Kinh tế khó khăn, cô gái chia sẻ cách để không cần tiêu tiền: Điều 1 hãy sống nhờ vào những thứ miễn phí
Uống cafe miễn phí, học tại các lớp do Chính phủ tài trợ,...Đó là hai trong rất nhiều cách giúp bạn duy trì cuộc sống ở thành phố mà không cần tiêu đến tiền.
Thông qua các buổi nói chuyện tại trường học, quán cafe hay hội thảo, một nhóm bạn cùng chí hướng ở Thượng Hải đang khuyến khích mọi người từ bỏ văn hóa tiêu tiền và tận dụng tốt hơn không gian công cộng trong thành phố của họ. Thông điệp của họ đang được rất nhiều cá nhân ủng hộ.
Tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, liệu có thể có một khoảng thời gian vui vẻ mà không tốn bất kỳ khoản tiền nào không? Đúng vậy, Chen Lingyi, một người ủng hộ chủ nghĩa chống tiêu dùng ở Thượng Hải, người đang khuyến khích trẻ em và người lớn tận hưởng những thú vui trong cuộc sống - mà không cần tốn nhiều tiền, nói.
Chen, 26 tuổi, nói với Sixth Tone: "Thành phố đã cho chúng ta nhiều hơn những gì bản thân cần", Chen nói. "Chúng ta không cần phải mua nhiều hơn, chỉ cần khám phá và sử dụng những thứ miễn phí đang có".
Chen và nhóm của cô gồm 26 người có cùng chí hướng đã chịu trách nhiệm sản xuất một tạp chí ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, về những cách tận hưởng các thành phố lớn nhất Trung Quốc mà không tốn bất kỳ khoản tiền nào.
Chúng bao gồm 100 lời khuyên để tận hưởng một ngày cuối tuần miễn phí ở Thượng Hải và một số thành phố lớn khác ở Trung Quốc, chẳng hạn như tìm kiếm cà phê miễn phí từ các nhân viên pha chế muốn nhận phản hồi từ khách hàng và tham gia các trường học ban đêm miễn phí do chính phủ tài trợ.
Ý tưởng thành lập tạp chí đến với Chen trong trận đại dịch năm ngoái, khi cô phải vật lộn để mua chuối với giá dưới 150 nhân dân tệ (hơn 500 nghìn đồng). Sự cần thiết của việc trao đổi trong thời kỳ này, khi mọi người đánh đổi những gì họ có dư để lấy những gì họ thiếu, đã để lại ấn tượng sâu sắc với Chen và thay đổi cách cô nhìn nhận thói quen tiêu dùng thông thường của mình.
Cô nói: "Tiền trở nên vô nghĩa vì bạn không thể dùng nó để mua những thứ mình cần nữa.
Tạp chí được nhóm sản xuất trong thời gian rảnh rỗi và được lãnh đạo bởi Chen, nhân viên chính thức tại một công ty thời trang bền vững. Theo Chen, nó hiện được phân phối tại hơn 200 quán cà phê và không gian mở trên toàn quốc, cho phép khách hàng ngồi vào mà không tốn bất kỳ khoản tiền nào.
Theo công ty tư vấn Mercer, Thượng Hải là thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc và đắt thứ 12 trên thế giới. Thành phố này là thành phố duy nhất trên lục địa Trung Quốc duy trì thứ hạng trong năm nay trên bảng chi phí sinh hoạt hàng năm của Mercer, trong khi các thành phố khác như Bắc Kinh và Thành Đô bị tụt thứ hạng.
Xu hướng truyền thông xã hội thúc đẩy tiết kiệm tiền ngày càng trở nên phổ biến sau đại dịch. Giới trẻ Trung Quốc có xu hướng từ chối những kỳ nghỉ xa xỉ ở nước ngoài, chuộng "du lịch cấp tốc", tức đi nhiều nơi trong thời gian ngắn nhất và tiêu tiền ít nhất. Họ cũng nghĩ ra kiểu du lịch đi bộ trong thành phố mình đang sống để tận hưởng.
Ngoài tạp chí, nhóm của Chen còn tổ chức hội thảo cho nhân viên của những gã khổng lồ công nghệ lớn như Alibaba cũng như sinh viên, khuyến khích họ khám phá điều gì mang lại cho họ sự thỏa mãn trong cuộc sống.
Chen nói: "Đó là những cảm xúc do chính bạn tạo ra và được xây dựng dựa trên trải nghiệm của bạn (điều đó mới quan trọng).
Wang Duyi, người đứng đầu trung tâm văn hóa tại trường trung học Kongjiang Thượng Hải, đã được truyền cảm hứng sau khi tình cờ nhặt được tạp chí. Cô mời Chen đến thuyết trình tại trường của cô vào mùa xuân về việc tận hưởng một ngày cuối tuần mà không tốn bất kỳ khoản tiền nào trước sự tham dự của hàng chục học sinh.
Wang cho biết: "Đó là một bài học thực sự quan trọng để học sinh tìm kiếm và ưu tiên sự cân bằng tinh thần bên trong thay vì không ngừng theo đuổi tiền bạc để có được hạnh phúc, đặc biệt là vào thời điểm mà giới trẻ có thể dễ dàng bị mạng xã hội hướng dẫn sai lầm và ngày càng tiêu nhiều tiền hơn".
Theo Sixthtone