Alibaba và… 2.236 tên cướp

09/03/2011 23:06 PM |

Alibaba đang điêu đứng bởi 2.236 “cửa hàng hạng vàng” lừa đảo và phải chi gần 2 triệu USD để bồi thường.

Những nhà sáng lập của eBay (Mỹ) thường nói rằng, công nghệ thông minh hay thị trường điện tử không phải là thành tựu thực sự của họ bởi chúng đã tồn tại từ trước thời điểm eBay ra đời. Đối với họ, xây dựng được niềm tin giữa những người mua, người bán vốn chưa bao giờ gặp mặt nhau mới là thành tựu đích thực.

Tuy nhiên, xây dựng được loại uy tín đó ở Trung Quốc không phải là điều dễ dàng bởi sản xuất hàng giả và sản phẩm mang những khuyết tật nguy hiểm đã và đang là vấn nạn khó đẩy lùi ở quốc gia tỉ dân này. Tệ hơn, vấn nạn này đã lan đến một trong những niềm hy vọng lớn nhất về thương mại điện tử của Trung Quốc, Alibaba, hãng thương mại điện tử lấy cảm hứng từ eBay.

Một khi nạn sản xuất hàng giả và kém chất lượng còn hoành hành tại Trung Quốc thì tiềm năng phát triển một nền tảng kinh doanh cho quốc gia này sẽ còn là đề tài tranh luận không ngớt của hai phe ủng hộ và hoài nghi. Sự cố tai tiếng xảy ra với Alibaba trong thời gian qua cho thấy sự hoài nghi rõ ràng là có cơ sở.

Ngày 21.2.2011, Alibaba tuyên bố rằng hai đại diện cấp cao là Giám đốc Điều hành David Wei và Giám đốc Hoạt động Elvis Lee đã nhận trách nhiệm về việc Công ty đã cấp phát bừa bãi “danh hiệu vàng” cho 2.236 cửa hàng mà về sau đã gây ra nhiều vụ lừa đảo.

Trước sự cố này, Alibaba đã tiến hành một cuộc thanh tra nội bộ và phát hiện hơn 100 nhân viên bán hàng cùng nhiều giám sát viên và quản lý bán hàng khác - vô tình hay cố ý - đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc để xảy ra gian lận.

Nếu theo tiêu chuẩn thông thường, một gian hàng chỉ được cấp “danh hiệu vàng” khi đã có bề dày hoạt động và nhận được sự tín nhiệm của đông đảo người mua. Nhưng nhiều công ty đã cố tình đi tắt để đạt được danh hiệu này bằng cách hối lộ đội ngũ nhân viên kinh doanh.

Alibaba tuyên bố số tiền bồi thường cho mỗi nạn nhân bị lừa là 1.200 USD nhưng từ chối tiết lộ con số tổng cộng. Năm 2009, khi các vụ lừa đảo bắt đầu được phanh phui, Công ty thành lập một quỹ bồi thường mà tính đến nay, đã chi tổng cộng 1,7 triệu USD cho 2.249 nạn nhân.

Đối mặt với các vụ lừa đảo bị phanh phui, Công ty chọn cách đương đầu trực diện. Nhiều lãnh đạo cấp cao từ chức và các tuyên bố trước công chúng của Công ty liên tục khẳng định tính liêm chính và chất lượng dịch vụ của mình. Ngoài ra, Công ty điều tra các vụ lừa đảo một cách triệt để và sẵn sàng công bố mọi thông tin quan trọng cho báo giới.

Đây rõ ràng là một sự can đảm trái ngược hoàn toàn với cách phản ứng của các công ty Trung Quốc trước một vụ việc bê bối, nhất là những công ty có dính líu đến vụ việc tai tiếng “sữa có chứa melamine” cách đây không lâu.

Mặc dù vậy, cũng có luồng ý kiến cho rằng Alibaba hành động như thế vì không còn cách nào khác. Khi các vụ lừa đảo bị phanh phui, sự tồn tại của Công ty bị rơi vào tình thế nguy hiểm hơn bao giờ hết. Bởi nếu không hành động, họ sẽ đánh mất khách hàng không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới. Và sau cùng, họ chẳng còn gì cả.

Cuộc điều tra cho thấy sở dĩ nhân viên Alibaba đồng lõa với kẻ lừa đảo là vì họ phải theo đuổi sự tăng trưởng tài chính ngắn hạn bằng mọi giá. Những vụ lừa đảo đầu tiên được phát hiện diễn ra tại thời điểm triển vọng kinh doanh của Alibaba có dấu hiệu chững lại, cổ phiếu Công ty được giao dịch với giá chỉ bằng một nửa so với lúc chào sàn năm 2007.

Trong thư gửi khách hàng sau vụ bê bối, Chủ tịch của Alibaba, ông Jack Ma, tuyên bố: “Chỉ khi chúng ta giữ được lý tưởng và nguyên tắc của mình, chúng ta mới có thể trở thành niềm tự hào của kỷ nguyên này”. Tuy nhiên, người mua trên toàn cầu vẫn đón nhận động thái của ngài chủ tịch bằng một thái độ thận trọng. Họ cần sự khẳng định trên thực tế về những lý tưởng và nguyên tắc đó.
 
Theo Hoàng Trung
Nhịp cầu đầu tư, Economist

duchai

Cùng chuyên mục
XEM