Những “bộ lạc” toàn cầu

17/03/2011 21:26 PM |

Điểm chung giữa người giàu nhất thế giới, người giàu nhất Ấn Độ và hai nhà sáng lập Baidu là: họ đều là kiều dân.

Bài viết này nằm trong chuỗi Báo cáo đặc biệt của tờ The Economist về giới lãnh đạo toàn cầu.
 

Kỳ trước: “Cũng Havard ra à? Hồi xưa mình cũng thế!”

Hàng triệu người Ấn không thể chứng minh mình tồn tại. Họ không có giấy khai sinh, giấy phép lái xe, không số an sinh xã hội. Vì thế họ khó mở được tài khoản ngân hàng, vay tiền hay sử dụng các dịch vụ từ chính phủ.

Tỷ phú phần mềm Ấn Độ Nandan Nilekani tình nguyện tặng 1,2 tỷ đồng bào mình mỗi người một số căn cước gắn liền với dữ liệu sinh trắc học. Chính phủ Ấn Độ coi đây là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng vẫn tồn tại một khó khăn.

Cơ sở dữ liệu dự kiến lớn gấp 10 lần cơ sở dữ liệu sinh trắc học lớn nhất hiện có. Một nước nghèo sao xây dựng nổi nó?

Nilekani tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng người Ấn. Ông kêu gọi những người gốc Ấn từng thành công ở Thung lũng Silicon. Sau đó họ kêu gọi bạn bè và giục họ gia nhập.

Người Ấn hải ngoại có rất nhiều kinh nghiệm hữu ích. Raj Mashruwala từng giúp xây dựng hệ thống khớp lệnh cho SGDCK New York. Srikanth Nadhamini từng giúp thành lập công ty IT về y tế Healtheon.

Cả đội tập hợp ở Bangalore, treo lên một chiếc bảng trắng trong một căn hộ đi thuê và bắt đầu suy nghĩ.

Chương trình trên đi từ khởi động đến triển khai chỉ trong hơn một năm, với đợt số căn cước đầu tiên phân phát vào tháng 10/2010.

Nếu mọi thứ theo đúng kế hoạch, lần đầu tiên người nghèo Ấn Độ sẽ có thể chứng minh được mình là ai, nhờ đó mà giúp họ tăng độ khả tín của mình.

Nadhamuni nghĩ mọi loại dịch vụ đều có thể gắn liền với hệ thống nhận dạng này.

Một lao động nhập cư không có tài khoản ngân hàng sẽ có thể gửi tiền về cho mẹ với số căn cước của bà. Mẹ anh có thể nhận tiền mặt tại một cửa hàng tại địa phương có máy scan vân tay cỡ nhỏ.

Chủ cửa hàng thu một khoản phí dịch vụ nhỏ. Dân làng không còn phải mất cả ngày dài đi bộ tới ngân hàng ở thị trấn gần nhất.

Người mình cả …

Những ngoại kiều thông minh hiếm khi quên đi gốc gác. Kể cả những người có tư duy toàn cầu nhất cũng cảm thấy thân quen với những người cùng chung ngôn ngữ, văn hóa và di sản.

Đó là lý do vì sao mạng lưới ngoại kiều lại mạnh mẽ đến thế và vì sao nhiều nhân vật giàu ảnh hưởng nhất thế giới lại phụ thuộc vào nó nhiều đến thế.

Một số cộng đồng rất lớn và có mặt ở khắp mọi nơi. Ví dụ như ước tính có 25 triệu Ấn kiều và 60 triệu Hoa kiều, bao gồm một số lượng đáng kể tại gần như mọi quốc gia. Họ tạo ra một mạng lưới kiều dân xuyên biên giới.

Theo William Kerr từ Trường kinh doanh Havard, giới nghiên cứu thường trích dẫn nghiên cứu của những người cùng chủng tộc với mình nhiều hơn 30-50%. Cộng đồng kiều dân tăng tốc độ chu chuyển thông tin và là mạch máu của khoa học và thương mại.

Họ còn giúp củng cố niềm tin.

Một thương nhân Li-băng ở Tây Phi có thể cảm thấy an toàn khi làm ăn với một thương nhân Li-băng ở Mỹ Latin vì bạn thời cấp 3 của một người biết gia đình bên vợ của người kia ở Beirut.

Điều đó có nghĩa họ có thể ký các thỏa thuận lớn chỉ bằng một cuộc gọi. Nếu một người có gian lận, người đó sẽ bị tẩy chay trên toàn mạng lưới buôn bán của kiều dân Li-băng.

Đúng tôi rồi. Cho tôi vay tiền nào.

Mạng lưới kiều dân

Mạng lưới kiều dân thống trị thương mại ở nhiều nơi trên thế giới: người Ấn ở Đông Phi và một phần Caribbean, người Hoa ở Đông Nam Á, v.v… Rất nhiều thương nhân nổi tiếng xuất thân từ các gia đình nhập cư.

Người giàu nhất thế giới Carlos Slim là người Li-băng – Mexico. Người giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani sinh ra tại nơi mà nay là Yemen. Eric Li và Robin Xu, hai nhà sáng lập Baidu, từng làm việc ở Mỹ.

Người nhập cư tạo thành cầu nối giữa quốc gia nơi họ sống và nơi họ xuất thân.

Điều này đặc biệt chính xác với Hoa kiều (bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan), những người đóng góp 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc. Họ có 3 lợi thế: ngôn ngữ, văn hóa và “quan hệ”.

Doanh nhân Hoa-Mỹ Mei Xu rời Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn. Cô từng là sinh viên tại Bắc Kinh nhưng vì nhiều lý do nên bị phân công một công việc buồn tẻ trong một nhà kho ở nơi hẻo lánh.

Cô nhập cư vào Mỹ nhưng vẫn duy trì liên lạc với Trung Quốc. Cô bắt đầu kinh doanh cùng chồng mình là anh David Wang.

Cô hỏi bạn bè ở Trung Quốc giúp kiếm sản phẩm nào của nước mình có thể bán tốt ở Mỹ và cuối cùng chọn nến thơm mỹ thuật. Năm 1995, cô thuyết phục chị gái mình mở một nhà máy tại Hàng Châu để cung cấp chúng.

Nến rất được ưa chuộng. Chuỗi cửa hàng Target đặt mua 2 triệu đôla rồi sau đó tăng đơn hàng lên gấp 4. Nhà máy không thể giao nổi.

Với chỉ 2 tháng trước đợt mua hàng Giáng sinh, Xu phải tìm thêm nguồn cung ở đâu đó tại Trung Quốc. Cô đã làm được nhưng chỉ vừa vặn về thời gian nhờ gọi tất cả các mối quen của mình.

“Ai không biết gì ở Trung Quốc không thể nào làm được điều đó,” cô nói. Công ty Pacific Trade International của cô nay có doanh số hàng năm khoảng 100 triệu đôla.

Kể cả một ngành kỹ thuật thấp như làm nến cũng phát triển nhanh chóng. Chuỗi cung của Xu nay đã trở thành “đa quốc gia”. Phần lớn thiết kế ý tưởng đều được làm ở Mỹ, thiết kế chi tiết ở Trung Quốc còn nến được làm ở Việt Nam.

Công ty cũng có một nhà máy ở Maryland để thỏa mãn nhu cầu cho các khách hàng không thích chờ đợi. Trung Quốc không còn chỉ là nơi cung cấp lao động giá rẻ nữa, Xu nói. Thị trường nơi đây đang bùng nổ và các ý tưởng nảy sinh từ đó ngày càng nhiều.

Các nghiên cứu về lãnh đạo doanh nghiệp thường nhấn mạnh tới tầm nhìn, động lực và sự nhẫn tâm của họ. Những đức tính ấy quan trọng nhưng thành viên trong tầng lớp tinh hoa toàn cầu cũng là con người.

Sajjid Chinoy, một nhà kinh tế tại JPMorgan Mumbai, trở về Ấn Độ sau 15 năm sống tại Mỹ. Người ngoài có thể nghĩ anh trở về vì kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh hơn Mỹ, tạo ra vô số cơ hội cho những trí thức trẻ tài năng.

Thực tế, anh trở về vì ông anh trai mới bị tai nạn xe hơi rất nặng. “Thường là vì gia đình thôi,” anh nói.

Kỳ cuối: Những nhà nghiên cứu điên khùng
 
Minh Tuấn
Theo Economist

duchai

Cùng chuyên mục
XEM