Kinh tế chia sẻ: Nguy cơ tập đoàn nước ngoài "thâu tóm, lũng đoạn" thị trường

09/12/2020 09:47 AM | Xã hội

Vấn đề này được ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương CIEM nêu ra tại Hội thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế”.

Báo cáo của CIEM chỉ ra, tuy một số loại hình kinh tế chia sẻ (KTCS) mới bước đầu phát triển ở Việt Nam nhưng đã cho thấy ưu thế vượt trội và khẳng định được vị thế trong nền kinh tế, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các mô hình kinh tế chia sẻ trước hết đem lại nhiều tác động tích cực như huy động được phương tiện, tài sản nhàn rỗi vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; mở rộng, tăng nhanh các loại giao dịch trên kinh tế thị trường, bổ sung kênh kinh doanh mới; thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động...

Tuy nhiên, các mô hình này cũng tạo ra nhiều hệ lụy. Ông Lưu Đức Khải chỉ ra các ví dụ như việc huy động đầu tư quá mức; tạo ra xung đột lợi ích và gây mất việc ở khu vực kinh tế truyền thống; khó khăn trong việc thu thuế; phát sinh nhiều vấn đề quan hệ lao động và đặc biệt là rủi ro một số mô hình kinh tế KTCS có nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và "lũng đoạn".

Hiện đang có xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình KTCS ở Việt Nam. Thậm chí các tập đoàn nước ngoài chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam (như với Tiki, Sendo…). Các nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò dẫn dắt và chi phối các chủ thể tham gia các mô hình kinh doanh chia sẻ ở trong nước và kết nối với mạng lưới các chi nhánh khác ở nước ngoài.

Trên thực tế, Grab, Fastgo… đã đầu tư đầu tư mở thị trường và phát triển mạng lưới chi phối thị trường dịch vụ vận tải trực tuyến Việt Nam; tương tự, lĩnh vực dịch vụ chia sẻ phòng ở cũng chủ yếu do Airbnb, Expedia,…chi phối. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thị trường dịch vụ P2P lending đang chủ yếu do các nhà đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Singapore…chi phối.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật lại không theo kịp diễn biến này trên thị trường trong nước, đang để ngỏ nhiều khoảng trống pháp luật. Thậm chí, một số lĩnh vực đã có quy định pháp luật nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng để các doanh nghiệp nước ngoài khai thác, gây bất lợi cho thị trường trong nước.

Ví dụ, theo Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn quản lý ngoại thương đối với hoạt động thương mại điện tử có vốn đầu tư nước ngoài, đã quy định nhà đầu tư nước ngoài đã có giấy phép đầu tư kinh doanh thì cần có thêm giấy tờ kinh doanh đối với hoạt động cung cấp thương mại điện tử dưới dạng website (một công cụ trong quản lý ngoại thương). Tuy thế, rào cản thương mại này vẫn còn có lỗ hổng vì chỉ quy định cho website mà không quy định cho ứng dụng điện thoại di động.

Vì vậy, nếu không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần KTCS trong nước. Ngoài ra, các đối tác khác của mô hình KTCS khi không cập nhật được thông tin, công nghệ sẽ trở thành đối tượng yếu thế, mất việc làm… vì không theo kịp hoặc bị hình thức kinh doanh mới thống lĩnh, chiếm thị phần.

Thái Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM