Kỷ nguyên thăng hoa đầy ngạo nghễ của Amazon và Jeff Bezos
Cả Amazon và nhà sáng lập của họ đều đang giành lấy vị trí thống trị trong tất cả những lĩnh vực mà họ đang tham gia.
Tuần vừa qua, Amazon và ông chủ của họ là Jeff Bezos đã đạt được một vài cột mốc khá ấn tượng. Giá trị thị trường của công ty đã vượt ngưỡng 500 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày thứ 4. Và trong nhiều giờ của ngày hôm sau, giá cổ phiếu của công ty tăng giúp khối tải sản của tỷ phú Bezos cán mốc hơn 90 tỷ USD, soán ngôi Bill Gates giành lấy ngôi vị người giàu nhất hành tinh.
Từng là một shop bán sách trực tuyến, Amazon giờ đây trở thành mối đe dọa của ngành bán lẻ toàn cầu và hơn thế. Tờ New York Times ví Amazon là một đội quân "hung dữ" trong một vài lĩnh vực khác nữa gồm điện toán đám mây, phim ảnh, âm nhạc, thực phẩm, trí thông minh nhân tạo, nhà phân phối máy giặt.
Bezos – CEO của Amazon thậm chí còn thâm nhập sâu hơn vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác bao gồm xuất bản báo chí, tên lửa và ông nói rằng đang có ý định sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để làm từ thiện nhiều hơn.
Nhìn chung, cả Amazon và nhà sáng lập đều đang giành lấy vị trí thống trị trong tất cả những lĩnh vực mà họ đang tham gia. Một điểm đáng chú ý là với những thành tựu đạt được trong thế giới thực như vậy, chúng ta có thể hiểu được phần nào tầm quan trọng của Amazon.
Mặc dù báo cáo kết quả kinh doanh đưa ra vào thứ 5 gây thất vọng với các nhà đầu tư khiến giá cổ phiếu sụt giảm 2,5% nhưng xét trên phương diện là một thể chế tài chính thuần tuý, Amazon thật sự gây ấn tượng mạnh mẽ.
Cho tới thời điểm này, chắc chắn rằng Amazon chính là một trong những công ty thành công nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán. Trên thực tế, những con số thống kê cho thấy rằng kể từ năm 1997 - tức là thời điểm IPO, Amazon đã trở thành một trong những cỗ máy in tiền vĩ đại nhất của thế kỷ.
“Amazon hiện nằm trong một nhóm ít những cổ phiếu tinh hoa. Họ là một trong những đơn vị kiến tạo tài sản vĩ đại nhất kể từ năm 1926 và đáng ngưỡng mộ hơn là họ đạt được vinh dự này trong một giai đoạn rất ngắn ngủi”, Giáo sư Hendrik Bessembinder đến từ Đại học bang Arizona nói.
Trước đó vào tháng 5, Giáo sư Bessembinder đã chuẩn bị một danh sách gồm 30 "nhà kiến tạo tài sản vĩ đại nhất trên thị trường chứng khoán" tính đến năm 2015. Tuy nhiên, tuần vừa qua, giáo sư đã công bố bảng xếp hạng với số liệu mới nhất cho tới năm 2016. Những cổ phiếu ở top đầu vẫn giữ nguyên gồm: Exxon Mobil theo sau là Apple, GE, Microsoft và IBM.
Có một cái tên mới xuất hiện trong danh sách này là Amazon. Công ty này xếp vị trí thứ 14 sau Berkshire Hathaway và P&G nhưng dẫn trước cả Coca-Cola và DuPont.
Về bản chất, danh sách này cho thấy những cổ phiếu nào mang về mức lợi nhuận tốt nhất cho các cổ đông trong lịch sử. Theo đó, một số kết luận được đưa ra: Một nhóm rất nhỏ - khoảng 4% những cổ phiếu được giao dịch công khai chiếm gần như toàn bộ lợi nhuận có được từ thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ năm 1926 tới 2016. Và chỉ 30 cổ phiếu (Amazon hiện là một trong số đó) chiếm hơn 30% tổng lượng tài sản tạo ra trong thị trường suốt 90 năm.
Hơn nữa, giáo sư Besembinder còn nhận ra rằng tỷ suất lợi nhuận thu được theo năm mà các nhà đầu tư vào Amazon kiếm được tính tới năm 2016 là 37,4% - mức cao nhất trong tổng số top 30 cỗ máy kiến tạo tiền mà ông xếp hạng. Trong khi đó, Exxon - đơn vị đã tạo ra hơn 1 nghìn tỷ USD cho cổ đông kể từ năm 1926, hơn bất kỳ công ty nào khác lại đang cho thấy con số tương tự thấp hơn, chỉ đạt 11,9%.
Dẫu kết quả kinh doanh gây thất vọng được công bố vào thứ 5 vừa qua khiến cổ phiếu lao dốc nhưng tổng thể giá trị thị trường của Amazon vẫn thăng hoa trong năm nay - tăng hơn 36%. “Nếu vẫn tiếp tục duy trì được đà này, chúng ta có thể kỳ vọng Amazon sẽ sớm thăng hạng trong danh sách”.
Dĩ nhiên, sức mạnh thị trường của Amazon là lợi thế tuyệt vời cho chính các nhà đầu tư của họ, nó hủy hoại nhiều đối thủ cạnh tranh - ảnh hưởng tới tài sản của các cổ đông ở công ty đó.
Một vài tính toán dưới đây sẽ cho thấy rõ Amazon đang khiến những hãng bán lẻ khác và tổng thể thị trường cảm thấy "xấu hổ" như thế nào.
Sử dụng dữ liệu của Thomson Reuters, tờ NYTimes đã tính toán ra rằng trong 15 năm qua, tỉ suất lợi nhuận mà các nhà đầu tư vào Amazon thu về được là hơn 8.200%. Trong khi đó, con số tương tự của Walmart chỉ là 125%, của Sears là 2,2% và 302% là của tổng thể các mã trong chỉ số Standard & Poor.
Điều đó có nghĩa là, nếu bỏ ra số tiền 1.000 USD đầu tư vào Amazon từ tháng 7/2002 và vẫn giữ lượng cổ phiếu ấy đến giờ, số tiền đó có thể trị giá 83.000 USD thời điểm hiện tại.
So sánh với đó, nếu bỏ ra 1.000 USD đầu tư vào toàn bộ cổ phiếu trong chỉ số Standard & Poor thì lượng tiền này sẽ là 4.100 USD – không quá tệ nhưng nó thật sự "kém cỏi" so với Amazon. Tồi tệ hơn, nếu bỏ tiền đầu tư vào cổ phiếu Walmart, khoản đầu tư của bạn giờ sẽ chỉ trị giá 2.250 USD. Còn nếu "đen đủi" hơn nữa khi dính dáng tới cổ phiếu Sears, bạn sẽ chỉ nhận về 1.022 USD.
Dĩ nhiên những con số kể trên chưa tính tới lạm phát tuy nhiên, nếu tính toán chi tiết, một khoản đầu tư vào cổ phiếu Sears từ năm 2002 thậm chí còn cho ra kết quả tồi tệ hơn.
Theo đó, 1.022 USD chỉ trị giá 751 USD vào năm 2002. Trong khi đó, con số 83.000 USD giá trị cổ phiếu Amazon hiện tại được tính toán trị giá 61.000 USD vào năm 2002.
Bespoke Investment – một công ty nghiên cứu thị trường chứng khoán thậm chí dùng cách khác để so sánh tỷ suất lợi nhuận mà cổ phiếu Amazon mang lại so với những đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ khác.
Cụ thể, họ đã xây dựng Death by Amazon Index – được mô tả như công cụ “theo dõi hoạt động kinh doanh của những công ty chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi Amazon thăng hoa”. Những công ty này gồm 54 đơn vị bao gồm cả Barnes & Noble, Costco, Best Buy, GameStop, Macy’s, Nordstrom, Sears, Targer, CVS Caremart, Rite Aid và cuối cùng là Walmart.
Dĩ nhiên, không nhà đầu tư nào của Amazon kiếm được nhiều tiền và được hưởng nhiều lợi ích nhờ việc giá cổ phiếu công ty tăng cao như nhà sáng lập Bezos. Tính tới tháng 5/2017, ông sở hữu 16,7% cổ phần công ty, trị giá hơn 80 tỷ USD. Cộng thêm lượng cổ phần trị giá 3 tỷ USD tại Blue Origin, tổng tài sản của Jeff Bezos hiện quanh mức 90 tỷ USD - biến ông trở thành người gần kề đe dọa tới ngôi vị giàu nhất hành tinh của Bill Gates.
Không giống như Bill Gates - người đã "rửa tay gác kiếm" trong các hoạt động kinh doanh quản lý để tập trung làm từ thiện, Bezos vẫn còn đang từng ngày từng giờ sống chết cùng Amazon.
Báo cáo tài chính tiết lộ vào tuần trước cho thấy một vài nguy cơ. Việc mở rộng không ngừng trong lĩnh vực bán lẻ đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của Amazon tuy nhiên họ lại đang kiếm được tiền nhờ vào mảng điện toán đám mây.
Nhìn chung, cỗ máy kiến tạo tài sản mang tên Amazon vẫn đang không ngừng lớn mạnh. Dù điều gì xảy ra trong tương lai đi chăng nữa, Amazon vẫn là một trong những câu chuyện vĩ đại nhất trong lịch sử kinh doanh.