Kenneth Jacobs: “Trùm bảo thủ” trên Phố Wall

10/05/2011 09:59 AM |

Lazard của ông vẫn trung thành với những nghiệp vụ truyền thống của một ngân hàng đầu tư, dù có vì thế mà không được như Goldman Sachs, nhưng ít ra cũng không phải chịu số phận của Lehman Brothers.

Văn phòng ốp gỗ của Kenneth Jacobs tọa lạc trên tầng 62 tòa nhà 30 Rockefeller Plaza. Nơi đây từng là lãnh địa của Michel David Weill, vị Chủ tịch nghiện xì gà của ngân hàng đầu tư Lazard trong suốt ba thập kỷ. Nay tàn thuốc không còn vương trên thảm mà thay vào đó là một chiếc túi tập thể thao.

Một năm đã trôi qua kể từ khi Jacobs lên thay Bruce Wasserstein trong vai trò người đứng đầu Lazard. Nhà thương thuyết lão luyện này đã đột tử hồi tháng 10/2009. Dù không thay đổi chiến lược kinh doanh đã được vạch ra từ thời Messrs David-Weill và Wasserstein, nhưng Jacobs, người đàn ông với khuôn mặt góc cạnh và thân hình cao 6ft-3in (1m9), lại chẳng có mấy điểm chung cả hai người đó cả về vẻ ngoài lẫn phong cách.

Quả thực không quá khó để hình dung Jacobs đã từng là một cầu thủ bóng rổ cách đây hơn 30 năm về trước khi ông còn là một cậu bé với cánh tay dài ưa gây gổ sống ở vùng ngoại ô Hartsdale của New York nhưng lại từng được vinh danh ở tất cả các lớp học tại Đại học Chicago.

Sự hăng say luyện tập của ông đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí John Angelus - huấn luyện viên một thời của ông. Ông Angelus, giờ đã nghỉ hưu, nhớ lại: “Kenny đã tập luyện rất chăm chỉ. Anh ấy đã từng chơi bóng trên khắp các đường phố của New York, nơi người ta nói “xin lỗi” khi phạm lỗi. Anh ấy chơi bóng cùng những đứa trẻ luôn muốn đánh bại anh ta.”

Trên phố Wall sôi động và nghiệt ngã, nổi tiếng với những chứng khoán phức tạp và các tổ chức tài chính kềnh càng nay bị coi là “quá lớn để đổ vỡ”, Lazard vẫn trung thành với sự đơn giản và nhỏ bé.

Ngồi tựa lưng thoải mái trên chiếc ghế phía sau bàn họp, Jacobs tự hào khẳng định: “Lazard là một trong hai doanh nghiệp tốt nhất trong hai mảng dịch vụ tài chính: quản lý tài sản và tư vấn tài chính. Chúng tôi cạnh tranh bằng một tài sản duy nhất: nguồn lực con người.”

Không lâu trước đây, sự gắn bó đến cố chấp của Lazard với mô hình kinh doanh của mình khiến giới ngân hàng đầu tư phải lắc đầu ngán ngẩm. Đi tiên phong trong tư vấn mua bán và sáp nhập thời kì những năm 1970 và 1980, Lazard tự hào sở hữu những nhà ngân hàng nổi tiếng như Felix Rohatyn và một danh sách khách hàng không có địch thủ nào sánh được.

Trong khi những đối thủ cạnh tranh lâu dài như Morgan Stanley và Goldman Sachs thổi phồng bảng cân đối kế toán, phát hành cổ phiếu ra công chúng và đổ tiền vào giao dịch mọi thứ từ hàng hóa cơ bản cho đến những hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng, thì Lazard vẫn kinh doanh như trước.

Ngay cả bây giờ, khi khủng hoảng tài chính đã qua đi và các ngân hàng phải đấu tranh với những yêu cầu về vốn cao hơn cùng sự điều tiết chặt chẽ hơn, thì việc Lazard thiếu các nghiệp vụ cho vay và giao dịch vẫn hạn chế phạm vi hoạt động của ngân hàng.

Năm nay, theo thống kê của công ty tư vấn quốc tế Dealogic, Lazard không nằm trong top 15 ngân hàng lớn nhất xét theo tổng doanh thu từ hoạt động đầu tư, và cũng chỉ xếp thứ 9 về phí M&A.

Lý lịch trích ngang

Nơi sinh: White Plains, New York, lớn lên ở vùng ngoại ô Hartsdale

Ngày sinh: 12/9/1958

Học tập: Đại học Chicago; Đại học kinh doanh Standford

Sự nghiệp: 1984: làm việc cho Goldman Sachs

1988: gia nhập Lazard

1991: trở thành thành viên hợp danh của Lazard

1999: đồng Giám đốc bộ phận M&A, tham gia hội đồng điều hành ngân hàng

2002: được giao phụ trách khu vực Bắc Mỹ và bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch.

11/2009: lên làm Chủ tịch và CEO Lazard.

Gia đình: kết hôn với nhà sản xuất phim Agnes Mentre và có 3 người con.

Sở thích: Đọc sách, trượt tuyết, bóng rổ và công nghệ.

“Lazard đã có thể giống như Goldman”, một cựu nhân viên ngân hàng buồn bã thở dài khi nhắc tới những khoản lợi nhuận và lương thưởng hàng năm hấp dẫn mà bộ phận giao dịch của công ty đối thủ đã thu về trong hai thập niên vừa qua.

Nhưng Lazard cũng có thể giống như Lehman Brothers, một công ty chứng khoán đáng kính khác cũng đã đi theo con đường tương tự Goldman Sachs để có lợi nhuận cao. Lehman cũng đã làm ăn rất hiệu quả- cho đến khi sụp đổ ngoạn mục hồi tháng 9/2008.

Nói về con đường mà ngân hàng đã chọn, Jacobs khẳng định: “Tôi không nghĩ rằng bất kì ai đã từng làm việc ở Lazard sẽ phải hối tiếc. Bạn chọn làm việc tại Lazard vì bạn thích mô hình này hơn. Bạn không có nguy cơ đổ vỡ chỉ sau một đêm vì nghiệp vụ tự doanh của mình.”

Lazard đã đi đúng hướng kể từ khi Jacobs lên nắm quyền. Lợi nhuận đang tăng lên, với doanh thu tăng 27% trong 9 tháng đầu năm.

Với tư cách CEO, Jacobs đã thúc đẩy kế hoạch mở rộng hoạt động tư vấn của công ty bằng cách tư vấn huy động vốn cho các khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, Jacobs xây dựng bộ phận quản lý tài sản, phục vụ những khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ ngân hàng đầu tư hay quản lý tài sản của Lazard.

Quả thực, sự thăng tiến của Jacobs, từ một nhân viên nhỏ bé tới ghế CEO, dường như là điều không thể đối với các thế hệ thành viên hợp danh trước. Ông không thừa kế ngai vàng và cũng chẳng đóng vai cứu tinh cho Lazard.

Cậu con trai của một hiệu trưởng trường phổ thông và một giáo viên này lần đầu tiên cảm nhận được sức lôi cuốn của một sự nghiệp trong ngành tài chính từ khi vào sống ở khu học xá phía nam của đại học Chicago. Khi việc học hành và bóng rổ khiến ông còn ít thời gian rảnh rỗi để kiếm tiền, cậu sinh viên chuyên ngành kinh tế nghĩ ra cách tổ chức các chuyến xe bus chở các bạn cùng trường đến và đi từ New York.

Ông kể lại: “Lúc nào tôi cũng cháy túi. Đó là lần đầu tiên tôi kiếm được tiền, cảm giác sung sướng thật khó tả.” 

Sau một năm đi đi lại lại và làm một công việc “không có gì hay ho” tại một công ty dầu khí nhỏ, Jacobs tiếp tục theo học Trường kinh doanh Stanford. Sự nghiệp của ông tại Phố Wall bắt đầu từ năm 1984, trong bộ phận ngân hàng đầu tư của Goldman Sachs.

Goldman sớm phái Jacobs tới văn phòng tại London làm việc cùng với nhân viên trẻ tên John Thornton, người về sau này đã trở thành đồng chủ tịch của Goldman. Jacobs tâm sự: “Đó là một khoảng thời gian thực sự thú vị. Goldman khi đó đã xuất khẩu phương pháp M&A kiểu Mỹ đến London. Có rất nhiều thương vụ mua bán và chúng tôi đã thực hiện kha khá trong số đó.”

Nhưng theo như Jacobs giải thích, những yếu tố khiến sau này Lazard khác biệt với các công ty khác đã manh nha hình thành. Năm 1988, Jacobs đưa ra một quyết định bất thường khi rời Goldman đến làm việc cho Lazard, đối thủ cạnh tranh truyền thống tại New York.

Jacobs kết luận rằng: Nếu Goldman là một bộ máy có trật tự và cấu trúc chặt chẽ, có khả năng huy động đội ngũ nhân viên ngân hàng làm việc với kỷ luật quân đội, thì Lazard là miền đất của những ngôi sao ngành ngân hàng, là nơi tạo điều kiện cho một người có thể “làm nên những điều khác thường”.

Tuy vậy, sự chuyển đổi đó với Jacobs chẳng mấy dễ dàng, chính ông đã thừa nhận mình đã phải suy đi nghĩ lại về quyết định này trong suốt năm đầu tiên hoặc lâu hơn thế. Lazard không hề được biết đến như một ngân hàng biết chiều chuộng những nhân viên mới trẻ tuổi. Jacobs nhớ lại: “Đó không phải luôn là nét văn hóa phù hợp nhất với công việc.”

Lazard có tương đối ít những thành viên hợp danh trẻ tuổi. Jacobs tâm sự: “Lớp kế cận không có nhiều. Tôi hiểu điều đó, và tôi nghĩ hóa ra nó lại là điều tốt, một cơ hội to lớn.”

Đầu những năm 1990, David-Weill bắt đầu đem lại sức sống mới cho ngân hàng. Ông xây dựng một thế hệ mới gồm những ngôi sao hàng đầu của ngành ngân hàng ở New York, gồm có Ira Harris, Ken Wilson và Steven Rattner. Ông phát triển bộ phận quản lý tài sản mà đến nay vẫn là nghiệp vụ kinh doanh chính. Và ông còn lên kế hoạch sáp nhập ba văn phòng của công ty tại Paris, London và New York lại với nhau.

Sự nghiệp của Jacobs cũng phát triển mạnh trong thời kì này. Ông trở thành thành viên hợp danh năm 1991 và năm 2002 được giao phụ trách khu vực Nam Mỹ. Cũng trong năm 2002, Jacobs đã trở thành Phó Chủ tịch ngân hàng.

David-Weill tuyển Wasserstein về Lazard năm 2001 để hoàn tất quá trình chuyển đổi. Wasserstein đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát Lazard từ tay David-Weill sau khi hai ông bất đồng về vấn đề chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

Jacobs khẳng định: “Bruce rất giá trị với Lazard. Ông ấy xuất hiện rất kịp lúc. Lazard thực sự cần một người tầm cỡ và có năng lực như ông ấy. Cho đến nay, tôi không tin rằng có ai khác có thể làm tốt hơn thế ngoài Bruce.”

Lazard ngày nay là một tổ chức có trật tự hơn. Nhiều giám đốc hàng đầu đã làm việc tại ngân hàng trong cả thập kỉ hoặc lâu, người ta nhìn vào những con người này và hiểu Lazard có thể tự đào tạo những siêu sao của riêng mình.

Trên cương vị CEO, Jacobs đã nhường lại vai trò thương thuyết gia, hay ít nhất là theo định nghĩa cổ điển của Lazard. Dù ông vẫn gặp khách hàng khi có thể, nhưng ngoài ra ông còn nhiều thứ trách nhiệm cùng nhiều người phải lấy lòng nữa, bao gồm cả cổ đông.

Jacobs khẳng định: “Một phần quan trọng trong công việc của tôi là giữ chân những nhân viên giỏi nhất, và tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho họ khi làm việc tại Lazard. Điều này không phải luôn được xem trọng.”

“Làm công việc này, tôi vẫn tiếp tục phải tham gia vào các vụ đàm phán.”
 
Minh Tuấn
Theo FT

duchai

Cùng chuyên mục
XEM