Khi làng nhang bị chính người làng nghề... "bức tử"?

21/10/2012 08:45 AM |

Làng nhang Tân Tạo không còn người se nhang.

Thời gian qua, nhiều hộ gia đình tại làng se nhang (tức hương) thủ công Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) đang "chạy vạy" khắp nơi để tìm kiếm cơ hội mới cho nghề se nhang truyền thống phát triển. Nhưng trước cơn lốc đô thị hóa, ô nhiễm và sự cạnh tranh khốc liệt của nhang sản xuất công nghiệp, làng se nhang Tân Tạo đang dần bị chính người làng nghề "bức tử"?!

Làm không đủ sống

Ra đời cách đây 35 năm, làng se nhang thủ công Tân Tạo có  gần 40 hộ gia đình tham gia sản xuất. Thương hiệu nhang Tân Tạo đã được hình thành từ đây và được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, nghề sản xuất nhang thuộc độc quyền của làng se nhang Tân Tạo.

Ngày ấy, thương lái tại TP.HCM, rồi các tỉnh Tây Nguyên, miền Tây, Đông Nam Bộ liên tục xuống làng Tân Tạo đặt hàng. Có thời điểm, nhiều gia đình phải huy động tất cả bà con trong dòng họ, ở mọi nơi cùng sản xuất mới kịp thời gian với đơn đặt hàng.

10 năm trở lại đây, nhang do các hộ gia đình ở làng Tân Tạo sản xuất ra, bán không được vì nhiều người tiêu dùng chê màu sắc, chất lượng kém nhang được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Đã vậy, giá nhang thủ công lại đắt hơn giá nhang sản xuất công nghiệp, đó là lý do thứ 2 để người tiêu dùng ít mua.

PV tìm đến nhà anh Phạm Văn Đạt (34 tuổi) là một trong những hộ còn se nhang bằng tay cuối cùng ở làng nghề Tân Tạo. Anh Đạt cho biết với thái độ xót xa: "Tôi se nhang bằng tay vì nhà nghèo, không có tiền đầu tư máy se. Gia đình làm chủ yếu lấy công làm lãi và để giữ nghề truyền thống". Theo những người từng làm nhang ở phường Tân Tạo, anh Đạt đã từng đi làm nhang thuê cho nhiều chủ. Gần 7 năm trở lại đây, anh Đạt mới thay cha mẹ se nhang tại nhà, vì cha mẹ đã già yếu, không lao động được nữa.

Khó phục dựng làng nghề

Anh Đạt bảo để làm nhang, người làm chỉ cần xoải người, lăn đi lăn lại cây nhang chừng 40 cm, cứ thế se cho tới khi nào được một bó 100 cây thì nghỉ tay. Uống vội hớp trà vừa mới pha, anh Đạt không thể giấu được nỗi ưu tư, anh cho hay: "Một bó 100 cây, bán cho các đầu mối bán sỉ là 6.500 đồng, còn bán trực tiếp là 8.000 đồng. Trung bình một người làm một ngày khoảng 8 bó, tính ra thu nhập được khoảng 54.000 - 64.000 đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất thì chẳng lời được bao nhiêu. Cái lời đó đúng như người xưa nói là lấy công làm lãi.

Chính vì lãi ít nên hiện nay, nghề se nhang thủ công ở Tân Tạo chỉ còn gần 10 hộ sản xuất. Tính là hộ nhưng không phải cả gia đình cùng làm mà có gia đình chỉ phụ nữ, người già hoặc người đàn ông sản xuất. Hơn nữa, se nhang yêu cầu tính cẩn thận, cần mẫn, tỉ mỉ, làm suốt ngày, suốt năm nên không phải ai cũng thực hiện được. Chị Huỳnh Thị Tình (39 tuổi), người có thâm niên 11 năm làm nghề, nói: Làm nhang thủ công thu nhập thấp nên nhiều thanh niên trai tráng, đàn ông khỏe mạnh đã rủ nhau vô khu vực nội thành mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau với thu nhập cao hơn. Anh Đạt là người đàn ông trẻ cuối cùng chịu se nhang. Liệu anh ta có giữ được hương?

Chị Thu Bình (45 tuổi), người có thâm niên 10 năm se nhang trải lòng: "Vì nghèo nên tôi và số chị em phụ nữ khác trong làng phải đi se nhang thuê cho các hộ khác. Trung bình ngày tôi se được khoảng 2.000 cây nhang, được chủ trả công 80.000 đồng. Vì tiếp xúc  bột làm nhang liên tục khiến tôi bị bệnh, thuốc thang hoài mà không khỏi. Nếu đầu tư máy móc, làm nhang công nghiệp thì chắc chắn sẽ không mắc bệnh".  Bà Lê Thị Cúc (48 tuổi), người có thâm niên 14 năm làm nghề luôn đau đáu với thương hiệu nhang Tân Tạo thì nói: "Muốn gây dựng lại thương hiệu nhang thủ công Tân Tạo giống như xưa, hiện thật sự là điều không tưởng(.)”.       

Ông Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch phường Tân Tạo phân trần: Phường đã từng tổ chức họp dân, bàn tính khôi phục lại làng nghề, hỗ trợ vốn cho bà con mua thiết bị máy móc về sản xuất. Đồng thời tính đến kế hoạch, khôi phục sản xuất cùng với làm du lịch. Nhưng đến bây giờ, chính quyền vẫn chưa thực hiện được vì cấp trên chưa có chính sách phát triển làng nghề ở Tân Tạo. Dù rất muốn xây dựng làng nghề để bà con có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống nhưng chúng tôi cũng bó tay vì không có lực.
 
Theo Thanh Nguyên
Người đưa tin

duchai

Cùng chuyên mục
XEM