Chợ 've chai' ngàn đô giữa lòng Sài Gòn
Cứ mỗi sáng chủ nhật, con hẻm nhỏ dưới chân cầu Băng Ky, trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đều trở nên nhộn nhịp bởi phiên chợ "ve chai" đặc biệt nhóm họp.
Khách đến đây có thể tìm dược đủ loại vật dụng cũ. |
Những món “ve chai” tại đây có khi chỉ với giá vài trăm ngàn, cũng có khi giá trị lên đến vài chục ngàn USD như: đồng hồ đeo tay Citizen 100.000 đồng/chiếc; đồng hồ Uply vào thập niên 1950 – 1960 giá 11.500.000 đồng; Omega mạ vàng 300 - 400 USD/chiếc; mô-tô cổ sản xuất trước năm 1900 giá 6.000 USD,…Cũng có những thứ là vô giá vì chủ nhân của nó chỉ mang đến “khoe” chứ không bán dù được trả giá rất cao.
Từ ý tưởng thành lập một khu chợ “ve chai” trên mạng để những ai có đam mê sưu tầm đồ cũ có diễn đàn chia sẻ. Thế nhưng, sau nhiều năm hoạt động, sàn giao dịch ảo biến thành một chợ thật.
Có những món đồ đối với người này là không còn giá trị sử dụng nhưng với người khác thì nó là vô giá. |
Nói về ý nghĩa của “sàn giao dịch ve chai" độc đáo này, chủ phiên chợ ve chai, anh Trần Khắc Dũng, cũng là một tay mê đồ cũ chia sẻ: “Có những món đồ đối với người này là không còn giá trị sử dụng nhưng với người khác thì nó là vô giá. Nếu người cũ không còn sử dụng được món đồ của mình mà vứt đi thì thật là lãng phí thay vì tìm cho nó một người chủ mới.
Và cái lợi của việc chia sẻ món đồ cũ còn nằm ở chỗ, biết đâu đến lúc nào đấy, món đồ ve chai của bạn sẽ bén duyên gặp gỡ những món đồ thuộc “họ hàng” bị lạc nhau lâu ngày, và khi ấy thì giá trị của những món đồ mới thật sự thăng hoa”.
Chợ Sài Gòn "ve chai" được phân ra nhiều không gian trưng bày và bán hàng ký gửi, từ xe mô tô, ô tô cổ; nhạc cụ, máy ảnh, máy quạt, loa, ampli cho đến tranh, đèn, túi da, đồng hồ các loại từ treo tường, để bàn đến đeo tay.
Mỗi một món đồ được bán đều được chủ nhân thuyết trình về giá trị lịch sử, nguồn gốc của các chi tiết trên món đồ của mình, đồng thời giải đáp thắc mắc của người xem. Cũng có khi, người xem bổ sung thông tin ngược lại cho chủ sở hữu món đồ, nên tất cả đều có cơ hội học hỏi lẫn nhau để nâng cấp “level” cũng như hiểu biết thêm về thế giới “ve chai” cổ.
Thú chơi độc đáo
Cứ khoảng mươi phút lại có một nhóm khách mới đến quán. Khách quen có, khách mới đến lần đầu cũng có, người trong thành phố, khách ở các tỉnh, Việt kiều, và cả người nước ngoài. “Thói quen đến đây giống như một thứ nghiện.
Có khi cũng không tha về nhà được món nào nhưng có thể mang về nhiều kiến thức khác nhau về các món hàng cổ lỗ sĩ, chung quy cũng là phục vụ cái thú chơi ve chai”, một khách đến chợ này chia sẻ.
Mỗi người đến chợ đều mong tìm được một món đồ cũ nào đó mang về. Cũng có người đến đây chỉ để tìm mua một chiếc đèn hay một cái pugi cho chiếc xe cũ của mình.
Khách quen có, khách mới đến lần đầu cũng có, người trong thành phố, khách ở các tỉnh, Việt kiều, và cả người nước ngoài. |
Anh Dũng kể, có thành viên rất thích sưu tầm đồng hồ, và đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm; thậm chí nghe tin chiếc đồng hồ cần tìm hiện có ở tận Nam Mỹ, là ngay lập tức mua vé máy bay lên đường săn lùng cho bằng được.
Anh Dũng bộc bạch: “Những món đồ xưa dù là hàng ve chai nhưng cũng mang lại những kỷ niệm, những giá trị lịch sử”. Với anh Dũng mỗi chiếc xe cổ đều mang cả một câu chuyện, gắn với mỗi thời đoạn lịch sử, có khi là thân phận của một con người.
Bất kì món đồ nào trong chợ Sài Gòn ve chai đều có lý lịch. |
Chợ ve chai của anh Dũng còn tập hợp nhiều chuyên gia sưu tầm đồ cổ có "máu mặt". Bất cứ ai cũng có thể nhờ họ giúp thẩm định giá trị của những loại đồ dùng xưa cũ mà mình đang sở hữu, đồng thời tìm kiếm giúp thông tin về món đồ cần tìm.
Hỏi về mô tô 3 bánh, có thể tìm gặp anh Võ Văn Minh, người có thâm niên trên dưới 30 năm sưu tầm về xe mô tô cổ; còn hỏi về những chiếc quạt sắt, hãy tìm anh Nguyễn Thanh Bình;…Với vai trò của người quản lý, đích thân anh Dũng còn phải thẩm định bước một về chất lượng món hàng, uy tín của thành viên tham gia.
Vì những giá trị về văn hóa và tinh thần mà chợ ve chai đang dần khẳng định giá trị của mình trong lòng những người yêu thích đồ cổ. Phiên chợ không cần sự cạnh tranh, quảng cáo nhưng lại nổi tiếng như một sân chơi mở bổ ích và thiết thực, làm đẹp cho nét văn hóa của người Sài Gòn.