Kinh tế Trung Quốc không ngừng phát đi những tín hiệu trì trệ, tại sao cả thế giới nên lo ngại?

20/09/2019 09:49 AM | Xã hội

Nếu sự trì trệ hiện tại của Trung Quốc đột ngột trở nên căng thẳng hơn nữa, thì hiệu ứng lan toả có thể kéo tụt sự hồi phục trên toàn cầu sau khủng hoảng tài chính.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn trì trệ. Dự báo chính thức về tốc độ tăng trưởng từ 6% đến 6,5% là mức thấp nhất từ trước đến nay. Và con số 6,2% của quý II mới được công cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tệ nhất kể từ khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu kinh tế vào năm 1992. Nguyên nhân rõ ràng và dễ nhận thấy nhất là cuộc chiến thương mại với Mỹ. Hơn nữa, yếu tố này cũng gây ra hiệu ứng "kích nổ" trên toàn cầu, ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

1. Hiệu ứng lan toả từ việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Nền kinh tế 14 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, chỉ đứng sau Mỹ, chiếm 1/3 tăng trưởng toàn cầu mỗi năm. Điều đó khiến nước này trở thành một động lực quan trọng trong việc tạo ra việc làm và cải thiện mức sống ở khắp mọi nơi. Sự dẫn đầu của nước Mỹ vốn kéo dài hơn 1 thập kỷ và nỗi lo về châu Âu đã khiến cho đà tăng trưởng tiên tiếp của Trung Quốc trở nên quan trọng hơn nhiều.

Nếu sự trì trệ hiện tại của Trung Quốc đột ngột trở nên căng thẳng hơn nữa, thì hiệu ứng lan toả có thể kéo tụt sự hồi phục trên toàn cầu sau khủng hoảng tài chính. Tình trạng giảm tốc là điều đương nhiên sẽ diễn ra và được dự kiến sẽ xuất hiện theo thời gian. Thế nhưng, đà lao dốc vượt ngoài dự tính sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.

2. Có vấn đề gì đối với con số 6%?

Ở một khía cạnh nào đó, con số này không mang ý nghĩa gì bởi nó vẫn là gấp đôi so với mức tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những khoản nợ tăng dần và khả năng thanh toán nợ của họ phụ thuộc vào sự tăng trưởng nhanh chóng để tạo ra lợi nhuận và doanh thu cần thiết. Tăng trưởng giảm tốc là thách tức đối với Trung Quốc trong việc hạn chế sự gia tăng của những khoản nợ công, nợ doanh nghiệp và nợ hộ gia đình - được dự đoán là sẽ tăng lên mức 300% GDP vào năm 2022.

Khoản nợ của Trung Quốc càng chồng chất thì tác động đối với tăng trưởng toàn cầu sẽ càng trầm trọng. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng được dự đoán là sẽ trì trệ hơn nữa và thậm chí có thể giảm xuống mức 6% nếu không có chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn. Đây là điều các quan chức Bắc Kinh lo ngại rằng sẽ gây ra khủng hoảng tài chính nếu thực hiện.

3. Ảnh hưởng từ tình trạng giảm tốc

Kinh tế giảm tốc đã tác động đến mọi ngóc ngách, từ sản lượng nhà máy cho tới thị trường việc làm. Tình trạng giảm phát đang xảy ra khi chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức 0 trong tháng 6 so với 1 năm trước, và vẫn tiếp tục sụt giảm. Chi tiêu tiêu dùng cũng trì trệ hơn, ảnh hưởng đến những công ty đa quốc gia như Apple hay Prada.

Cuộc chiến thương mại cũng có ảnh hưởng không hề nhỏ đối với hoạt động xuất khẩu, không chỉ hoạt động nhập khẩu từ Mỹ lao dốc mà còn từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy thương mại toàn cầu đang được định hình lại. Bloomberg Economics ước tính kinh tế toàn cầu sẽ mất 585 tỷ USD vào năm 2021 do bất ổn thương mại.

4. Mọi thứ sẽ còn trầm trọng đến mức nào?

Mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết. Niềm tin cũng như hoạt động kinh doanh trên toàn cầu dường như đang ở trạng thái dễ biến động hơn. GDP quý II của Singapore đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2012. Tại châu Á và châu Âu, các nhà máy đã cảm nhận được sự khó khăn, trong khi số liệu tăng trưởng của Mỹ chứng kiến những dấu hiệu trái chiều.

Trong khi đó, mức thuế quan liên tục được tăng lên đã khiến một số công ty quyết định di dời khỏi Trung Quốc và tìm đến những nước láng giềng như Việt Nam. Tính đến giữa tháng 9, có 9 trên 10 thước đo được Bloomberg theo dõi về diễn biến của hoạt động thương mại toàn cầu đều nằm dưới mức trung bình, có 3 thước đo nằm dưới phạm vi trung bình dài hạn.

5. Tại sao tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc?

Ngoài chiến tranh thương mại, nguyên nhân khác đến từ việc tốc độ tăng trưởng đột phá của quốc gia này cũng không thể kéo dài mãi. Trong bối cảnh già hoá dân số, thì số lượng người trưởng thành trong độ tuổi lao động là rất ít để có thể tăng sản lượng sản xuất.

Ngoài ra, khoản nợ đang "treo trên đầu" cho thấy rằng Trung Quốc nên gia tăng hoạt động sản xuất để bù đắp cho những khoản chi trước đây. Khó khăn khác mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt là "những trận chiến quyết định" của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm giảm "đống nợ" khổng lồ và cải thiện tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

6. Trung Quốc đang thực hiện những bước đi nào?

Những biện pháp kích thích kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp Trung Quốc tránh khỏi cuộc Đại Suy thoái như Mỹ, nhưng lại khiến chính họ chìm trong "núi nợ". Giờ đây, Trung Quốc đang nỗ lực để ngăn chặn "hard landing" (hạ cánh cứng - sự giảm sút mạnh sau thời kỳ phát triển bùng nổ) - khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái hoặc tiệm cận suy thoái, cùng lúc đó là ngăn không để "núi nợ" tăng thêm.

Mới đây, PBOC cho biết sẽ bơm thêm 900 tỷ NDT (126 tỷ USD) vào nền kinh tế bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, trong nỗ lực kích thích hoạt động cho vay. Một kế hoạch kích thích tài khoá bao gồm việc giảm thuế lên tới 2 nghìn tỷ NDT đang dần được áp dụng.

Hơn nữa, chính phủ đã nới lỏng các quy định trong việc sử dụng trái phiếu chính phủ đối với một số dự án cơ sở hạ tầng và cam kết cải tạo hàng trăm nghìn toà nhà cũ. PBOC đã yêu cầu các ngân hàng không tiếp tục hạ lãi suất thế chấp, dù chính sách tiền tệ đã được nới lỏng hơn. Trung Quốc cũng tăng cường hỗ trợ tín dụng đối với những công ty nhỏ, tăng thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ hơn và yêu cầu các ngân hàng lớn duy trì hoạt động tài trợ để tránh tình trạng thanh khoản bị siết chặt. Hồi tháng 6, các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc đã tiết lộ một kế hoạch kích thích nhằm thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm ô tô và thiết bị điện tử.

Theo Hương Giang

Cùng chuyên mục
XEM