Thu 2 triệu đồng/ngày từ dịch vụ "thử làm nghệ nhân" Bát Tràng

10/09/2012 16:27 PM |

Dịch vụ “vuốt nặn vẽ” giá rẻ hút khách nhất làng gốm Bát Tràng.

Ý tưởng để khách tự trải nghiệm cảm giác được nặn những sản phẩm từ đất xuất hiện ở làng gốm Bát Tràng từ lâu. Song, thời gian gần đây, dịch vụ này mới nở rộ và trở thành nguồn thu nhập chính của một số hộ gia đình tại Bát Tràng.


Kinh doanh gốm sứ tại chợ Bát Tràng ế ẩm. 

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đầy 20 km, làng gốm Bát Tràng nằm sát bờ bắc sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) được biết đến là trung tâm sản xuất, kinh doanh gốm sứ nổi tiếng, đồng thời là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế, làng nghề này đang có dấu hiệu suy thoái, kinh doanh ế ẩm. 

Trước đây, để đáp ứng nguồn cung dồi dào, mỗi doanh nghiệp thuê đến hàng trăm công nhân, làm việc cả ca đêm. Hầu hết các sản phẩm của làng nghề đều xuất ra nước ngoài. Tuy nhiên, các hợp đồng ngày một thưa thớt, khiến không ít DN lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”: dừng sản xuất công ty sẽ chết, mà sản xuất ra thì hàng hoá chất đống, không tiêu thụ được.


Cửa hàng mở dịch vụ tô tượng chật kín khách.

Trong khi nhiều chủ doanh nghiệp đang cố vùng vẫy tìm lối thoát, nhiều người thức thời, quay ra “nhặt tiền lẻ” qua các dịch vụ tô tượng, nặn gốm. 

Dịp cuối tuần, nhiều cửa hàng trưng bày sản phẩm ở Bát Tràng vẫn vắng khách, chỉ có một số cửa hàng mở dịch vụ tô tượng, nặn gốm thì chật kín chỗ ngồi. Dịch vụ này cũng tương đối đơn giản. Chỉ cần kê mấy cái bàn, ghế, bút, mực vẽ, tượng trắng trên một khoảng đất nhỏ tại chợ là có thể thu được kha khá tiền, nhất là dịp nghỉ lễ, thời tiết mát mẻ hiện nay. Hơn nữa, các cửa hàng cũng chỉ cần 1-2 người phục vụ: một người mời chào, giới thiệu về dịch vụ, giá cả; người kia sắp xếp bàn ghế, cọ, màu vẽ cho khách.



Đối tượng khách hàng chủ yếu là các bậc phụ huynh ở Hà Nội và các thành phố lớn đưa con về chơi. Các nhóm bạn trẻ là học sinh, sinh viên, các đôi yêu nhau cũng thường xuyên đến đây chơi gốm. Vợ chồng anh Hùng ở Hai Bà Trưng, Hà Nội tâm sự: “Khác với những trò giải trí vô bổ trên máy tính, những chuyến đi thế này giúp các cháu mở mang tầm mắt. Con trai, con gái tôi đều thích thú với trò nặn tượng”.

Sở hữu 2 cửa hàng tại chợ, song chị em chị Thoa không chú tâm lắm đến việc bán hàng lưu niệm, mà dành ưu tiên chăm sóc các 'thượng đế' thích làm nghệ nhân. 

Chị cho biết: “Bức tượng to nhất cửa hàng cũng chỉ 25.000 đồng, màu vẽ miễn phí. Sau khi vẽ xong, khách có thể mang tượng về hoặc trả thêm 5.000 đồng để nung giúp giữ màu bền hơn”. Với lượng khách bình quân 100 người mỗi ngày, chị Thoa cho biết nguyên dịch vụ tô tượng, nặn gốm có doanh thu tối thiểu là 2 triệu đồng/ngày.

Nếu muốn có không gian rộng, khách có thể tìm đến các xưởng xung quanh để tô vẽ, nặn tượng. Không mất công tìm kiếm, bất kỳ ai cũng có thể được những “cò mồi” lẫn trong đám khách du lịch tại chợ chào mời, phát tờ rơi, dẫn vào tận xưởng. 

Phí thu về trên mỗi khách thấp, nhưng nhờ giá rẻ, cảm giác được tự thử sức mình tạo ra các sản phẩm riêng đã hút khách. Vốn ban đầu không lớn, nhiều hộ kinh doanh dịch vụ này tại Bát Tràng có thu nhập tương đối ổn định mỗi tháng. Đây được xem là dịch vụ kinh doanh nhộn nhịp và hút khách nhất Bát Tràng.

T.H

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM