Vì sao quả vải Việt Nam mất tới 10 năm để 'bay' sang Mỹ?

15/04/2015 14:45 PM |

Là lĩnh vực mũi nhọn, nhưng hiện nông nghiệp Việt Nam chỉ thu hút được 1% số lượng doanh nghiệp tham gia. “Phải làm sao doanh nghiệp trong nông nghiệp không chỉ là 1%, mà phải là 10%, 20%, nông nghiệp mới có bước đột phá”.

Nội dung nổi bật:

- “Năm 2005, tôi xuống Thanh Hà – Hải Dương làm chương trình xây dựng thương hiệu cho quả vải thiều. Nhưng cách đây 2 tháng, tức phải sau 10 năm, quả vải thiều mới chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ” – Tổng Thư ký VCCI

- “Rất tiếc rằng mới có hơn 3.500 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp, trên tổng số 401.000 doanh nghiệp trên cả nước. Một lĩnh vực rộng như vậy nhưng chiếm chưa được 1% tổng số doanh nghiệp” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

- “Liên kết 4 nhà của chúng ta ra sao? Các ông cứ với với ở chỗ nào. Các siêu thị cũng không muốn với quá sâu. Dù ký với một người nông dân 1 hợp đồng nghiêm chỉnh nhưng họ cũng khôn ngoan lắm, đẩy hết khó khăn cho người nông dân"...


Mất 10 năm quả vải mới đi được Mỹ

“Năm 2005, tôi xuống Thanh Hà – Hải Dương làm chương trình xây dựng thương hiệu cho quả vải thiều. Nhưng cách đây 2 tháng, tức phải sau 10 năm, quả vải thiều mới chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ”.

Đây là chia sẻ của TS. Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp sáng 15/4.

Theo bà Hằng, nguyên nhân quả vải mất 10 năm để “bay” từ Việt Nam sang Mỹ là do khả năng tiếp cận thông tin của các nhà sản xuất còn hạn chế, nhất là về khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời ít kiến thức về thị trường toàn cầu.

“Câu chuyện này để thấy rằng quá trình để có một sản phẩm rất bình thường vào thị trường toàn cầu, như thị trường Mỹ, là chặng đường không hề đơn giản. Chúng ta thấy rằng bất chấp tất cả nỗ lực của chúng ta, nhưng nếu không có thông tin, không có kiến thức đầy đủ để đưa sản phẩm ra thế giới thì không thể chiếm lĩnh thị trường như mong muốn”, bà Hằng chia sẻ.

Tuy nhiên, đây chỉ là 1 thách thức rất nhỏ trong một loạt thách thức trong việc phát triển ngành kinh doanh nông nghiệp mà VCCI đã thống kê.

Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2014, thách thức lớn nhất trong việc phát triển kinh doanh nông nghiệp là: Các cơ sở sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ và phân tán. “Doanh nghiệp chúng ta rất nhỏ, có xu hướng ngày ngày giảm đi, không đủ lực tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị” – bà Hằng cho biết

Thách thức thứ 2 là điều kiện vệ sinh kém và khung pháp lý cồng kềnh. Hiện nay sản phẩm thực phẩm của Việt Nam được tới 3 cơ quan quản lý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, và Bộ Y tế. Sự phân tán quản lý làm cho quá trình lưu thông ra thị trường của sản phẩm nông nghiệp rất phức tạp.

Thứ 3, chất lượng đầu vào thấp là một trở ngại đối với các công ty chế biến nông sản.

Thứ 4, công ty nhỏ thường có năng lực tài chính yếu

Thứ 5, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, Việt Nam hiện đang xuất khẩu phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của mình mà không qua chế biến.

Thứ 6, có rất ít các cụm liên kết chế biến nông sản. Chúng ta đã hình thành một số cụm, nhưng lập cụm liên kết không đơn thuần chỉ về nguyên liệu, chế biến, mà còn cần cả phương tiện vận chuyển, kho bãi, đông lạnh.... để đảm bảo sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đủ chất lượng đưa ra thị trường.

Nông nghiệp: Chỉ 1% doanh nghiệp tham gia

Bênh cạnh đó, trong khi có tới 50% lao động làm việc trong lĩnh vực này, số lượng doanh nghiệp “làm nông” hiện quá ít ỏi.

“Rất tiếc rằng đến bây giờ, trong lĩnh vực nông nghiệp mới có hơn 3.500 doanh nghiệp tham gia, trên tổng số 401.000 doanh nghiệp trên cả nước. Một lĩnh vực rộng như vậy nhưng chiếm chưa được 1% tổng số doanh nghiệp”, ông Hà Công Tuấn  -Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết.

Đóng góp của nông nghiệp vào tăng trưởng kinh tế là bao nhiêu? Theo Tổng cục Thống kê, kết thúc Quý I, lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp tới 1/3 vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể, GDP Quý I/2015 ước tính tăng 6,03% so với cùng kỳ năm 2014, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Trong mức tăng 6,03% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm.

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng – tỷ lệ đóng góp vào GDP và tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như vậy là chưa tương xứng.

Phải làm sao doanh nghiệp trong nông nghiệp không chỉ là 1%, mà phải là 10%, 20%. Như vậy, nông nghiệp mới có bước đột phá trong thời gian tới” – TS. Lộc cho biết.

“Ép được nông dân bao nhiêu thì họ ép”

Diễn đàn nói nhiều về nông nghiệp, nhưng chú trọng nhiều tới doanh nghiệp. Còn người nông dân thì sao?

“Lợi ích trong kinh tế thị trường là thế nào? Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tạo thu nhập cho người nông dân ở mức lãi 30%. Nhưng thực tế thế nào? Giá lúa Đồng Bằng sông Cửu Long trên 5.000 đồng/kg, chúng ta ăn gạo 15.000 – 16.000 đồng/kg là tối thiểu.

Doanh nghiệp đang ăn lãi cả đầu vào lẫn đầu ra. Ép đc nông dân bao nhiêu thì họ ép. Họ thích được lãi nhiều hơn thì phải ép nông dân. Nông dân đến mức rất thiệt thòi nhưng không làm cách nào được” – chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ.

“Liên kết 4 nhà của chúng ta ra sao? Các ông cứ với với ở chỗ nào. Các siêu thị cũng không muốn với quá sâu. Dù ký với một người nông dân 1 hợp đồng nghiêm chỉnh nhưng họ cũng khôn ngoan lắm, đẩy hết khó khăn cho người nông dân. Chất lượng sản phẩm họ bán người nông dân phải tự chịu” – PGS.TS Trần Hữu Cường – Khoa Kế toán Quản trị Kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

>> “Đổ vốn vào nông nghiệp, đại gia cần chấp nhận rủi ro”

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM