Những tiểu thương thôi việc nhà nước, bán hàng tự do ở Cuba

16/07/2013 00:10 AM |

Trên phố Montes ở thủ đô Havana, giữa những vỉa hè đổ nát, những cửa sổ nứt toác và những chấn song cửa hoen gỉ, có khoảng gần chục tiểu thương, doanh nhân nhỏ lẻ vẫn đang cần mẫn xây dựng nên những cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân cho riêng mình.

Nancy Rodriquez và Llaumara Rey, cả hai đều ở độ tuổi ngoài 40, tươi cười niềm nở trước những sản phẩm của mình - đó là những bức tượng tôn giáo và bùa hộ mệnh, mà theo họ nói thì chúng đang bán chạy như tôm tươi. Cả hai không muốn đề cập đến các vấn đề tài chính liên quan đến cơ sở kinh doanh của họ, nhưng khi được hỏi có phải họ đang kiếm được nhiều tiền hơn thời còn làm việc quốc doanh, họ đã rất chắc chắn và gật đầu đầy tự tin.

Ở nhà kế bên, bà Maria Del Carmen, 55 tuổi, đang gặp khó khăn với việc kinh doanh của mình. Mới mở cửa hàng buôn bán hệ thống ống nước cách đây 2 tháng, nhưng bà Maria đã bắt đầu nghĩ đến việc từ bỏ công việc này. "Nó khó khăn hơn nhiều so với suy nghĩ và kỳ vọng của tôi", bà cho hay.

Nhiều người qua đường trên phố Montes đã liên tục dừng lại hỏi giá bán của những chiếc ống nước nhỏ và ống nước khuỷu tay ở cửa hàng của bà Maria. Những chiếc ống này rất cần thiết cho việc sửa chữa hàng triệu ngôi nhà trên khắp quốc đảo này. Thậm chí một số người còn mua hàng tồn kho ở cửa hàng của bà Del Carmen. 

Nhưng có vẻ như vậy vẫn chưa đủ. Sau khi nộp thuế hàng tháng cho nhà nước từ nguồn thu được ở cửa hàng, cùng các loại thuế an sinh xã hội khác, bà Maria Del Carmen cho biết thu nhập còn lại không tốt hơn quá nhiều so với công việc trước đây của bà trong một nhà hàng quốc doanh.

Hàng xóm của bà Maria, anh Luis Enrique, 26 tuổi, vẫn tiếp tục mở cửa hàng kế bên. Anh đang lên bản vẽ cho cửa hàng bán pizza mới của mình. Enrique cho hay anh chắc chắn sẽ kiếm được nhiều tiền từ công việc kinh doanh này hơn làm việc cho nhà nước, bởi anh nhìn thấy bạn bè mình đã làm được như vậy. Hiện tại, anh kiếm được 15 USD mỗi tháng cho công việc ở một nhà kho quốc doanh, trong khi bạn bè của anh kiếm được gấp đôi. "Tôi không thể chờ đợi việc mở cửa hàng lâu thêm nữa", anh nói.

Đối với một người Mỹ, cảnh tượng ở đây dường như giống một cái chợ trời khổng lồ, nhưng ở Cuba, đây là hạt giống của điều gì đó lớn lao hơn nhiều: một xã hội ít phụ thuộc hơn vào nhà nước. Các cửa hàng này là kết quả của đạo luật mới được thông qua ở Cuba cách đây vài năm, lần đầu tiên cho phép các cá nhân được tự kinh doanh. Cho đến lúc đó, người lao động ở Cuba chỉ được làm việc cho nhà nước và các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ nước này.
 
Năm 1959, lãnh tụ Fidel Castro đã lãnh đạo kháng chiến toàn quốc thành công. Sau đó, các doanh nghiệp tư nhân và các công ty được quốc hữu hóa, và mọi lĩnh vực của nền kinh tế được đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ.

Trong suốt 50 năm, tất cả các công ty đều nộp doanh thu cho nhà nước và gần như mọi người lao động đều kiếm được số tiền như nhau, bất kể công việc của họ là gì.

Nền kinh tế Cuba hiện đang khá lộn xộn và trì trệ. Hòn đảo nhỏ trở nên tù túng bởi những tòa nhà cũ nát vẫn sừng sững tồn tại nhờ vào chất lượng xây dựng ban đầu của chúng khá tốt.

Chính phủ Cuba, hiện đang được điều hành bởi Raul Castro, em trai cựu lãnh đạo Fidel Castro. Ông Marino Murillo Jorge, cựu bộ trưởng kinh tế Cuba, tuần qua đã phát biểu với báo giới rằng: "Cuộc sống đã dạy cho chúng ta rằng nhà nước không thể chiếm lĩnh tất cả mọi không gian trong nền kinh tế".

Những người hoài nghi và những nhà phê bình, bao gồm cả những người bất đồng chính kiến ở Cuba, cho rằng những thay đổi của nền kinh tế vẫn còn quá ít ỏi để mang lại ý nghĩa thực sự.

Theo ông Murillo, các công ty lớn nhất và quan trọng nhất của đất nước sẽ luôn luôn chịu sự quản lý của nhà nước. Thay vì tư nhân hóa, chính phủ sẽ tạo điều kiện để các công ty có thể hoạt động hiệu quả hơn. Điều đó nghĩa là chính phủ sẽ cho phép các công ty được giữ lại 50% doanh thu của họ, để sử dụng cho việc tăng lương hoặc tái đầu tư.

Ông Murillo chưa đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp nhỏ, ông cho rằng họ chỉ đóng góp phần nhỏ trong tương lai của nền kinh tế Cuba.

Trở lại phố Montes ở thủ đô Havana, những doanh nhân nhỏ ở đây vẫn đang cần mẫn làm việc trong mùi sơn mới và suy nghĩ một cách rõ ràng về những điều lớn lao hơn.

Thùy Phương

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM