Lạ lùng chuyện nhà ở xã hội: 80 căn cho thuê bị “ế” nhưng có 350 đơn xin mua không được
Thực tế thí điểm nhà ở xã hội ở Hà Tĩnh hiện nay còn 80 căn hộ cho thuê không ai thuê, trong lúc đó có 350 đơn xin mua lại không được. Theo đại biểu Quốc hội, đó là một sự lãng phí rất lớn.
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) đã cho biết như vậy khi thảo luận tại hội trường chiều 2/6 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Theo ông Gia, những quy định của Khoản 3, Điều 54 Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 6 Nghị định 100 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã thể hiện chủ trương đúng đắn và nhân văn trong giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo chủ trương này, chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê. Sau thời hạn tối thiểu là 5 năm, nếu không còn thuê thì mới được bán nhà ở này.
"Thực tế tại đô thị loại 2 và loại 3 thì nhu cầu người thuê nhà ở xã hội rất thấp, bởi vì phải dành khoảng 3 triệu đến 3,5 triệu đồng để thuê, người lao động không thể dành được khoản tiền như vậy cho nên họ chỉ có nhu cầu mua, vay Ngân hàng chính sách xã hội để mua", ông Gia nói.
Ông chỉ ra thực tế thí điểm nhà ở xã hội ở Hà Tĩnh hiện nay còn 80 căn hộ cho thuê thì không ai thuê. Trong lúc đó, có đến 350 đơn xin mua nhưng không được mua. Đại biểu cho rằng, đây là một sự lãng phí rất lớn.
Vị đại biểu này cũng chỉ ra vấn đề bất cập khi mấy năm gần đây giá đất lên cao. Nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất để chuyển sang đất ở rồi đất công nghiệp và tổ chức đấu giá.
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh). (Ảnh: quochoi.vn)
"Người có nhu cầu đấu giá thì không có nhu cầu ở. Người có nhu cầu ở thì không thể có tiền để đấu giá. Điều đó dẫn đến rất nhiều diện tích đất chúng ta chuyển thành đất ở nhưng khi đấu giá không đưa vào làm đất ở, dẫn đến từ đất sản xuất trở thành đất để hoang. Đấy là một thực tế mà tôi nghĩ rằng sắp tới Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai cần phải xem xét nội dung này để khắc phục tình trạng trên", đại biểu kiến nghị.
Về vấn đề này, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trình Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường bản kiến nghị cần bổ sung quy định đối tượng tham gia hộ đấu giá các lô đất ở phải là người trong xã, nếu họ không tham gia mới cho phép người ngoài xã đấu giá đất.
Nguyên nhân hiệp hội đề xuất phương án này là do quan sát thực tiễn, khi đấu giá công khai các lô đất ở đã xảy ra tình trạng nhiều người trúng đấu giá không phải là dân địa phương mà là người từ đô thị hoặc các nơi khác tranh mua. Sau khi đấu giá xong, vì không có nhu cầu thực nên nhóm người này không cất nhà để ở mà chỉ nhằm mục đích bán lại kiếm lãi. Từ đó giới đầu nậu, cò đất bắt đầu thổi giá để bán hàng, gây ra các cơn sốt đất ảo tại địa phương.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích… gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm giá thị trường khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công.
Đại biểu Nguyễn Tạo cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài; phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương, đặc biệt là các quỹ đất có liên quan đến an ninh quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, không đưa vào sử dụng thì cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế xã hội.