Vải thiều vào vụ, bán mua phập phồng

04/06/2015 10:44 AM |

Vài thiều chính gốc mới vào đầu vụ, chưa có hàng nhiều nhưng khắp thị trường TP.HCM từ chợ đến phố vải đã được bày bán đầy. Vải Trung Quốc lai đang trà trộn...

Những ngày qua, người dân vùng “rốn” vải ở Lục Ngạn, Bắc Giang cấp tập chuẩn bị cho vụ vải vào mùa. Người trồng lo ngay ngáy vì giá vải bấp bênh.

Theo UBND tỉnh Hải Dương, sản lượng vải thiều của Hải Dương năm nay đạt khoảng 50.000 tấn. Trong khi đó, tại Bắc Giang năm nay sản lượng vải thiều ước đạt khoảng 160.000 tấn, trong đó xuất khẩu 64.000 tấn (chiếm khoảng 40% tổng sản lượng).

Theo Bộ Công Thương, tổng sản lượng vải thiều năm nay của 2 tỉnh là Bắc Giang và Hải Dương đạt trên 200.000 tấn.

Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng 120.000 tấn, số còn lại sẽ xuất khẩu. Thị trường phía Nam chiếm khoảng 43% tổng sản lượng vải bán trong nước

Trên 120.000 tấn vải phải tiêu thụ trong khoảng 1 tháng mùa vụ, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ vô cùng lo lắng liệu thị trường vải thiều có lặp lại hiện tượng như dưa hấu, hành tím? Khi thị trường hiện nay không chỉ có vải thiều của Hải Dương, Bắc Giang mà còn vải của nhiều nơi khác chuyển đến.

Loạn giá vải thiều

Tại nhiều chợ, cửa hàng, điểm bán tại TP.HCM lúc này đã tràn ngập các loại vải.

Tuy nhiên, giá vải cũng mỗi nơi một khác và hầu hết đều được giới thiệu là "vải thiều chính gốc". Với mức giá rẻ từ 20.000 đồng hay cao ngất ngưởng đến 85.000 đồng/kg, vải đang được các tiểu thương đua nhau bán cho người tiêu dùng.

Với mức giá cao ngất ngưởng 85.000 đồng/kg, cao bằng giá vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) thời điểm đầu mùa 1 tuần trước, nhiều cửa hàng bán các đặc sản Bắc trên đường Nguyễn Đình Chiều hay Trần Quốc Toản (Q.3) đều khẳng định, đây là vải thiều Lục Ngạn chính gốc, được nhập tại vườn và vận chuyển bằng máy bay nên mới có giá cao như vậy.

Trong khi đó, tại nhiều chợ, vải cũng đã xuất hiện đầy ắp các sạp với những chùm vải đỏ tươi được tiểu thương rao với giá 40.000 đồng/kg.

Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) tuỳ từng chất lượng quả vải mà mức bán giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại một chợ lẻ khác là chợ Tân Phú, quả vải ở đây lại được rao bán với mức 30.000 đồng/kg. Các tiểu thương khi được hỏi cũng khẳng định đây là loại vải thiều nổi tiếng Lục Ngạn hay vải Thanh Hà.

Bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, hiện sản lượng vải về chợ đạt mức 1000 tấn/đêm, tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái.

Hiện nay, có 2 loại vải thiều được đưa về chợ là vải thiều đi bằng đường máy bay có giá 30.000 - 35.000 đồng/kg, trong khi vải thường đi bằng đường bộ giá ở mức 16.000 - 18.000 đồng/kg.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, giá vải thiều dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg bán sỉ, các tiểu thương cho hay, vải đang là mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất tại chợ vào thời điểm này.

Hàng chợ là thế, nhưng hàng vải bán xe đẩy khắp đường phố Sài Gòn ngày 30-5 chỉ rao giá 28.000 đồng/kg. Nhiều người tiêu dùng thắc mắc : "Vải gì mà rẻ thế, vải này ở đâu?"

Vải đang có mặt ở chợ và khắp đường phố Sài Gòn ngày một nhiều hơn. Một xe bán vải ở cầu Điện Biên Phủ trưa 30-5, rao giá bán vải 14.000 đồng/ nửa kg. Ảnh Cù Mai Công.

Vải đang có mặt ở chợ và khắp đường phố Sài Gòn ngày một nhiều hơn. Một xe bán vải ở cầu Điện Biên Phủ trưa 30-5, rao giá bán vải 14.000 đồng/ nửa kg. Ảnh Cù Mai Công.

Ngày 1-6, bà Nguyễn Thị Mận, giám đốc Công ty chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà (Hải Dương) cho hay, hiện tại Công ty của bà mỗi ngày có khoảng 6-7 tấn vải được xuất đi thị trường TP.HCM để tiêu thụ.

Mức giá vải thu mua cũng rất khó lường, tuỳ ngày có khi trên 20.000 đồng/kg cũng có ngày vải lên đến mức 35.000 đồng/kg.

"Hiện nay mới chỉ có vải Trung Quốc lai, chứ vải thiều chính gốc phải một tuần nữa mới có hàng em ơi" - bà Mận khẳng định.

Để phân biệt vải thường so với vải thiều chính gốc, theo bà Mận quả vải thiều thường trái tròn, nhỏ và đều trái hơn. Bên cạnh đó, vị ngọt và thơm cũng rất đặc trưng, đặc biệt hạt vải thường rất nhỏ và cùi dày.

Chập chờn giá cả, người trồng... khóc

Người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) chở vải đi bán - Ảnh: Q.Thế

Người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) chở vải đi bán - Ảnh: Q.Thế

Lục Ngạn, Bắc Giang - vựa vải lớn bậc nhất cả nước, không khí chuẩn bị thu hoạch vải “nóng” lên. Tại các xã như Tân Mộc, Lục Ngạn, người dân đã bắt đầu hái vải, bán ra thị trường.

Năm nay, người dân phấn khởi vì từ đầu năm 2015, đã có nhiều đoàn doanh nghiệp, nhiều cuộc họp kết nối cung cầu được tổ chức và dân được thông báo vải năm nay sẽ được xuất đi nước ngoài nhiều hơn, vào được cả thị trường Mỹ, Úc...

Tuy nhiên, nhiều người dân "mất ăn mất ngủ " với giá vải vốn rất khó đoán. Chỉ khoảng 3-4 tuần thu hoạch đỉnh điểm, lãi phải tuân theo quy luật cứ được mùa là mất giá.

Theo ông Chu Văn Báo, trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, giá quả vải thu hoạch sớm mùa vải năm nay đang được thu mua khoảng 20.000đ/kg, trong khi lô vải 2 tấn đầu tiên vừa xuất đi Mỹ, đã được doanh nghiệp mua với giá 30.000đ/kg.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Quân, ở xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang nêu mỗi tấn vải bán đi, ông đã mất khoảng 2,5 triệu chi phí.

Thực tế, theo ông Quân, có năm mất mùa sản lượng chỉ được 2 tấn nhưng ông lại thu được tiền nhiều hơn năm thu hoạch được tới 6 tấn.

Ông Nguyễn Đức Nhân, trưởng thôn Đại Xá, xã Thanh Thủy, Thanh Hà, Hải Dương nêu giá vải của Hải Dương thấp hơn Bắc Giang, năm trước ông chỉ bán được khoảng 16-18.000đ/kg. Vì vậy, người dân thường có xu hướng chăm cho cây vải ra trái sớm hơn để bán được giá cao vào đầu vụ.

Tuy nhiên, đầu vụ chỉ được có khoảng 1-2 tuần, nên tính trung bình, theo ông Nhân, người dân cũng chỉ bớt thiệt, chứ vẫn còn khó khi giá vải thấp nhất năm 2014 chỉ được 10.000đ/kg, thậm chí có năm chỉ được khoảng 5000đ/kg.

Ông Phùng Trần Hoạt (thôn Kép 1, Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang) chỉ vườn vải sắp thu hoạch nhưng vẫn lo giá vải năm nay sẽ không được 30.000đ/kg - mức giá nhiều người dân mong đợi. Ảnh: C.V.K

Ông Phùng Trần Hoạt (thôn Kép 1, Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang) chỉ vườn vải sắp thu hoạch nhưng vẫn lo giá vải năm nay sẽ không được 30.000đ/kg - mức giá nhiều người dân mong đợi. Ảnh: C.V.K

Theo Dũng Tuấn - Cẩm Văn Kình

Cùng chuyên mục
XEM