Khủng hoảng toàn cầu, đến người Mỹ cũng 'đói ăn'

01/04/2022 13:39 PM | Xã hội

Nền kinh tế số 1 thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng số người nghèo đói.

Theo hãng tin Bloomberg, lạm phát tăng cao đang khiến những ngân hàng lương thực cho người nghèo phải cắt giảm khẩu phần dù điều này có thể khiến nhiều người bị đói.

Tại Omaha, Ngân hàng lương thực cho người nghèo (Food Bank) chi nhánh Heartland đã phải cắt giảm ngân sách, qua đó giảm 2 triệu pound (907.000 kg) lương thực tại 93 hạt vì lạm phát phi mã. Tương tự, ngân hàng lương thực cho người nghèo "The Open Door" ở Minnesota cũng phải cắt giảm khẩu phần 4 pound mỗi người.

Thậm chí tại Food Bank chi nhánh West Alabama, lần đầu tiên họ phải giới hạn khẩu phần phân phát cho người nghèo vì giá cả tăng mạnh làm thâm hụt ngân quỹ.

Khủng hoảng toàn cầu, đến người Mỹ cũng đói ăn - Ảnh 1.

Quản lý Jean Rykaczewski

Nền kinh tế số 1 thế giới đói ăn

Tại Food Bank chi nhánh West Alabama, những rỏ hàng quyên góp đồ ăn từng đầy ắp cách đây vài tháng ở nhà kho Northport thì nay chẳng còn mấy. Những mặt hàng như đào, phô mai hay sữa nằm ở kho Montgomery cách đó 100 dặm (161km) nhưng quản lý Jean Rykaczewski chẳng thể lấy chúng vì việc lái xe sẽ tốn tới 1.200 USD tiền xăng, vốn chỉ đáng 450 USD trước đây.

Theo Rykaczewski, mọi thứ hiện nay ở Mỹ đều tăng giá, từ chi phí lương thực cho đến xăng xe. Hóa đơn tiền điện của họ cũng đã cao hơn 500 USD so với tháng trước đó.

"Chúng tôi thậm chí còn chưa đến mùa hè khi máy lạnh phải chạy hết công suất, nhưng tiền điện đã tăng phi mã. Tôi đang sốt hết cả ruột đây", quản lý Rykaczewski buồn bã.

Mức lạm phát tháng 2/200 của Mỹ đạt tới 7,9%, cao nhất 40 năm qua đang khiến cuộc sống người dân nơi đây chịu ảnh hưởng và những người nghèo là dễ chịu tổn thương nhất. Các Food Bank thường là nơi tiếp nhận, hỗ trợ những gia đình chẳng kiếm đủ bữa ăn qua ngày nhưng giờ đây nhiều nơi bị quá tải.

Đà tăng giá của mọi thứ đang đẩy hàng loạt gia đình vào cảnh nghèo đói, thiếu ăn. Giá nhà tăng, chi phí nhiên liệu cao khiến nhiều người chẳng còn đủ tiền cho các bữa ăn. Hậu quả là nhu cầu cần hỗ trợ đi lên nhưng ngân quỹ có hạn và các Food Bank phải cắt giảm khẩu phần.

"Điều này gây tổn thương cho những người nghèo, vốn là đối tượng chẳng mấy được xã hội quan tâm. Mọi thứ cứ như cơn bão giá vậy, chúng liên tục quần thảo người nghèo và chẳng có đường ra", bà Rykacznewski buồn bã.

Theo Bloomberg, tỷ lệ đói ăn tại Mỹ đã bắt đầu tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù hệ thống an sinh xã hội, trợ cấp người nghèo của chính phủ giúp đỡ được phần nào nhưng vẫn quá ít ỏi so với tốc độ gia tăng nghèo đói.

Khủng hoảng toàn cầu, đến người Mỹ cũng đói ăn - Ảnh 2.

Giờ đây khi giá lương thực tăng mạnh, những hàng dài người xin ăn trước cửa một số Food Bank lại xuất hiện, tương tự như thời kỳ nửa đầu năm 2020 khi đại dịch với bùng phát.

Số liệu của Tổng cục thống kê Mỹ (USCB) cho thấy hơn 1/3 số hộ gia đình nước này không đủ tiền cho ngay cả những chi phí thiết yếu nhất trong 7 ngày qua. Tồi tệ hơn, ngay cả những bang giàu có cũng chứng kiến sự gia tăng của trình trạng đói khổ hay khó khăn vì lạm phát.

Khi đói, chẳng ai muốn quyên góp

Ứng dụng hỗ trợ người nghèo cần trợ giúp lương thực FoodFinder có khoảng 3.000 người dùng bình quân mỗi ngày trong quý I/2022, cao gấp 5 lần so với năm 2021.

"Chúng tôi tưởng rằng số người cần trợ giúp sẽ giảm trong năm 2022 vì đại dịch đã qua mức đỉnh, thế nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy số người nghèo chịu đói sẽ giảm ở Mỹ", CEO Jack Griffin của FoodFinder nói.

Ngoài việc nhận quyên góp từ những người hảo tâm, nhiều Food Bank cũng được chính phủ tài trợ. Ví dụ như Feeding America với mạng lưới 200 ngân hàng lương thực cho người nghèo đã đề nghị chính phủ hỗ trợ thêm 900 triệu USD vì giá thực phẩm có thể tăng 40% trong năm tài khóa này.

Giám đốc Erika Thiem của Feeding America cho biết họ đang làm mọi thứ có thể để hỗ trợ những người đói ăn tại Mỹ nhưng với tình hình tăng giá như hiện nay, tổ chức này sẽ chẳng thể duy trì được lâu nếu thiếu nguồn tài chính từ chính phủ.

Khủng hoảng toàn cầu, đến người Mỹ cũng đói ăn - Ảnh 3.

Tại Minnesota, tổ chức The Open Door thì chủ yếu dựa vào những chuỗi bán lẻ thực phẩm quyên góp. Thế nhưng với đà lạm phát hiện nay thì những cửa hàng bán lẻ cũng giảm thu mua sản phẩm kinh doanh chứ đừng nói đến việc quyên góp cho Food Bank.

Hiện nay The Open Door đang chứng kiến nguồn quyền góp thịt giảm tới 60% và họ đang phải tìm kiếm đến những mặt hàng thực phẩm rẻ tiền nhất có thể trong chuỗi cung ứng để giúp người nghèo chống đói.

"Chúng tôi đang phải chứng kiến sự hoảng loạn của những người nghèo đến đây xin giúp đỡ. Họ đã ở bước đường cùng và cần sự hỗ trợ để rồi nhận ra ngay cả nguồn giúp đỡ cũng đang cạn dần. Đây là một sự thật đau lòng mà người Mỹ cần chấp nhận", CEO Jason Viana của The Open Door ngậm ngùi.

Thậm chí việc tăng giá xăng lên mức kỷ lục 4 USD/gallon còn khiến chi phí giao đồ hỗ trợ cho người già, người tàn tật ở Mỹ cũng tốn kém hơn trước.

Tại New York, Tổ chức từ thiện The Okra Project đang phải chứng kiến sự sụt giảm 40% quyên góp vì giá cả leo thang.

"Lạm phát đang khiến mọi người phải chọn lựa giữa việc quyên góp hay giữ số tiền đó lại cho mình dùng... Hậu quả là hàng đêm tôi phải trằn trọc xem mình nên lựa chọn từ chối hỗ trợ lương thực cho những ai", CEO Dominique Morgan của The Okra Project đau đớn.

*Nguồn: Bloomberg

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM