Là phân khúc màu mỡ, vì sao các hãng bay Việt mất 90% thị phần vận tải hàng hóa quốc tế vào tay doanh nghiệp ngoại?
Trong khi đó đề xuất thành lập hãng vận tải hàng hóa chuyên dụng của IPPG mới đây bị Bộ Giao thông Vận tải từ chối.
90% thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế trong tay doanh nghiệp ngoại
Trong bối cảnh vận tải hành khách sụt giảm nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch, các hãng hàng không của Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh mảng vận tải hàng hóa vốn hầu như không chịu nhiều thiệt hại.
Từ năm 2020, cả Vietnam Airlines hay Vietjet đều đã nhanh chóng triển khai vận tải hàng hóa trên cabin, sau đó là tháo ghế tàu bay để tăng công suất vận tải.
Dịch chuyển sang vận tải hàng hóa là việc bắt buộc phải làm trong bối cảnh Việt Nam đang hứng chịu làn sóng dịch bệnh trên toàn quốc và đường bay quốc tế vẫn chưa tái khởi động. Vietnam Airlines cho biết hiện đang chỉ duy trì số chuyến bay để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không tối thiểu.
Trong tháng 6, doanh thu từ vận tải hàng hóa (freighter) của Vietnam Airlines thậm chí đã vượt doanh thu vận tải hành khách. Điều này đến từ hai hướng, một là công suất vận tải hàng hóa tăng lên khi hãng đã tháo ghế tổng cộng 7 tàu bay, hai là vận tải hành khách đang ở mức đáy với load factor (hệ số tải hành khách) chưa đầy 40%.
Nhưng trên thực tế, các hãng hàng không của Việt Nam xưa nay đều chưa đẩy mạnh nghiệp vụ vận tải hàng hóa. Hiện nay các hãng hàng không nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế với gần 90%.
Vì sao Vietnam Airlines đã nghiên cứu dự án hàng hóa nhiều năm nhưng chưa triển khai?
Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines
Trả lời câu hỏi vì sao chưa triển khai mạnh freighter, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết:
"Vietnam Airlines có nghiên cứu dự án thành lập hãng vận tải hàng hóa freighter từ khá lâu, cách đây 4 – 5 năm. Nhưng thực tế thị trường thì việc tổ chức vận tải hàng hóa hàng không phải đảm bảo yếu tố quy mô. Đó là mạng bay đủ lớn, đội tàu bay đủ lớn để khai thác tất cả các nguồn hàng. Nguồn hàng ở đây là yếu tố liên quan đến chân hàng từ các nước đến Việt Nam và theo chiều ngược lại. Korean Air và China Airlines là hai hãng hàng không có vận tải hàng hóa lớn và hiệu quả. Họ có mạng đường bay cũng như đội bay đủ lớn để đem lại hiệu quả về quy mô. Bài toán chân hàng và giữ được nguồn hàng là quan trọng".
Tổng giám đốc Vietnam Airlines nói thêm, giai đoạn trước kia việc tổ chức vận tải hàng hóa freighter của hãng chưa đem lại hiệu quả. Nhưng dịch bệnh kể từ năm 2020 là bước quan trọng để tập rượt cho việc tổ chức vận tải hàng hóa này, dù cho Vietnam Airlines hiện vẫn đang sử dụng máy bay chở khách để tổ chức thực hiện.
Vietnam Airlines đang hoàn thiện đề án xây dựng hãng hàng không hàng hóa ngay sau đại dịch.
Vietjet Air kiến nghị lập hãng Cargo Airlines, nhưng cần được Chính phủ hỗ trợ
Vietjet Air cũng không đứng ngoài cuộc chơi này, hãng cũng nhanh chóng chuyển đổi cấu hình máy bay hành khách sang vận tải hàng hóa và là hãng hàng không đầu tiên được Nhà chức trách phê chuẩn giấy phép CPIC (Cargo in Passenger Carbin).
Doanh thu vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước của Vietjet Air trong nă
m 2020 tăng trưởng 16% thông qua các thỏa thuận liên danh, đưa hàng hóa đến châu Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, Vietjet cũng sử dụng khoang hành khách để vận tải hàng hóa kết nối Việt Nam – Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia và Indonesia. Thỏa thuận ký kết với các đối tác chiến lược thúc đẩy Vietjet mở rộng trong mảng vận tải hàng hóa.
Việc chuyển đổi số đã nâng cấp hệ thống đặt giữ chỗ tự động để phục vụ hoạt động báo cáo và khai thác hàng hóa. Vietjet đưa việc mở rộng freighter, tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh này là chiến lược kinh doanh thời gian tới.
Vietjet Air cũng cho rằng cần thành lập hãng hàng không hàng hóa chuyên dụng
Trong một sự kiện được tổ chức bởi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) về chủ đề nông sản với đường sắt và đường hàng không mới đây, ông Đỗ Xuân Quang – Phó Tổng giám đốc Vietjet Air Cargo kiến nghị cần có một hãng hàng không (Cargo Airlines) với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cho các tuyến đường riêng biệt. Điều này có thể giúp giảm giá phí máy bay. Nhưng ông cũng nói rằng, một hãng hàng không như vậy phải được Chính phủ hỗ trợ với chính sách tài khóa phù hợp.
Đề xuất thành lập hãng bay hàng hóa của "vua hàng hiệu" chưa được chấp thuận
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có một hãng hàng không vận chuyển hàng hóa chuyên dụng, IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đưa đề xuất thanh lập hãng hàng không IPP Air Cargo.
Ông Hạnh thông tin các hãng air cargo quốc tế như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo… rất mạnh nên doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được. Bên cạnh đó, hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, công nghệ đi chậm hơn so với thế giới 20 năm. Chi phí vận chuyển hàng hóa luôn bị "than" cao hơn nhiều so với thế giới, làm giảm sức cạnh tranh vì các kho hàng, bến bãi, vận chuyển chưa được đầu tư những hệ thống nhanh gọn để giải phóng hàng hóa nhanh cho doanh nghiệp. Hàng về phải chuyển vòng qua nhiều cảng, thời gian nằm bãi lâu, đẩy chi phí hàng hóa lên cao và giảm chất lượng hàng hóa.
Ông Hạnh cũng cho biết, Việt Nam không có máy bay lớn chuyên dụng để chuyển hàng hóa nhanh nên phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoại, chấp nhận bị họ "siết" giá.
Từ khi đại dịch bùng phát, thị trường mua sắm online tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vì không có chuỗi hệ thống logistics chuyên nghiệp nên Việt Nam đã đánh mất nhiều cơ hội. Các hãng hàng không cũng tận dụng máy bay thương mại để vận chuyển hàng hóa nhưng do không có thiết kế phù hợp, không đúng quy định bảo hiểm nên chỉ có thể vận chuyển ở mức rất hạn chế.
Kế hoạch thành lập hãng hàng không hàng hóa của IPPG đã bị từ chối
Chủ tịch IPPG nói rằng đã chuẩn bị nhân lực, vật lực hơn 1 năm qua cho việc thành lập hãng hàng không hàng hóa.
Mục tiêu của IPP Air Cargo là thành lập một hãng hàng không vận tải hàng hóa nội địa – quốc tế. Dự án có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% vốn chủ và 70% huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Giai đoạn 1 (2021 – 2022), IPP Air Cargo sẽ chỉ hoạt động trong thị trường nội địa như một đơn vị trung chuyển.
Sau 2022, IPP Air Cargo sẽ đầu tư hệ thống máy bay sức chứa lớn hơn, cùng các hãng air cargo quốc tế khác bay vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài và hợp tác chở hàng từ nước ngoài về Việt Nam.
Tuy nhiên, đề xuất của IPPG đã bị Bộ Giao thông Vận tải từ chối, do giai đoạn khó khăn của thị trường vận tải hàng không, việc thành lập các hãng hàng không mới (bao gồm cả các hãng chuyên vận tải hàng hóa) là chưa phù hợp.
Theo Bộ GTVT: "Công ty cổ phần IPP Air Cargo hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022)".
Cơ quan chuyên trách cho rằng trong bối cảnh thị trường vận tải hành khách bị thu hẹp do tác động của dịch bệnh COVID-19 nên các hãng đều sẵn sàng sử dụng đội máy bay của mình để vận chuyển hàng hóa và cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong trường hợp có những nhu cầu đặc biệt, các hãng hàng không hoàn toàn có thể trực tiếp cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa hoặc thuê tàu bay chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa.