Là kho lưu trữ của cải quan trọng nhất thế giới, giá trị BĐS toàn cầu đạt 326,5 nghìn tỷ USD, cao hơn cả chứng khoán và trái phiếu cộng lại!

30/09/2021 13:36 PM | Kinh doanh

Tuy nhiên, sự tăng trưởng giá trị bất động sản toàn cầu chỉ đạt mức 5% vào năm 2020, thấp hơn tổng giá trị của các khoản trái phiếu (tăng 17%), cổ phiếu (tăng 20%) hoặc vàng (tăng 29%).

Giá trị của tất cả loại hình bất động sản trên toàn thế giới đã đạt mức cao kỷ lục với 326,5 nghìn tỷ USD vào năm 2020, tăng 5% so với năm 2019. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ bất động sản nhà ở, đây cũng là phân khúc bất động sản chiếm tỷ trong lớn nhất, tương đương 79% tổng giá trị bất động sản toàn cầu. Giá trị của bất động sản nhà ở trong năm vừa qua tăng 8%, đạt mức 258,5 nghìn tỷ USD.

Là kho lưu trữ của cải quan trọng nhất trên thế giới, giá trị bất động sản toàn cầu cao hơn giá trị gộp của chứng khoán và trái phiếu, và gấp gần 4 lần GDP toàn cầu. Giá trị của tất cả các mỏ vàng được khai thác hiện nay khoảng 12,1 nghìn tỷ USD, chỉ chiếm 4% giá trị bất động sản toàn cầu.

Là kho lưu trữ của cải quan trọng nhất thế giới, giá trị BĐS toàn cầu đạt 326,5 nghìn tỷ USD, cao hơn cả chứng khoán và trái phiếu cộng lại! - Ảnh 1.

Ông Troy Griffth, Phó Tổng Giám Đốc, Savills Việt Nam nhận định: "Với lựa chọn đầu tư hiện vẫn hạn chế, việc đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam sẽ vẫn được tiếp tục. Trong nửa đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thị trường vẫn đón nhận thêm 500.000 nguồn cung mới, tăng 270% so với cùng kỳ năm trước đó. Kinh tế nội địa sẽ tiếp đà phát triển, vốn sở hữu vẫn tiếp tục tăng trưởng và dịch chuyển dần tới nhiều hoạt động khác của nền kinh tế. Vì vậy, bất động sản sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới".

Bất động sản Nhà ở

Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỷ người là thị trường nhà ở có giá trị nhất thế giới và chiếm tới 30% tổng giá trị toàn cầu. Tổng giá trị nhà ở tại đây đã tăng 13% vào năm 2020 do giá cả tăng mạnh cùng với sự ra mắt các nguồn cung mới. Theo sau là thị trường Mỹ, chiếm 11% tổng giá trị bất động sản nhà ở của thế giới. Theo số liệu ghi nhận, 10 quốc gia, bao gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Canada, Ý và Úc, chiếm 75% tổng giao dịch nhà ở toàn cầu. Những bất động sản có giá trị cao tập trung nhiều ở châu Âu và Bắc Mỹ, chiếm 43% tổng giá trị toàn cầu, mặc dù số dân ở đây chỉ chiếm 17% dân số thế giới.

Trong khi Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ thì bất động sản nhà ở tại Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Quý 2/2021 là quý thứ 10 liên tiếp thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận mức giá tăng, với giá sơ cấp tại quận Cầu Giấy tăng khoảng 14%/năm kể từ năm 2017. Tại thành phố Hồ Chí Minh, với việc nguồn cung sơ cấp hạn chế, các hoạt động của thị trường bất động sản thấp tầng vẫn khá tốt, với mức tăng giá thứ cấp đạt 15-20% tại Quận 7, Quận 9 và Nhà Bè.

Là kho lưu trữ của cải quan trọng nhất thế giới, giá trị BĐS toàn cầu đạt 326,5 nghìn tỷ USD, cao hơn cả chứng khoán và trái phiếu cộng lại! - Ảnh 2.

Bất động sản Thương mại

Tổng giá trị bất động sản thương mại toàn cầu giảm 5% vào năm 2020 xuống còn 32,6 nghìn tỷ USD, vào thời điểm sản lượng kinh tế toàn cầu giảm hơn 3%. Tuy nhiên, sự sụt giảm này chỉ là "trên lý thuyết", nhờ việc các chủ sở hữu bất động sản thương mại vẫn trụ vững trong làn sóng đầu tiên của đại dịch vào những tháng đầu năm 2020, và các nhóm tài sản tốt nhất vẫn tiếp tục được giao dịch với giá trị ổn định.

Mỹ là thị trường bất động sản thương mại lớn nhất toàn cầu, với 27% tổng giá trị. Tiếp đến là Trung Quốc với 16% và Nhật Bản là 6%. Ba quốc gia này chiếm gần một nửa tổng giá trị bất động sản thương mại toàn cầu.

Được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng kinh tế, Savills dự báo bất động sản thương mại toàn cầu một lần nữa sẽ đạt mức cao mới vào cuối năm nay, với mức tăng trưởng về giá trị dự kiến ​​là 5% vào năm 2021. Điều này sẽ đảo ngược sự sụt giảm của năm 2020 và đẩy tổng giá trị thương mại lên 34,3 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2021, thiết lập con số kỷ lục mới.

Trong khi đó, bất động sản văn phòng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 90% với giá thuê hạng A được giữ ổn định lần lượt tại mức 33 USD/tháng tại Hà Nội và mức 60 USD/tháng tại thành phố Hồ Chí Minh. Thị trường tại hai thành phố cũng đồng thời được đánh giá là những thị trường văn phòng có hoạt động tốt nhất tại Châu Á.

Đất nông nghiệp

Được định giá vào khoảng 35,4 nghìn tỷ USD, đất nông nghiệp hiện có giá trị hơn tất cả các loại hình bất động sản thương mại, sau một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, tổng giá trị này đã giảm 7% vào năm 2020, nguyên nhân là do sự giảm giá tại khu vực ở Nam Mỹ do những biến động về chính trị và những ảnh hưởng của đại dịch.

Triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam

Thị trường bất động sản nhà ở và bất động sản thương mại tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, và sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với những yếu tố thuận lợi như sự ổn định chính trị, dự báo khả quan của nền kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng, dân số đông cùng sức mua tăng và nhiều Hiệp định Thương mại tự do được ký kết, thị trường bất động sản Việt Nam được kỳ vọng còn nhiều dư địa phát triển.

Sự tăng trưởng giá trị bất động sản toàn cầu đạt mức 5% vào năm 2020, thấp hơn tổng giá trị của các khoản trái phiếu (tăng 17%), cổ phiếu (tăng 20%) hoặc vàng (tăng 29%). Nghiên cứu cũng cho thấy sự sụt giảm trong giá trị GDP, giá trị bất động sản thương mại cũng như đất nông nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên những yếu tố này tại Việt Nam hiện vẫn ghi nhận mức tăng trưởng.

Là kho lưu trữ của cải quan trọng nhất thế giới, giá trị BĐS toàn cầu đạt 326,5 nghìn tỷ USD, cao hơn cả chứng khoán và trái phiếu cộng lại! - Ảnh 3.

Từ đó có thể thấy hầu hết các phân khúc bất động sản tại Việt Nam đều có tiềm năng lớn, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội phân tích: "Việt Nam đang đón nhận nhiều xu hướng bất động sản nhà ở mới với các sản phẩm đa dạng và chất lượng cao hơn, phù hợp hơn với thị hiếu của người mua nhà. Ngoài ra, sự phát triển trong hệ thống cơ sở hạ tầng cũng đồng thời thúc đẩy xu hướng bất động sản vùng ven tại các thành phố lớn, đơn cử như ở Hà Nội.

Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của thị trường sẽ không chỉ dừng lại ở bất động sản nhà ở, các phân khúc hứa hẹn khác có thể kể đến là bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp và bất động sản bán lẻ. Đặc biệt khi nguồn cung bất động sản thương mại tại Hà Nội trong tương quan với các thành phố khác trên thế giới vẫn còn khá hạn chế.

Hơn nữa, nhu cầu dành cho bất động sản công nghiệp cũng gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua với nhiều loại hình mới như bất động sản trung tâm dữ liệu, trung tâm logistics hay kho lạnh công nghiệp. Từ đó có thể thấy, triển vọng phát triển của bất động sản tại Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ không chỉ dừng lại tại phân khúc nhà ở, mà còn mở rộng ra nhiều các phân khúc khác nhau của thị trường".

PV

Cùng chuyên mục
XEM