Thưởng trăm triệu đô cho người tố cáo tiêu cực

18/08/2013 12:36 PM |

Nội dung nổi bật:

- Anh Bradley Birkenfeld ở Masachussetts, Mỹ tố cáo ngân hàng UBS giúp khách trốn thuế, được thưởng tương đương 2.143 tỷ VNĐ;

- Ông Jim Anderson, cũng ở Mỹ, tố cáo hãng dịch vụ y tế Columbia/HCA gian lận bảo hiểm, được thưởng tương đương 1.432 tỷ VNĐ;

- Chị Cheryl Eckard tố cáo hãng dược GlaxoSmithKline sản xuất và bán thuốc không bảo đảm chất lượng, được thưởng tương đương 1.854 tỷ VNĐ; và

- Chị Hoàng Thị Nguyệt tố cáo Bệnh viện Hoài Đức nhân bản kết quả xét nghiệm, được thưởng 350 ngàn VNĐ, và một bằng khen.


Khi mà vụ việc chị Hoàng Thị Nguyệt tố cáo bệnh viện Hoài Đức nhân bản kết quả xét nghiệm có hệ thống còn đang nóng hổi thì dư luận lại một lần dậy sóng sau khi người y tá dũng cảm này chỉ được ngành y tế Hà Nội thưởng ... 350.000đ. Bình luận trên một tờ báo lớn, có nhà báo so sánh số tiền này "chưa bằng một cái phong bì dự họp".

Đau xót hơn, phần thưởng này là hoàn toàn ... đúng luật. Thực vậy, theo nghị định hướng dẫn Luật Thi đua khen thưởng, trường hợp của chị Nguyệt sẽ được thưởng 0,3 lần mức lương tối thiếu (1,05 triệu đồng/tháng), tức 315.000đ. Sở Y tế Hà Nội đã làm tròn lên thành 350.000đ, âu cũng đã là "vượt khung" (!?)

Hãy xem người Mỹ hậu đãi những nhân viên bình thường dám phanh phui tiêu cực tại chính đon vị mình như thế nào.

Bradley Birkenfeld tố cáo ngân hàng UBS: thưởng 104 triệu USD (2.143 tỷ đồng theo tỷ giá năm 2012)

Bradley Birkenfeld sinh năm 1965, vốn là cựu nhân viên người Mỹ của ngân hàng Thụy Sĩ UBS.

Khi còn đương chức, Birkenfeld phát hiện thấy UBS đã sử dụng những tài khoản bí mật tại Thụy Sĩ và các chiêu lách cơ quan thuế nhằm lôi kéo các khách hàng giàu có từ Mỹ đầu tư vào ngân hàng này. Năm 2005, Birkenfeld đã nghỉ việc tại UBS và phản ánh những vi phạm này với bộ phận tư pháp của UBS tuy nhiên không nhận được lời phản hồi nào.

Năm 2007, ông đã cung cấp nhiều thông tin về việc trốn thuế của UBS cho Bộ tư pháp Hoa Kỳ. Tháng 2 năm 2009, UBS phải trả 780 triệu USD đề dàn xếp vụ này đồng thời thừa nhận hỗ trợ cho 17.000 khách hàng trốn thuế nhờ việc sử dụng các tài khoản nước ngoài từ năm 2000 đến 2007.

Tháng 9 năm 2012, Cơ quan thuế IRS trao thưởng cho Birkenfeld số tiền 104 triệu USD vì có công phanh phui sai phạm của UBS. Đây được xem là số tiền thưởng lớn nhất cho việc tố cáo tiêu cực trong lịch sử thế giới. Sở dĩ Birkenfeld nhận được khoản tiền lớn như vậy vì luật lệ Mỹ quy định người tiết lộ sẽ được thưởng khoảng 30% số tiền thu hồi được nhờ những thông tin họ cung cấp.

John Kopchinski tố cáo hãng dược phẩm Pfizer: 102 triệu USD (1.790 tỉ đồng theo tỷ giá năm 2009)

John Kopchinski vốn là cựu binh tham gia chiến tranh vùng Vịnh, sau này ông làm nhân viên bán hàng của hãng dược phẩm Pfizer. Năm 2003, Kopchinski tố cáo Pfizer bán loại thuốc chống động kinh Bextra và 12 loại thuốc khác theo liều lượng và công dụng ngoài danh mục cho phép.

John Kopchinski cho biết: “Ở trong quân đội, tôi được dạy rằng sẽ bảo vệ mọi người bằng mọi giá. Còn tại Pfizer, tôi được chỉ rằng phải tăng lợi nhuận bằng mọi giá kể cả việc bán hàng đồng nghĩa với gây nguy hiểm cho người khác. Tôi không thể làm điều đó.”

Sau 6 năm Kopchinski ròng rã chống lại Pfizer, năm 2009 hãng dược phẩm này đã chấp nhận nộp phạt 2,3 tỉ USD cho cơ quan y dược Mỹ. Án phạt này gồm cả án phạt hình sự và dân sự liên quan đến cáo buộc Pfizer đã hối lộ các y bác sĩ để họ kê toa dùng thuốc của hãng này. Đây là vụ nộp phạt lớn nhất trong ngành y dược Mỹ.

Kopchinski và 5 người tố cáo khác được chính phủ Mỹ thưởng 102 triệu USD theo đạo luật tố cáo hành vi sai phạm của doanh nghiệp.

Jim Alderson tố cáo công ty chăm sóc sức khỏe Columbia/HCA: 100 triệu USD (1.432 tỉ đồng theo tỷ giá năm 2000)

Alderson từng là kế toán của công ty HCA tuy nhiên sau đó ông bị sa thải khi phát hiện những sai phạm của công ty này. Năm 1998, Alderson tố cáo công ty này gian lận trong việc kê chi trả bảo hiểm của chính phủ Mỹ.

Theo bằng chứng của Alderson cho thấy HCA kê khống 1,7 tỉ USD tiền bảo hiểm đối với 2 cơ quan Medicare (bảo hiểm của chính phủ cho người già) và Medicaid (bảo hiểm chính phủ cho người nghèo) và các chương trình bảo hiểm khác trong những năm cuối 1980s.

Tháng 12 năm 2000, chính phủ Mỹ đã thu hồi được số tiền gian lận 1,7 tỉ USD từ HCA đồng thời công ty này phải nộp phạt hơn 800 triệu USD cho những hành vi phạm pháp của mình.

Alderson và John Schilling - cựu chuyên viên bồi thường của Columbia/HCA nhận được khoản tiền 100 triệu USD từ chính phủ Mỹ, ngoài ra Alderson còn được nhận riêng khoảng 20 triệu USD tiền thưởng khác.

Cheryl Eckard tố cáo tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK): 96 triệu USD (1.854 tỉ đồng theo tỷ giá năm 2010)

Cheryl Eckard là cựu quản lý chất lượng tại tập đoàn GlaxoSmithKline. Tháng 7 năm 2002, Eckard gửi thư cảnh báo sau khi phát hiện ra những vi phạm nghiêm trọng tại nhà máy Cidra thuộc Puerto Rico và việc che đậy của tập đoàn GSK tại đây cho quan chức y tế Mỹ.

Những chứng cứ của bà cho thấy, các nhân viên của GSK tại Cindra đã nói dối Ủy ban quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Eckard tin rằng giám đốc điều hành của GSK đã từ chối thừa nhận những vi phạm trong thư cảnh báo vì FDA sẽ không chấp thuận cho hai sản phẩm mới điều trị tiểu đường và nhiễm trùng phôi gồm : Avandamet và Factive.

Sau 8 năm chiến đấu, tháng 10năm 2010 tập đoàn dược phẩm này buộc phải nộp 750 triệu USD tiền phạt dân sự và hình sự cho việc sản xuất và bán thuốc không bảo đảm.

Cheryl Eckard nhận được 96 triệu USD tiền thưởng từ chính phủ Mỹ cho việc tố cáo của mình.

Kim Thủy

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM