Nhìn lại chặng đường lên ngôi tỷ phú số 1 thế giới của Jeff Bezos: Kẻ nghiệp dư sở hữu bộ óc thiên tài, âm thầm 'bán giấc mơ' suốt 20 năm

28/07/2017 09:38 AM | Kinh doanh

Từ một doanh nhân nghiệp dư, tỷ phú Jeff Bezos đã biến Amazon trở thành "quái vật" khổng lồ trong ngành bán lẻ đồng thời cũng giúp ông đứng trên đỉnh cao của danh vọng.

Trong phiên mở cửa thị trường chứng khoán ngày hôm qua, khối tài sản của Jeff Bezos đã cán mốc 90,6 tỷ USD, tức là nhiều hơn tổng tài sản của Bill Gates 500 triệu USD. Cổ phiếu Amazon trong phiên mở cửa tăng 1,6% giúp tỷ phú Jeff Bezos bỏ túi thêm 1,4 tỷ USD. Đây là động lực chính giúp ông "vượt mặt" Bill Gates để giành lấy ngôi vị giàu nhất hành tinh.

Tuy nhiên, đóng cửa phiên giao dịch, cổ phiếu Amazon lại giảm 0,7%, khiến tài sản của Bezos giảm xuống còn 89,3 tỷ USD. Trong khi đó tài sản của Gates đạt 90,8 tỷ USD lúc chốt phiên, giúp ông chủ Microsoft lấy lại ngôi giàu nhất thế giới.

Dẫu chỉ “cướp” ngôi của Bill Gates trong một thời gian ngắn ngủi nhưng đây cũng là cột mốc đáng ghi nhớ đối với Jeff Bezos khi ông là một trong 7 người leo lên được danh hiệu người giàu nhất thế giới và là người Mỹ thứ 3 có được vinh dự này sau Bill Gates và CEO Berkshire Hathaway là Warren Buffett.

Vậy hành trình đến được vinh quang ngày hôm nay của Jeff Bezos diễn ra như thế nào?

Kẻ khởi nghiệp "nghiệp dư và điên rồ"

Mùa hè năm 1994, Bezos từ bỏ công việc làm Phó Chủ tịch hãng Dịch vụ tài chính D.E. Shaw ở New York và cùng với vợ là MacKenzie chuyển đến Seattle để tận dụng sự phát triển bùng nổ của Internet và khởi nghiệp Amazon. Tên đầu tiên của công ty là Cadabra, đã bị hủy bỏ sau khi một số người nghe nhầm nó thành “cadaver” (nghĩa là xác chết, tử thi).

Sau khi nghiên cứu một số loại sản phẩm có khả năng bán qua mạng, Bezos quyết định lựa chọn sản phẩm sách. Hầu như mỗi cuốn sách đều được lưu trữ điện tử, song không một hiệu sách nào có thể xếp đủ các cuốn sách trên giá.

Ông đặt trụ sở của Amazon ở Seattle vì ở đây có nhiều kỹ sư phầm mềm và lại cách thành phố Roseburg không xa, nơi có hệ thống nhà kho lưu trữ sách lớn nhất nước Mỹ.

Lợi thế của mô hình này, theo Bezos, là nó cho phép người tiêu dùng tiếp cận một bộ sưu tập sách khổng lồ mà người ta không thể có đủ thời gian, chi phí và kiên nhẫn để đi qua từng cửa hiệu sách và nhà kho, trong khi không phải tốn chi phí mở cửa hiệu bán xách và lưu kho sách.

Trang web khai trương vào ngày 16/7/1995 – đúng dịp mọi người ồ ạt lên Internet và trước khi nhiều đối thủ kịp tung ra các website thương mại cạnh tranh khác.

Bezos chuyển công ty đến một khu công nghiệp khác và định cư trụ sở trong khu văn phòng rộng gần 500m2 trên tầng 2, cùng với khoảng 200m2 ở tầng hầm để làm kho. Bàn làm việc được đóng từ thứ gỗ rẻ tiền, còn nhà kho chỉ lưu trữ được mấy trăm cuốn sách để phân phối cho khách hàng.

Dù cách kinh doanh, vận hành có vẻ nghiệp dư song Amazon phát triển rất nhanh chóng. Đến tháng 10/1995, công ty đã ghi dấu ấn một ngày đầu tiên bán được 100 cuốn sách. Trong chưa đầy 1 năm, hãng đã ghi được kỷ lục nhận một đơn đặt hàng mua số lượng 100 cuốn sách.

Tiếng lành đồn xa, mặc dù công ty hầu như không quảng cáo nhiều trong năm đầu tiên, song ngày càng nhiều người biết đến Amazon. Bezos chỉ thuê một số màn hình hiển thị trên các cửa hàng của Barnes & Noble, nói rằng: “Can’t find that book you wanted?” (Không thể tìm ra cuốn sách mà bạn cần?), và bên dưới là địa chỉ website của Amazon.

Mệnh danh là thiên tài sẵn sàng đánh cược lớn và kiên trì theo đuổi, ngay cả khi mọi người không nhìn thấy khả năng có lời, Bezos bị cho là liều lĩnh và dại dột khi mua hơn 1 triệu đầu sách sẵn sàng phục vụ, một con số mà không một cửa hàng sách nào có thể mơ tới và dám thực hiện. Quyết định điên rồ đó hóa ra lại là một cách rất khôn ngoan.

Những người mua sách tìm đến Amazon.com vì họ muốn có những đầu sách hiếm, khó tìm và từ đó Amazon nổi danh là nhà cung cấp có tất cả những gì khách hàng cần, là "cửa hàng sách lớn nhất thế giới".

Bản thân CEO Jeff Bezos thì tuyên bố chắc chắn rằng: Ngay cả những người thích lang thang qua các hiệu sách nhất cũng sẽ mua hàng của Amazon. Tại sao vậy? Tại vì Amazon mang đến điều mà không nhà bán lẻ nao trên thế giới thực có thể làm được - đó là khả năng mua sách từ cơ sở dữ liệu sách lớn nhất thế giới.

Kẻ bán giấc mơ vĩ đại

Nói Jeff Bezos là kẻ bán giấc mơ vĩ đại bởi dù Amazon.com hiện là trang web bán lẻ khổng lồ có phạm vi hoạt động trên toàn thế giới, với doanh thu đạt 100 tỷ USD trong năm 2015 nhưng có một sự thật là mảng kinh doanh bán lẻ của Amazon CHƯA-BAO-GIỜ-CÓ-LÃI.

Thậm chí, công ty này còn kết thúc năm tài chính vào tháng 12/2014 với khoản thua lỗ 241 triệu USD.

Ngoài ra đây cũng là một trong những công ty được định giá lạc quan nhất thế giới với 92% giá trị hiện tại được định giá dựa trên lợi nhuận dự kiến sau năm 2020. Khoảng 1/3 giá trị này là nhờ mảng kinh doanh có lãi của họ là điện toán đám mây AWS. Tuy nhiên, các bộ phận còn lại của công ty, gồm mảng thương mại điện tử, ti vi và phim ảnh cũng như logistic gần như chưa bao giờ kiếm được tiền mặc dù đạt doanh số khủng.

Càng bất ngờ hơn nữa khi mặc cho một kết quả kinh doanh quan trọng trong báo cáo tài chính chưa bao giờ "dương", các nhà đầu tư vẫn giữ vững niềm tin vào Amazon và đặt hy vọng trong dài hạn công ty này sẽ có lãi. Kết quả là cổ phiếu của Amazon liên tục tăng không ngừng.

Để biện minh cho giá trị lên tới hơn 400 tỷ USD của công ty, các nhà đầu tư cần phải tin rằng Amazon sẽ trở thành một gã khổng lồ thương mại điện tử vào năm 2025 và đạt được lợi nhuận khoảng 55 tỷ USD mỗi năm hoặc ít nhất cũng phải cao hơn bất kỳ công ty Mỹ nào khác.

Thậm chí, ngay cả Warren Buffett - người chưa bao giờ ủng hộ các ngành kinh doanh công nghệ, giờ cũng trở thành một "fan hâm mộ" của Amazon và Bezos.

Nhận định về tương lai của Amazon, ông nói: “Tôi không biết Amazon lớn mạnh như thế nào, nhưng có một điều tôi biết chắc là họ không hề là những kẻ hoang tưởng. Tôi đã sử dụng máy tính được 8 hay 10 năm, và tôi chỉ trả tiền để mua 3 thứ ở trên mạng: Báo Wall Street Journal, môi giới chứng khoán trên mạng và những cuốn sách mua từ Amazon.com. Việc họ là một trong 3 công ty trực tuyến có thể khiến tôi móc tiền túi ra mua sản phẩm của họ cho tôi thấy rằng họ đang làm đúng hướng”.

Triết lý kinh doanh "Ngày nào cũng là ngày đầu khởi nghiệp"

Tháng 4 vừa qua, Jeff Bezos có gửi cho các cổ đông một bức thư dài nói về tương lai của Amazon cũng như chia sẻ một vài suy nghĩ của ông về triết lý lãnh đạo tại đây. Trong đó có đoạn tiết lộ bí quyết thành công của gã khổng lồ này.

"Jeff, Ngày thứ Hai trông sẽ như thế nào?"

Đây là câu hỏi mà tôi đã nhận được trong cuộc họp cổ đông gần đây của chúng ta. Tôi vẫn thường nhắc mọi người trong vài chục năm nay rằng nơi đây sẽ luôn luôn là Ngày thứ nhất, và khi tôi di chuyển các tòa nhà, tôi đã mang theo cả cái tên đó. Tôi vẫn dành thời gian để suy nghĩ về chủ đề này.

"Ngày thứ Hai chúng ta sẽ bất động. Sau đó chúng ta sẽ không còn liên quan. Sau đó sẽ đến sụp đổ đau đớn và vật vã. Và cuối cùng, là chết. Đó là lý do vì sao ngày nào cũng phải là ngày Đầu tiên."

Rõ ràng, niềm tin mà các nhà đầu tư đặt cược vào Amazon là có cơ sở. Suốt 20 năm qua Amazon đã không ngừng phát triển với tốc độ khủng khiếp để trở thành “quái vật” như thời điểm hiện tại.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM