Kinh tế học cho nhà đầu tư: Tại sao đầu tư chứng khoán cần cảnh giác với lạm phát?

08/03/2021 20:11 PM | Kinh doanh

Lạm phát tăng nhẹ, trong một số trường hợp, có thể tốt cho giá cổ phiếu. Nhưng thật sai lầm khi tin rằng danh mục của bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

Ở những nền kinh tế đã lâu không chứng kiến lạm phát, thật khó để nhớ lại, lạm phát sẽ thế nào. Nhưng cũng có những nơi, người ta muốn quên đi cũng khó.

Như Zimbabwe chẳng hạn. Năm 2008, quốc gia này này đã hứng chịu tỷ lệ lạm phát lên tới hàng triệu phần trăm. Giá cả tăng gấp đôi chỉ sau vài tuần, sau đó rút xuống còn vài ngày. Tiền giấy chỉ còn để trang trí. Một số người đã tìm đến cổ phiếu như một loại tài sản tích trữ giá trị. Một cổ phiếu được mua vào thứ Hai ở Zimbabwe có thể được bán ngay vào thứ Sáu. Sàn giao dịch chứng khoán Harare thời điểm đó chẳng khác nào máy ATM.

Về nguyên tắc, cổ phiếu là một hàng rào tốt trong việc chống lại lạm phát. Kết quả kinh doanh phụ thuộc vào giá tiêu dùng; và giá cổ phiếu phản ánh kết quả đó. Trong một số trường hợp, cổ phiếu thậm chí còn là "hầm trú ẩn" duy nhất để tránh lạm phát. Ví dụ như ở Iran. Quốc gia này có thị trường cổ phiếu hoạt động tương đối tốt, vì người dân địa phương muốn bảo vệ mình khỏi lạm phát. Họ không thể gửi tiền ở nước ngoài, vì các biện pháp trừng phạt của chính phủ.

Đó là câu chuyện ở các nước nghèo, còn ở các nước giàu, nhà đầu tư lại đau đầu kiểu khác.

Kinh tế học cho nhà đầu tư: Tại sao đầu tư chứng khoán cần cảnh giác với lạm phát?  - Ảnh 1.

Mặc dù triển vọng trước mắt, lạm phát vẫn có thể ở mức thấp, nhưng rõ ràng, nó vẫn có rủi ro sẽ tăng lên sau này. Nếu chuyện đó xảy ra, nhà đầu tư ở các nước giàu không thể hành động như ở Iran, hay Zimbabwe.

Mối liên hệ giữa lạm phát và cổ phiếu không đơn giản như hai ví dụ vừa rồi. Cổ phiếu là một hàng rào chống lạm phát khá tốt, nhưng chỉ trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn, lạm phát và giá cổ phiếu hoàn toàn có thể có mối quan hệ ngược chiều. Lạm phát tăng có thể khiến giá cổ phiếu giảm, và ngược lại.

Đúng là có bằng chứng về việc thị trường chứng khoán đã giúp nhà đầu tư tránh rủi ro lạm phát trong một thời gian dài. Trong niên giám gần đây nhất về lợi nhuận đầu tư toàn cầu của Credit Suisse, các tác giả Elroy Dimson, Paul Marsh và Mike Staunton đã chỉ ra rằng, thị trường cổ phiếu toàn cầu đã mang lại mức lợi nhuận trung bình cao hơn 5,2% so với lạm phát kể từ năm 1900.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư chứng khoán vẫn cần phải cảnh giác với lạm phát. Một bài báo được viết bởi Franco Modigliani và Richard Cohn vào năm 1979 đã đề cập đến hiện tượng "ảo giác tiền tệ" (*) (money illusion): lạm phát tăng khiến cho lãi suất được kỳ vọng tăng, nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào trái phiếu thay vì cổ phiếu (vì cho rằng lợi suất danh nghĩa của trái phiếu sẽ tăng, đáng ra, họ phải quan tâm đến lợi suất thực), khiến giá cổ phiếu giảm.

(*) Giả thuyết ảo giác tiền tệ cho rằng rằng mọi người có xu hướng chỉ đánh giá đồng tiền theo giá trị danh nghĩa, mà không nhận ra rằng sau khi tính đến lạm phát, một đồng tiền trong tương lai sẽ có giá trị thấp hơn một đồng tiền hôm nay.

Nếu giảm lãi suất danh nghĩa đi 2% trong điều kiện vật giá chung không đổi, thì nhà đầu tư sẽ nhận ra ngay. Nhưng nếu tăng lãi suất danh nghĩa thêm 2% trong điều kiện lạm phát tới 4% thì nhà đầu tư lại không thấy lợi nhuận của mình bị giảm.

Các lý thuyết khác cho rằng lạm phát phản ánh một nền kinh tế quá nóng, nhiều bất ổn, nên ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Trong nhiều thập kỷ từ đó trở đi, lạm phát đã giảm dần. Cổ phiếu đã được đánh giá lại. Các nhà đầu tư thậm chí sẵn sàng trả một mức giá cao hơn bao giờ hết cho một dòng thu nhập trong tương lai. Điều này cũng có thể được giải thích bởi hiệu ứng Modigliani-Cohn ngược, vì lợi suất trái phiếu danh nghĩa giảm, nên giá cổ phiếu tăng. Nhưng, cũng cần nhớ rằng, lợi suất thực dài hạn cũng giảm theo đó. Mức lợi suất thực phải thấp thì lạm phát mới ổn định.

Lạm phát tăng nhẹ có thể tốt cho giá cổ phiếu. Nhưng thật sai lầm khi tin rằng danh mục của bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

Tham khảo The Economist

Theo Thái Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM