Kiện Tik Tok yêu cầu bồi thường 221 tỷ đồng không thành, VNG đã tiến hành kháng cáo vào tháng 9 năm 2022
Đây là diễn biến mới nhất của vụ kiện dân sự về tranh chấp sở hữu trí tuệ có giá trị được yêu cầu bồi thường lớn nhất từ trước tới nay.
Theo thông tin Công ty cổ phần VNG công bố, từ 2014 đến nay, doanh nghiệp này có liên quan tới 11 vụ kiện, trong đó có 8 vụ kiện vi phạm bản quyền, 3 vụ liên quan quyền thực hiện hợp đồng; VNG đứng bị đơn trong 6 vụ và nguyên đơn trong 5 vụ.
Trong tổng số 11 vụ kiện, có 2 vụ được hòa giải thành công, 2 vụ đang trong quá trình thi hành án, còn lại trong trạng thái khiếu nại, kháng cáo hoặc toà án đang xem xét hồ sơ, tài liệu.
Năm 2019 là một năm khá "sóng gió" với VNG khi bị một công ty kiện tới 3 lần, đó là Công ty CP truyền thông TK-L.
Đầu tiên, VNG bị kiện liên quan đến bản quyền bộ phim "Chiếc lá cuốn bay" do Công ty CP truyền thông TK-L độc quyền khai thác trên truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số đa phương tiện tại Việt Nam. VNG đã bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh buộc bồi thường cho TK-L số tiền 829,48 triệu đồng và xin lỗi công khai. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 28/08/2022, VNG thực hiện việc kháng cáo lên Tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh.
TK-L còn kiện VNG vi phạm bản quyền 3 bộ phim cũng trong năm 2019, và đã có bản án sơ thẩm của Tòa án buộc bồi thường số tiền 14,34 tỷ đồng. Ngày 9/11/2022, VNG đã có đơn kháng cáo. Hiện vụ việc đang được tiếp nhận và xử lý phúc thẩm tại Toà án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Chưa hết, TK-L còn kiện VNG vi phạm bản quyền 3 tác phẩm điện ảnh mà đơn vị này độc quyền khai thác trên truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số đa phương tiện tại Việt Nam. Vụ việc đang được Tòa án sơ thẩm xem xét các tài liệu, chứng cứ liên quan.
Không chỉ bị kiện, VNG cũng đã 5 lần đóng vai nguyên đơn và đình đám, gây xôn xao dư luận nhất nhất là vụ kiện Tik Tok trị giá 221 tỷ đồng vào năm 2020. Cụ thể: VNG (chủ sở hữu của nền tảng nghe nhạc trực tuyến Mp3.zing) khởi kiện TikTok Inc (chủ sở hữu của mạng xã hội chia sẻ video ngắn TikTok) vì nhiều bản ghi mà VNG là chủ thể của quyền liên quan bị truyền đạt tới công chúng trên nền tảng Tik Tok mà không có sự đồng ý của VNG cấu thành hành vi xâm phạm quyền liên quan theo khoản 8 Điều 35 Luật sở hữu trí tuệ.
VNG yêu cầu Tik Tok chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại 221,5 tỷ đồng.
Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của VNG. Trong diễn biến mới nhất, VNG đã tiến hành kháng cáo ngày 15/09/2022.
Tổng hợp từ 2014 đến nay, trong số 5 vụ đi kiện của VNG, có 2 vụ công ty này giành được kết quả có lợi và đang trong quá trình thi hành án. Số tiền được bồi thường theo bản án dự kiến là 232,5 triệu đồng (từ Công ty CP truyền thông Hexa ) và 550 triệu đồng (từ Công ty CP truyền thông và giải trí Hồng Ân).
Ngược lại, chưa có bản án nào mà VNG là bị đơn đã có kết quả cuối cùng bất lợi (phải bồi thường) cho VNG, sự việc mới đang dừng lại ở quá trình xem xét hồ sơ hoặc đang kháng cáo.
Đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù của VNG việc xảy ra tranh chấp bản quyền dẫn đến khiếu kiện là chuyện khó tránh khỏi nhưng cho đến hiện tại, theo số liệu tự công bố chưa có bên nào lấy được tiền bồi thường từ túi VNG.