Đây là những người sẽ cứu cả nền kinh tế Trung Quốc

15/03/2016 08:02 AM | Kinh tế vĩ mô

Bóng bóng bất động sản Trung Quốc đang xì hơi gây ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế và Chủ tịch Tập Cận Bình buộc phải "cầu cứu" những lao dộng di cư lên thành phố để họ mua bớt những ngôi nhà tồn kho.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã dựa vào số lượng lao động di cư đáng kinh ngạc từ nông thôn đổ vào các nhà máy và công trình xây dựng để thúc đẩy kinh tế. Giờ đây, dù lượng công nhân di cư ra thành phố đã hạ nhiệt nhưng họ vẫn có tác dụng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc bằng việc mua nhà.

Những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường các biện pháp kích thích mua nhà của giới nhân viên văn phòng, nhưng rõ ràng phân cấp bất động sản này đã bão hòa và chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay sang giới khách hàng là công nhân nhằm tránh sự xì hơi của bong bóng nhà đất.

Khoảng 1/3 GDP của Trung Quốc đến từ thị trường bất động sản và xây dựng. Vì vậy nếu thị trường này suy giảm quá nhanh trong thời gian quá lâu thì nền kinh tế đất nước sẽ rơi vào khủng hoảng. Đây là lý do chính khiến chính quyền Bắc Kinh hối thúc những người công nhân thu nhập thấp mua nhà để “cứu nền kinh tế đất nước”.

Đến Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không thể ngồi yên

Hiện tại, trong số 270 triệu lao động di cư lên thành phố ở Trung Quốc, chỉ có 1% số người là mua được nhà tại đô thị nơi họ làm việc. Phần lớn những lao động này là các ông chủ nhỏ sau một thời gian lao động và hầu hết những bất động sản này được mua để đầu tư là chính.

Dẫu vậy, tình trạng dư cung tại các thành phố từ hạng 2 trở xuống mới thật sự đáng nghiêm trọng. Có đến 90% bất động sản chưa bán được ở Trung Quốc là tại các thành phố này.

Báo cáo của hãng NBS cho thấy có đến 686,3 triệu m2 bất động sản bị tồn đọng tại Trung Quốc tính đến tháng 10/2015, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số mà ngân hàng HSBC công bố lại cao hơn nhiều với 1,8 tỷ m2 bất động sản tồn đọng. Số nhà ở này đủ cho 90 triệu người sinh sống và tương đương với toàn dân số của nước Đức.

Chính sự tự tin thái quá của chính quyền địa phương cũng như người dân khi bán đất đai và xây dựng nhà ở đem về nguồn thu khổng lồ đã khiến nhiều vùng ở Trung Quốc trở thành thành phố ma.

Hầu hết những dự án bỏ hoang này được xây dựng trong những năm Trung Quốc tăng cường đầu tư hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ cho cơ sở hạ tầng nhằm khôi phục nhanh chóng nền kinh tế hậu khủng hoảng 2008.

Hiện nay, chính quyền các cấp còn không thèm che đậy sự thật rằng thị trường bất động sản đang có nguy cỡ vỡ bong bóng. Trong cuộc họp tháng 12/2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố việc giảm lượng bất động sản tồn kho là ưu tiên hàng đầu của chính phủ hiện nay.

Thậm chí Chủ tịch Tập Cận bình trong cuộc họp ngày 10/11/2015 cũng phải nói rằng chính quyền Bắc Kinh cần giảm lượng nhà ở mới xây tồn kho và phát triển một thị trường bất động sản vững mạnh hơn. Nhận định này của Chủ tịch Tập đã gây chú ý bởi ông không hề đề cập đến thị trường bất động sản Trung Quốc kể từ năm 2013.

Trong cuộc họp tháng 12/2015, chính quyền Bắc Kinh xác định việc tăng cường bán bất động sản tồn kho ở thành thị cho lao động di cư lên thành phố là một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.

Quá chậm, quá nguy hiểm

Những lo lắng của chính phủ Trung Quốc là có cơ sở khi số liệu của hãng Gavekal Dragonomics cho thấy số dự án bất động sản khởi công xây mới năm 2015 đã giảm 15% so với năm trước và đây là năm giảm thứ 2 liên tiếp.

Nguy hiểm hơn, sản lượng thép của Trung Quốc cũng giảm trong năm 2015, điều lần đầu tiên diễn ra trong hơn 2 thập kỷ do ảnh hưởng từ sự suy giảm các công trình xây dựng.

Mặc dù nhứng chính sách hỗ trợ như hạ lãi suất và dỡ bỏ những quy định cần hộ khẩu khi mua nhà đã thúc đẩy doanh số bán bất động sản năm 2015 thêm 10% nhưng hãng Gavekal dự báo con số này sẽ giảm 3% vào năm 2016.

Báo cáo của HSBC cho thấy tình trạng suy giảm các dự án khởi công xây mới đã khiến GDP của Trung Quốc năm 2015 giảm 1 điểm phần trăm trong năm 2015.

Rủi ro xì hơi bong bóng bất động sản là vô cùng nguy hiểm khi thị trường này ảnh hưởng đến những ngành sản xuất và công nghiệp khác, như sản xuất thép, vật liệu xây dựng...cũng như tác động xấu đến ngành ngân hàng khi đã cho vay quá nhiều vào bất động sản.

Hộ khẩu- Vấn đề muôn thuở

Trung bình một lao động di cư lên thành phố của Trung Quốc có thu nhập khoảng 2.846 Nhân dân tệ (573 USD) mỗi tháng vào năm 2014. Số tiền này chỉ tương đương 70% giá một m2 chung cư tại một thành phố nhỏ và chẳng đáng là bao so với giá nhà tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải.

Trước đây, chính quyền Bắc Kinh không ủng hộ việc lao động di cư lên thành phố mua nhà khi chỉ cho những cư dân có hộ khẩu thành thị mua nhà với giá ưu đãi. Báo cáo năm 2007 của Gavekal cho thấy tổng số tiền mà những cư dân thành thị này được ưu đãi đã lên đến 4,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1/3 tổng GDP năm 2003 của Trung Quốc.

Hầu hết các cư dân này đã có nhà ở nhưng họ vẫn vay ngân hàng với mức lãi suất thấp để đầu tư thêm bất động sản. Đối với các lao động di cư lên thành phố hoặc cư dân vùng nông thôn, chính phủ không có nhiều chính sách hỗ trợ mua nhà cho họ.

Dẫu vậy, trước tình hình nghiêm trọng hiện nay, chính quyền Bắc Kinh đã có những thay đổi tích cực khi hạ mức tiền trả tối thiểu khi vay vốn mua nhà xuống 20% cho những người mua nhà lần đầu và giảm thuế giao dịch bất động sản.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã nới lỏng quy định mua nhà cho những người lao động có hộ khẩu nông thôn lên mua nhà ở thành phố, nhưng những chính sách này mới chỉ áp dụng cho các thành phố nhỏ.

Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh đang có kế hoạch cấp hộ khẩu cho ít khoảng 100 triệu lao động di cư lên thành phố vào năm 2020 và dự định sẽ tiếp tục nới lỏng các quy định mua nhà ở thành phố lớn trong vòng 5 năm tới.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM