Kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm có gì đặc biệt?

01/03/2018 16:07 PM | Kinh tế vĩ mô

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh về số lượng, xuất siêu 1,08 tỷ USD hay 411 dự án nước ngoài được cấp phép đầu tư,... là những điểm sáng của kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm.

Samsung, Formosa đóng góp mạnh vào công nghiệp sản xuất

Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,7%, đóng góp 13,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5,7%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

 Kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm có gì đặc biệt?  - Ảnh 1.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38,3% (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,4%), chủ yếu do đóng góp của Công ty TNHH SamSung Display Việt Nam với doanh thu 2 tháng đầu năm ước tính đạt 49,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.

Khai thác quặng kim loại tăng 25,3% (cùng kỳ năm 2017 giảm 9%); sản xuất kim loại tăng 21,1%, trong đó có sự đóng góp của Tập đoàn Formosa mới đi vào sản xuất quy mô lớn với 2 tháng đầu năm đạt 475,5 nghìn tấn thép, gấp 11,8 lần cùng kỳ năm trước; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 20,2% (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,6%); thoát nước và xử lý nước thải tăng 20,1%.

Doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh về số lượng nhưng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp giảm nhẹ

 Kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm có gì đặc biệt?  - Ảnh 2.

Trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 18.703 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 197,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% về số doanh nghiệp và tăng 29,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,5 tỷ đồng, giảm 0,1%.

Bên cạnh đó, còn có 6.878 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay là 17.132 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng đầu năm 2018 là 2.529 doanh nghiệp, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 2.320 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,7%.

411 dự án nước ngoài được cấp phép 

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/2/2018 thu hút 411 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1.391,2 triệu USD, tăng 31,3% về số dự án và giảm 31,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, có 133 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 700,3 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

 Kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm có gì đặc biệt?  - Ảnh 3.

Phân bổ vốn FDI đi vào các ngành

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 2 tháng đạt 2.091,5 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017.

 Kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm có gì đặc biệt?  - Ảnh 4.

Vốn đăng ký FDI vào các tỉnh (đơn vị: triệu USD)

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 2 tháng năm 2018 còn có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1.253,4 triệu USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017.

 Kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm có gì đặc biệt?  - Ảnh 5.

Singapore giữ ngôi vương về đầu tư vào Việt Nam (đơn vị: triệu USD)

Xuất siêu 1,08 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm

 Kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm có gì đặc biệt?  - Ảnh 6.

(đơn vị: tỷ USD)

Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,66 tỷ USD, tăng 25,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,96 tỷ USD, tăng 21,8%.

 Kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm có gì đặc biệt?  - Ảnh 7.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (đơn vị: tỷ USD)

Về nhập khẩu, tính chung 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 32,54 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 13,34 tỷ USD, tăng 16,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,20 tỷ USD, tăng 14,5%.

 Kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm có gì đặc biệt?  - Ảnh 8.

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ lực (đơn vị: tỷ USD)

Tính chung 2 tháng đầu năm xuất siêu 1,08 tỷ USD trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,68 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,76 tỷ USD.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM