“Bẫy” mỹ phẩm trên mạng
03/05/2013 09:39 AM
|
Chỉ cần tạo 1 tài khoản Facebook, đưa hình các cô gái xinh đẹp lên là người bán vô tư quảng cáo rao bán kem trộn tẩy trắng toàn thân
Gần đây, dịch vụ bán mỹ phẩm, nhất là kem trộn, trên online thu hút lượng người tiêu dùng rất lớn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi cho thấy thị trường này đầy rủi ro cho người mua do việc kiểm soát chất lượng những loại mỹ phẩm làm đẹp da này đang bị bỏ ngỏ và nhiều người sử dụng đã bị biến chứng mà chẳng biết kêu ai.
Bán hàng giá trên trời
Chỉ cần vài cú nhấp chuột là hiện lên vô số các gian hàng trên mạng của các cô nàng xinh đẹp tự chụp hình để giới thiệu mỹ phẩm. Các người đẹp này đều bán kem trộn làm đẹp, tắm trắng, dưỡng da toàn thân... Họ thường giới thiệu hình ảnh trước và sau khi dùng kem để chứng minh tính hiệu quả, kèm những lời rao: “Các chị đã dùng thử kem này chưa, em chắc các chị dùng là trắng ngay vì kem của em được làm bằng công nghệ hiện đại của Ý”, lúc lại quả quyết: “Hàng của em là hàng độc quyền không có trên thị trường đâu nhé! Công nghệ dưỡng trắng được pha chế với bí quyết riêng, không ngứa, không bị mẩn đỏ...”.
Nhiều trường hợp còn ngang nhiên ăn theo những người nổi tiếng kiểu: “Ngọc Trinh toàn lấy hàng từ em không đó, các chị thấy cô ấy dùng kem của em bao năm nay kết quả thế nào thì đã rõ...”...
Để câu khách, họ còn tạo ra các bình luận (comment), kiểu như: “Dùng kem trắng da thấy rất tốt vì bản thân dù da dầu nhạy cảm nhưng bôi 2 lần/ngày thì chỉ sau 1 tháng, kết quả trắng sáng đến bất ngờ”. Có comment còn nói đã mua loại kem trộn này gửi cho người thân tận bên Mỹ, Úc và bên đó ai dùng cũng thấy tác dụng tốt (?!)...
Khảo sát giá tại các gian hàng này, chúng tôi không khỏi bất ngờ, dù chỉ là kem trộn nhưng giá không hề rẻ. Một hũ kem dưỡng trắng da toàn thân chỉ bằng hũ yaourt với trọng lượng từ 45- 50 g được “hét” giá từ 500.000 - 600.000 đồng; kem tắm trắng có giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng/hũ, thuốc bắc đắp mặt giá 500.000 đồng đến 700.000 đồng/hũ. Đặc biệt, một hũ kem lột trọn gói có giá từ 3 triệu đến 5 triệu đồng...
Toàn hóa chất độc hại
Các loại kem trộn đang được rao bán tràn lan thường chỉ là một loại bột nhão màu vàng mơ, không hề ghi nguồn gốc, thành phần. Mặc dù người bán cam đoan làm từ các loại thảo dược, hương tự nhiên… nhưng thực chất là được pha trộn từ các loại hóa chất. Một người từng bán loại hàng này tiết lộ “công nghệ” sản xuất loại mỹ phẩm ai cũng có thể làm được. Chỉ cần có công thức pha trộn các hóa chất rồi dùng máy đánh trứng đánh thật đều, sau đó cho vào hũ nhựa, đóng nắp là có thể rao bán...
Theo giới chuyên môn, thành phần chính của các loại kem này thường là chất tẩy màu tóc (có chứa chất hydrogen peroxide). Đây là loại hóa chất có tính ôxy hóa cao và tẩy cực mạnh. Ngoài ra, một thành phần khác không thể thiếu trong kem trộn là chất corticoid. Chất này không những bào mòn mà còn là tác nhân chính gây teo da được chống chỉ định trong các thành phần mỹ phẩm... Các hóa chất này kết hợp với nhau sẽ làm tiêu hủy lớp sừng ở tầng thượng bì, làm lộ lớp da non trắng sáng. Tuy nhiên, do khả năng tẩy trắng quá mạnh nên nhiều người sử dụng bị phỏng rộp, nhiễm trùng da. Thậm chí bị tức ngực, buồn nôn; về lâu dài có thể bị suy thận, suy gan, tiềm ẩn nguy cơ ung thư da...
Một bác sĩ da liễu tại TPHCM cho biết việc các cô gái đẹp tham gia bán mỹ phẩm trên mạng đã thu hút được một số lượng khá lớn người tiêu dùng có nhu cầu làm đẹp, nhất là các chị em ít có điều kiện tiếp xúc với các thông tin. Họ chỉ đơn giản thấy quảng cáo đẹp như cô A., cô B. là dùng ngay không chút đắn đo. Chỉ đến khi da bị biến chứng mới vội vã đến các cơ sở y tế thì đã quá muộn. Đối với người bán, do không bị quản lý, kiểm tra nên mặc sức “thổi phồng” sản phẩm, bán hàng xong là phủi tay.
Lừa được nhiều người
Một bác sĩ da liễu tại TPHCM cho biết việc các cô gái đẹp tham gia bán mỹ phẩm trên mạng đã thu hút được một số lượng khá lớn người tiêu dùng có nhu cầu làm đẹp, nhất là các chị em ít có điều kiện tiếp xúc với các thông tin. Họ chỉ đơn giản thấy quảng cáo đẹp như cô A., cô B. là dùng ngay không chút đắn đo. Chỉ đến khi da bị biến chứng mới vội vã đến các cơ sở y tế thì đã quá muộn. Đối với người bán, do không bị quản lý, kiểm tra nên mặc sức “thổi phồng” sản phẩm, bán hàng xong là phủi tay.
Theo Ngọc Mai
Theo Người Lao Động
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!