'Kỳ tích' nông nghiệp Nhật Bản: Biến vùng đất ngập mặn, không thể trồng trọt thành nơi sản xuất ra những quả dâu tây đắt nhất thế giới
Mỗi quả dâu của Yamamoto được bán với giá 10 USD.
Thành phố ven biển Yamamoto chỉ cách thủ đô Tokyo 5h lái xe là nơi ở của khoảng 12.000 cư dân. Khu vực này đã từng bị thảm hoạ động đất rồi sóng thần năm 2011 tàn phá nặng nề. Sau khi những cơn sóng thần tràn qua quét sạch mọi thứ, người dân nơi đây đã cố gắng ổn định lại cuộc sống và xây dựng lại ngành nông nghiệp, thế nhưng để bắt đầu lại không hề dễ dàng.
Trước khi thảm hoạ sóng thần diễn ra, thị trấn này thuộc tỉnh Miyagi và là một trong những vùng trồng dâu chính của Nhật Bản. Thế nhưng khi nước biển tràn qua, đất bị ngập mặn nên không thể trồng trọt và người dân dường như mất kế sinh nhai. Khoảng 97% số nhà kính trồng dâu tại nơi đây bị mất trắng sau thiên tai.
Từ vùng đất chẳng còn gì sau sóng thần...
Không chịu đầu hàng số phận, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân tìm giải pháp nhằm khôi phục nông nghiệp trên vùng đất nhiễm mặn. Một trong số đó là startup GRA của một cháu trai người trồng dâu trong vùng, qua đó sử dụng những công nghệ làm lạnh mới hay dùng đèn LED kích thích cây trồng.
Nhờ những bước cải tiến này mà năng suất trồng dâu của vùng đã tăng trở lại, khiến Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzo Abe phải đến thăm vào năm 2014.
Điều bất ngờ là do tin đồn nguồn cung suy giảm do đất nhiễm mặn nên sản phẩm dâu của vùng trở nên đắt giá hơn. Ngoài ra chi phí cho công nghệ mới cũng không hề rẻ. Mỗi quả dâu của vùng này được bán ngoài siêu thị Nhật Bản với giá 1.080 Yên, tương đương 10 USD.
Đến năm 2017, sản lượng trồng dâu tại vùng Yamamoto đã trở lại như thời trước khi sóng thần diễn ra và thậm chí tiếp tục vượt hơn so với trước. Hiện tại, nhờ công nghệ mới mà sản lượng dâu của Yamamoto đã cao hơn so với thời 2011.
Tất nhiên, không phải vùng đất nào của Nhật Bản cũng gượng dậy lại thành công sau trận thiên tai 2011. Tỉnh láng giềng Fukushima kế bên vẫn chưa ổn định lại được cuộc sống khi động đất năm 2011 làm rò rỉ phóng xạ nhà máy điện hạt nhân.
Dù đã có nhiều cố gắng nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn chưa thể tái thiết lại được cuộc sống ở Fukushima. Người dân không chịu trở về đây do lo ngại ô nhiễm phóng xạ, những người dân từ vùng này đi đến đâu cũng bị xa lánh hay phân biệt đối xử. Ngay cả công ăn việc làm cũng khó bố trí bởi doanh nghiệp không chịu dời về nơi đây hoạt động bất chấp các cam kết của chính phủ.
Quay trở lại Yamamoto, startup GRA của người cháu trai nhà trồng dâu trong vùng hiện đang sản xuất khoảng 400 tấn dâu mỗi năm và đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tháng 6/2020, bất chấp dịch bệnh nhưng GRA vẫn gọi vốn được 330 triệu Yên, đem lại tổng cộng 850 triệu Yên gọi vốn từ khi được thành lập đến nay.
Hiện GRA đang hướng tới thị trường nước ngoài trước khả năng tăng năng suất cho dâu tây và cho sản phẩm chất lượng cao.
Hoa quả cao cấp là một phần không thể thiếu trong văn hoá Nhật Bản khi chúng thường được dùng làm quà tặng. Những sản phẩm như dưa hấu, nho thuộc chất lượng cao còn được đem bán đấu giá để làm quà biếu. Trong một cuộc đấu giá năm 2020, 108 quả dâu tây chất lượng cao nhất đã được bán với giá 1,5 triệu Yên, tương đương 127 USD/quả.