Là người Việt, không tự hào nói tiếng Việt hay sao mà phải chèn tiếng Anh, lời khuyên từ Shark Việt đã làm thức tỉnh không ít người!
Tình trạng giới trẻ nói chuyện chèn vài ba từ tiếng Anh không thiếu, nhưng hiện tượng này ngày càng phổ biến và không ít người mặc định cho sự sành điệu trong giao tiếp.
Chưa bao giờ việc học tiếng Anh được mọi người hưởng ứng nhiệt tình rầm rộ như thế. Tuy nhiên chuyện học từ vụng, ngữ pháp, luyện thi này nọ thì không thiếu trung tâm đào tạo, nhưng nơi hướng dẫn cách áp dụng tiếng Anh như thế nào cho lịch thiệp, phù hợp tình huống giao tiếp mà không khiến người khác khó chịu thì rất khó để tìm thấy.
Mới đây, Shark Việt ở video bên lề chương trình đã chia sẻ một trong những lỗi của các startup khi gọi vốn tại chương trình Shark Tank Việt Nam là lạm dụng tiếng Anh trên sóng truyền hình quốc gia. Tuy là chia sẻ hướng đến sự thành bại trong thương thuyết gọi vốn, nhưng ý kiến này của ông vẫn nhận được sự nhất trí của nhiều khán giả trẻ, khi ngày nay không ít người hay nói trộn lẫn tiếng Anh trong giao tiếp.
Nguyên văn cụ thể của shark Việt chia sẻ như sau: "Kinh doanh thì mình phải biết tự hào dân tộc, tại vì đất nước mà mình đang đứng tại đây, đang kinh doanh chính là đất nước Việt Nam. Không phải là mình không biết tiếng Anh, tôi cũng biết tiếng Anh, tôi cũng hiểu tiếng Trung và cả tiếng Nga cùng một số thứ tiếng nữa, mà chắc chắn tôi nói ra nhiều người không hiểu được. Nhưng mà mình không nên nói như thế, bởi vì ngoại ngữ chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích chính của mình trong việc kinh doanh. Đương nhiên gặp một người Tây trên đất nước của mình, nói chuyện với người ta thì sẽ nói tiếng Anh. Nhưng nếu anh là người Việt Nam, mà anh nói với tôi cũng là người Việt và chương trình cũng đang phát sóng cho đồng bào tôi nghe thì tốt nhất các startup hãy nói tiếng Việt".
Shark việt chỉ ra 3 lỗi của Startup gọi vốn tại Shark Tank, trong đó lỗi đầu tiên là lạm dụng tiếng Anh khi giao tiếp. (Nguồn: Fanpage Shark Tank Việt Nam)
Shark Việt trong chương trình Shark Tank Việt Nam
Bên dưới bình luận cư dân mạng đưa ra hai luồng tranh luận, bên cạnh sự đồng tình thì bên phản đối cho rằng, shark Việt nên thông cảm cho một số người, nhất là những bạn du học sinh, hay những người quen sống trong môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh nên khi trình bày bằng tiếng Việt sẽ dẫn đến thiếu vốn từ chuyên ngành, không biết diễn đạt như thế nào, thành ra đôi khi phải đưa tiếng Anh vào thế chỗ.
Như cách đây không lâu, Giang Coco , một nữ thí sinh trong game show hẹn hò đã gây không ít tranh cãi khi có màn bắn tiếng Việt pha lẫn tiếng Anh đi vào lòng người: "Nếu như phải đi đến long distance relationship thì thật sự phải là mối quan hệ rất serious". Mặc dù phần chia sẻ của Giang Coco chỉ có 2 phút nhưng khiến nhiều người phải suy nghĩ thật lâu mới nhận ra được ý tứ trong câu nói.
Mặc kệ dư luận ném đá, Giang Coco vẫn cho rằng bản thân cảm thấy thích, bố mẹ và bạn bè hiểu là được. "Bạn bè hầu hết là người nước ngoài hoặc du học sinh nên ngôn ngữ chính của chúng tôi vẫn là tiếng Anh và kể cả đến khi đi làm cũng vậy. Thói quen từ trong tư duy, suy nghĩ nên khi phải nói ra bằng lời tôi cũng có gặp chút khó khăn để diễn đạt bằng tiếng Việt", cô nàng trả lời phỏng vấn.
Giang Coco, tuy IELTS chỉ mới 7.0, chuẩn bị đi du học nhưng đã cảm thấy bản thân khó diễn đạt bằng tiếng Việt
Tất nhiên việc lớp trẻ tiếp thu văn hoá nước ngoài, giỏi ngoại ngữ thì không gì đáng chê trách, nhưng cái mà mọi người cảm thấy khó chịu chính là việc đệm tiếng Anh trong lời nói dường như không thích hợp trong một số trường hợp giao tiếp.
Trong cuộc nói chuyện với bạn bè, chat chit trên mạng xã hội muốn dùng như thế nào cũng được, nhưng lên sóng truyền hình thì nên cẩn trọng lời ăn tiếng nói, chứ không nên xài kiểu nửa nạc nửa mở, không làm bản thân "chanh sả" hơn bao nhiêu, ngược lại rước không ít cái nhìn đánh giá thiếu thiện cảm từ người khác. Bên cạnh những người thực sự quen thói phản xạ bằng tiếng Anh thì không thiếu bạn trẻ coi việc bồi vài chữ tiếng Anh thì mới sang, mới sành điệu trong mắt người khác.
Trước tình trạng hay pha tiếng Anh khi giao tiếp thì cô nàng Huyền Chip đã từng chia sẻ rằng: " Mình nghĩ mục đích của ngôn ngữ là để giao tiếp , việc pha lẫn ngôn ngữ không có vấn đề gì nếu nó thực sự giúp ích trong giao tiếp và giúp người nghe có thể hiểu người nói muốn nói gì".
Thế mới thấy, đôi khi học tiếng Anh đã khó nhưng việc sử dụng nó như thế nào cho hợp lý còn khó hơn. Văn hoá vốn là để giao lưu học hỏi, nhưng nếu lạm dụng rồi viện dẫn những lý do lý trấu để bào chữa thay vì củng cố thì chỉ làm bản thân sai càng thêm sai.