Khủng hoảng sữa bột tại Mỹ: Tổng thống Biden áp dụng luật thời chiến, điều máy bay quân sự chở hàng nhập khẩu về nước
Tổng thống Joe Biden đang thực hiện "Chiến dịch không vận sữa bột" để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Mỹ.
Theo hãng tin CNN, tình hình khủng hoảng sữa bột tại Mỹ nghiêm trọng đến mức Tổng thống Joe Biden đã phải áp dụng luật sản xuất quốc phòng thời chiến (1950 Defence Production Act) để buộc nhà cung cấp ưu tiên cho các nhà chế biến sữa.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng đã yêu cầu Bộ quốc phòng sử dụng máy bay vận tải quân sự để chở gấp khoảng 35 tấn sữa bột trẻ em từ Đức về nước, tuy nhiên những lô hàng đầu tiên này cũng sẽ chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu tại Mỹ hiện nay.
Các quan chức Nhà Trắng thậm chí đặt tên cho chiến dịch dùng máy bay quân sự chở sữa bột từ nước ngoài về này là "Chiến dịch không vận sữa bột" (Operation Fly Formula) nhằm đối phó với tình trạng thiếu hàng hiện nay. Phía Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cũng đã xem xét nới lỏng các quy định nhằm cho phép những hãng nước ngoài nhập khẩu hàng nhanh và dễ hơn vào thị trường này.
Các thương hiệu sản xuất sữa bột hàng đầu nước Mỹ như Abbott và Nestle đã phải nhập khẩu khẩn cấp hộp sữa bột trẻ em từ nhà máy Châu Âu để giải quyết bớt tình trạng khan hàng tại đây. Trong một bản tuyên bố của Nestle, hãng cho biết đã phải dùng máy bay để chở các mặt hàng sữa bột đặc biệt từ Hà Lan và Thụy Sĩ đến Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân nơi đây.
Nguyên nhân
Theo CNN, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng cũng như bê bối sữa bột của hãng Abbott đã khiến tỷ lệ hết hàng bày trên kệ cho sản phẩm này ở các siêu thị lên đến 40% vào đầu tháng 5/2022.
Đại dịch đã khiến giá cả nguyên liệu, chi phí nhân công, vận chuyển... tăng mạnh, qua đó thúc đẩy các gia đình tích trữ, nhất là trong bối cảnh giãn cách.
Tiếp đó vào tháng 2/2022, FDA đã tiến hành điều tra và buộc nhà máy lớn nhất của Abbott Nutrition đóng cửa sau khi 4 trẻ em nhiễm khuẩn đổ bệnh, 2 trong số đó đã thiệt mạng vì nghi có liên quan đến sản phẩm của hãng. Đồng thời, Abbott cũng đã phải thu hồi một số thương hiệu sữa bột trẻ em của mình ở Mỹ nhằm phục vụ điều tra.
Hiện Abbott là một trong 3 nhà sản xuất sữa bột chính tại Mỹ và việc hãng dính bê bối khiến nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh, gây ra tình trạng hỗn loạn ở nhiều bang. Tình hình này đã tạo sức ép khiến FDA đi đến 1 thỏa thuận với Abbott, qua đó cho phép hãng mở lại nhà máy sau khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngay cả vậy, Abbott cho biết họ sẽ phải mất ít nhất 8-10 tuần để đưa hàng trở về kệ bán của các siêu thị.
Báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy khoảng 60% số bà mẹ nước này mất sữa trước thời hạn, qua đó biến sữa bột trẻ em thành nguồn dinh dưỡng quan trọng cho nhiều hộ gia đình.
Thị trường khó tiếp cận
Ngoài ra, FDA cũng cảnh báo người tiêu dùng Mỹ không nên tin vào mạng xã hội khi tự sản xuất sữa bột cho con mình trong bối cảnh thiếu hàng. Các thành phần tự chế có thể khiến trẻ khó tiêu hóa, thiếu dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển.
Theo hãng tin CNN, hiện Mỹ có 3 ông lớn trong ngành sữa bột là Abbott, Reckett Benkiser và Nestle và thị trường này rất khó để tiếp cận do hàng loạt những yêu cầu, thủ tục về an toàn vệ sinh, chất lượng thực phẩm.
"Sữa bột trẻ em rõ ràng là thị trường thực phẩm có quy chuẩn khắt khe nhất trên thế giới. Thủ tục để cung cấp quyền sản xuất sữa bột sẽ bị kiểm soát với những tiêu chuẩn cao nhất", nhà khởi nghiệp Ron Belldegrun, sáng lập nên hãng sữa ByHeart nhận định khi mất tới 5 năm mới có thể đăng ký thành công với FDA.
Theo ông Belldegrun, ByHeart là hãng sữa nội địa đầu tiên trong hơn 15 năm qua đăng ký thành công với FDA để cho ra đời thương hiệu mới. Với tình hình khan hàng hiện nay, doanh số của hãng đã tăng gần 15 lần sau khi mới ra mắt vào cuối tháng 3/2022.
*Nguồn: CNN, DW