Cận cảnh công nghệ 'giẫm chân' sản xuất miến
Đôi chân trần vừa đi trên đất những người làm miến Cự Đà không ngại ngần quần xéo, giẫm lên những sợi miến. Họ giải thích: “Làm thế để miến dẻo hơn”.
Tóm tắt:
- Tại làng miến Cự Đà, thuộc xã Cự Khê, Huyện Thanh Oai, Hà Nội, miến được phơi ở gần rãnh nước bẩn, ngoài đường, giẫm chân trần... rất mất vệ sinh.
- Làm thế nào để vừa phát triển làng nghề, vừa bảo đảm được mặt bằng, cơ sở sản xuất vẫn là lời bỏ ngỏ ở Cự Đà?
Tận dụng mọi khoảng trống để phơi miến
Làng Cự Đà, thuộc xã Cự Khê, Huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội từ lâu nổi tiếng với nghề làm miến. Bên cạnh sự nổi tiếng ấy làng miến cũng đang đứng trước nguy cơ đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Miến được phơi la liệt ở bên cạnh đường tàu, gần bờ ao, khu nghĩa trang thậm chí có những phên sau khi được gỡ miến xuống nhiều hộ dân còn phơi luôn quần áo sinh hoạt của họ trên đó. Thế là miến và “ dây phơi quần áo” là “ hai trong một”.
Theo chị Y., một người dân cho biết: “Khối lượng miến sản xuất ra 1 ngày trung bình từ 1,5 – 1,7 tấn, số lượng nhiều nên không đủ mặt bằng để phơi miến. Vì thế bà con tận dụng được chỗ nào thì hay chỗ đó. Đây cũng là bất cập lớn mà làng nghề đang mắc phải”.
Phên miến phơi cạnh cống rãnh rất ô nhiễm
Dạo quanh các cơ sở sản xuất miến, ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi bị ám ảnh là mùi chua chua, ngai ngái từ những bể bột dong riềng bốc lên tại các xưởng. Chưa kể mùi hôi thối lẫn với mùi xú uế bốc lên từ những cống rãnh đen ngòm do ứ đọng chất thải nhiều ngày mà không có hệ thống xử lý cũng như không có nắp đậy.
Theo chân một người quen, chúng tôi có dịp tiếp cận đến một số xưởng làm miến. Đầu giờ chiều nên không khí làm việc nơi đây khá tất bật. Phia ngoài xưởng, mấy thanh niên trạc 23, 24 tuổi đang xếp những bánh tráng to thành từng chồng để chuyển vào trong cho các chị thái miến. Bên trong, tại mỗi xưởng lại có từ 4 – 5 thùng phuy to, do không được vệ sinh nên xuất hiện nhiều vết gỉ, trên thành có những mảng đen vón cục.
Đi cùng với một người dân trong làng nên có lẽ những người làm ở các cơ sở sản xuất không đề phòng chúng tôi. Họ vẫn cứ tiếp tục với công đoạn chế biến miến. Kéo lê từng mảng bánh đa từ ngoài ngõ vào nhà, cắt thành từng đoạn dài rồi dùng máy cắt miến thành sợi. Cách đó không xa một người phụ nữ bê nguyên đôi chân đang đi dép giẫm mạnh lên đống miến, vần qua vần lại một lúc rồi sau đó mới bó thành những bó nhỏ.
Không dụng cụ bảo vệ, những người thợ ra sức dùng chân giẫm miến. Những hình ảnh trong công đoạn làm miến tại làng miến khiến người xem không khỏi rùng mình.
Khách thích màu gì chiều màu đó
Khi đến làng miến, chúng tôi thực sự tò mò và có chút ngạc nhiên vì màu miến nơi đây không giống với loại vẫn ăn. Miến có màu vàng ruộm.
Một chủ xưởng miến trong làng cho biết, công đoạn làm miến cũng hơi phức tạp. Nguyên liệu từ bột củ dong riềng được lấy nguồn từ các tỉnh như: Sơn La, Lai Châu, Mộc Châu. Đầu tiên bột dong riềng được ngâm nước từ 5 – 6 tiếng, gạn đi gạn lại rồi vớt lấy tinh bột . Sở dĩ miến có màu vàng là do được nhuộm bằng mật mía. Sau khi đun đen và sánh giống kẹo đắng sẽ hòa với nước và đổ vào bột, khuấy đều lên rồi chế biến thành miến.
Cũng theo chị Y.: "Màu miến tùy theo thị hiếu của khách hàng, ai thích màu gì thì mình tạo ra màu đó chứ nhà lò không quyết định. Có người thích màu vàng sẽ có màu vàng, màu xanh có màu xanh và muốn để nguyên màu ban đầu là màu xám cũng sẽ đáp ứng được nhu cầu”.
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở làng miến Cự Đà thực sự đáng lo ngại. Làm thế nào để vừa phát triển làng nghề, vừa bảo đảm được mặt bằng, cơ sở sản xuất vẫn là lời bỏ ngỏ mà Cự Đà đang tìm cách giải quyết.
Theo tiến sĩ Lâm Văn Mân - Trưởng phòng Nghiên cứu, phát triển và Chuyển giao công nghệ, Viện An toàn thực phẩm: Để phân biệt giữa miến “sạch” và miến không nhiễm hóa chất rất khó nếu không đưa mẫu đi phân tích. Với người tiêu dùng cách nhận biết chủ yếu do cảm quan. Thứ nhất, nếu miến nguyên chất có màu xám đậm. Không nên chọn những miến có màu trắng quá vì trên thị trường có một số loại miến sử dụng hóa chất để tẩy rửa. Thứ hai, khi ăn miến nếu miến nhiễm hàn the sẽ dai hơn so với miến bình thường.
>> Bên trong lò sản xuất cà phê siêu bẩn
Theo Tuệ Linh