Ai ăn 200.000 tấn vải thiều?
Vải thiều tại miền Bắc đang vào mùa chín rộ. Khác với mọi năm, năm nay thị trường chính tiêu thụ vải thiều là trong nước.
Ông Vũ Đình Phượng, phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 32.000ha trồng vải với sản lượng khoảng hơn 140.000 tấn quả tươi. “Chúng tôi xác định khoảng 60% sản lượng sẽ được tiêu thụ ở thị trường nội địa”, ông Phượng cho biết.
Thời điểm này cũng đang là chính vụ thu hoạch vải thiều tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Quả vải vào lúc thu hoạch, từng xe ùn ùn kéo về đầu mối thu mua tại Chợ Lại, xã Thanh Thuỷ.Cách để chuyển vải thiều Thanh Hà vào trong thị trường phía Nam là vải thiều được đóng vào các thùng xốp, xếp trên xe tải. Trên xe cũng được để sẵn các tảng đá lạnh lớn làm giảm nhiệt độ trong khoang chở hàng, vì thế vải thiều có độ tươi lâu hơn, từ 7-8 ngày kịp tiêu thụ ở trong Nam.
Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, vải thiều Thanh Hà chủ yếu được tiêu thụ trong nước. Mùa vải năm 2013 chỉ có khoảng 20% sản lượng vải thiều ở đây được xuất khẩu qua Trung Quốc, năm nay có thể tỷ lệ này sẽ giảm hơn. Theo sở Công thương tỉnh Bắc Giang, dự kiến với 40% sản lượng xuất khẩu, năm nay sẽ có khoảng 56.000 tấn vải thiều được xuất khẩu sang các nước.
Không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện nay có một lượng nhỏ vải thiều tươi được xuất khẩu sang một số nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và chế biến xuất khẩu sang châu Âu.
Theo ông Đinh Cao Khuê, phó tổng giám đốc tổng công ty Rau quả Việt Nam, năm nay tổng công ty sẽ xuất khẩu khoảng 3.000 tấn vải thiều sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, quả vải xuất khẩu sang các thị trường này phải đạt tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Ngô Tiến Dũng, phó cục trưởng cục Bảo vệ thực vật (bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dự kiến tới năm 2015 sẽ mở được cửa xuất khẩu vải thiều sang thị trường Úc, Mỹ, do cơ quan này đang đàm phán để tháo gỡ những rào cản kỹ thuật.