
Biến động giá cả trên toàn cầu do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Mexico. Nền kinh tế nước này vẫn trì trệ và chưa hồi phục về mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho cá tra Việt Nam vì nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản với giá cả phù hợp, dinh dưỡng lành mạnh của Mexico đang ngày càng tăng.