Kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ tăng tốc mạnh mẽ

03/01/2021 16:00 PM | Xã hội

Với tất cả những gì đã đạt được trong năm 2020, năm 2021 được kỳ vọng về một năm mới bứt phá của kinh tế Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy thêm một năng lực cạnh tranh cốt lõi nữa của Việt Nam chính là sự đoàn kết của hệ thống chính trị và khả năng chống chịu của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp. Chính nhờ điều này Việt Nam đã chuyển mình, đã nâng cấp mình trong cuộc chạy đua toàn cầu.

Năm 2020 "thử thách lòng người" với sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, căng thẳng thương mại toàn cầu… Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam được đánh giá là thành công.

Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới

Nhiều tờ báo trong tuần cùng đưa thông tin nổi bật trên trang nhất "Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới" với Tổng sản phẩm trong nước tăng 2,91%.

Tờ Người lao động dẫn nguồn từ báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Ngành xây dựng có phần tích cực hơn với mức tăng 6,76%. Việc khống chế thành công dịch bệnh và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh (Tờ Lao động bình luận).

Tăng trưởng kinh tế 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục thống kê đánh giá đây là thành công lớn.

Đóng góp vào thành công ấy, không thể không nhắc đến hoạt động xuất nhập khẩu - điểm sáng của nền kinh tế. Điều này phản ánh năng lực sản xuất trong nước tăng trưởng cao, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh được tạo thuận lợi.

Theo tờ Nông nghiệp Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm với đạt kỷ lục mới là 41,2 tỷ USD. Con tôm, rau quả và hạt điều vẫn mang lại kim ngạch đáng kể trong lĩnh vực này.

Trước sự đứt gãy của chuỗi cung ứng - thương mại toàn cầu do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, việc Việt Nam xác lập kỷ lục mới với giá trị xuất siêu đạt 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp là tín hiệu đáng mừng. Xuất siêu góp phần vào thành tích tăng trưởng dương của nền kinh tế, trong đó có đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Sức hấp dẫn của một Việt Nam an toàn

Theo quan sát của tờ Lao động, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tốt hơn nhiều quốc gia khác chứng tỏ sức hấp dẫn của Việt Nam nhờ những lợi thế từ chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn và vị trí địa lý thuận lợi nằm ở trung tâm Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, từ trung ương đến địa phương cũng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam.

"Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp" là câu nói ấn tượng của ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới WB đã được đăng trên tờ Đầu tư.

Kinh tế Việt Nam xuất hiện cơ hội phát triển mới

Theo tờ Đầu tư, Quốc hội đã thông qua mức tăng trưởng GDP là khoảng 6%, nghĩa là tăng gấp đôi so với mức đạt được của năm nay. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và ổn định quanh mức 6,5% trong các năm tiếp theo.

Tất nhiên, dự báo này được đưa ra dựa trên giả định rằng, khủng hoảng COVID-19 sẽ dần được kiểm soát. Ông Jacques Morisset, thậm chí còn khẳng định, kinh tế Việt Nam sẽ "tăng tốc mạnh mẽ" dù kinh tế thế giới còn diễn biến khó lường.

Với niềm tin tương tự, tờ Kinh tế đô thị, trong số báo đầu tiên của năm 2021 cũng nhận thấy "Kinh tế Việt Nam xuất hiện cơ hội phát triển mới" trong năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và 10 năm tới.

Kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ tăng tốc mạnh mẽ - Ảnh 1.

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021. Ảnh minh họa - Dân trí.

Việc đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 khoảng 6%, theo nhiều chuyên gia kinh tế là rất khó, nhưng có thể đạt được nếu tận dụng triệt để các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI) từ việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, chuyển đổi số, thương mại điện tử…

Với tất cả những gì đã đạt được trong năm 2020 đã tiếp thêm niềm tin vững chắc trong việc "biến nguy thành cơ", biến tất cả những ưu trội của dân tộc thành một sức mạnh to lớn để đất nước tiếp tục bứt phá trong năm 2021.

Ban thời sự

Cùng chuyên mục
XEM