Khủng hoảng năng lượng châu Âu đáng sợ mức nào?
Nhà phân tích cấp cao Fabian Ronningen tại hãng nghiên cứu năng lượng Rystad Energy nhận định rằng “đáng sợ” là một từ chính xác để mô tả cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu lúc này.
Khủng hoảng năng lượng châu Âu
Cách đây 2 ngày, có một thông tin gây xôn xao thị trường năng lượng châu Âu khi giá điện giao năm 2023 được công bố tại một số nước như Pháp và Đức. Theo các con số mới, giá mỗi MWh điện giao tại hai nước này trong năm 2023 đều lên tới khoảng 1.000 euro, tức cao gấp khoảng 10 lần cách đây 1 năm.
Tại Anh, Cơ quan quản lý năng lượng của chính phủ - Ofgem cho biết kể từ ngày 1/10 sẽ tăng giá trần điện và khí đốt lên từ 80-100%, khiến mỗi hộ gia đình trung bình tại Anh sẽ phải chi gần 4.200 USD mỗi năm cho tiền năng lượng.
Tại Đức, kể từ ngày 1/10/2022, mỗi hộ gia đình sẽ phải đóng thêm 2,4 cent cho mỗi KWh sử dụng khí đốt, tương đương với việc phải chi thêm khoảng 500 euro mỗi năm. Tại thị trường châu Âu, giá khí đốt ngày 26/8 đã ở mức 341 euro cho mỗi MWh, gần bằng mức kỷ lục 345 euro/MWh hồi tháng 3/2022 và mức giá này đã tăng 5,5 lần chỉ trong vòng 12 tháng qua.
Các con số trên là những ví dụ rõ nhất cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang bước vào một giai đoạn đáng sợ, khi giá của tất cả các loại năng lượng, từ khí đốt, điện cho đến xăng dầu đều tăng rất cao và ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế.
Về mặt vĩ mô, giá năng lượng tăng cao là yếu tố quan trọng nhất khiến lạm phát tại nhiều quốc gia châu Âu hiện đang ở mức cao nhất trong 3-4 thập kỷ qua. Như tại Anh, dự kiến lạm phát vào tháng 10/2022 sẽ lên tới 13%, trong khi tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), con số này đã dao động quanh mức 10%.
Cách đây chừng 1 tháng, các số liệu từ Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã cho thấy khoảng 1/3 trong số hàng chục triệu doanh nghiệp nước này đã phải cắt giảm, thậm chí là ngừng sản xuất, vì giá năng lượng quá cao. Chính phủ Đức đã phải chi hàng trăm triệu euro trợ giúp cho Uniper, tập đoàn nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Đức, thoát khỏi phá sản. Chính phủ Đức thậm chí đã tính đến phương án tách khí đốt ra khỏi thị trường năng lượng trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ hệ thống năng lượng của Đức khỏi sụp đổ.
Đối với các hộ gia đình châu Âu, khủng hoảng năng lượng đã là thực tế quá rõ nét, phản ánh qua hoá đơn điện, khí đốt tăng từ vài chục % cho đến cả vài trăm %, giá cả hàng hoá tiêu dùng cũng tăng do lạm phát, đồng thời phải thực hiện một loạt các biện pháp khẩn cấp để tiết kiệm năng lượng như hạn chế sưởi ấm, hạn chế tiêu dùng điện… Tất cả những điều này càng trở nên phức tạp hơn khi châu Âu đã và đang trải qua một mùa Hè vô cùng khắc nghiệt về thời tiết, với nắng nóng cực đoan kéo dài, hạn hán lớn nhất trong vòng 500 năm, khiến nhu cầu năng lượng ngày càng cấp bách hơn.
Hệ lụy của khủng hoảng năng lượng
Hóa đơn tiền điện tăng cao, chi phí sinh hoạt tăng phi mã và một mùa đông phải lựa chọn giữa “ăn uống hoặc sưởi ấm” đang là thực tế mà người dân châu Âu phải đối mặt…
Về mặt đời sống, giá năng lượng tăng cao tạo ra một gánh nặng tài chính rất lớn lên các hộ gia đình. Từ khoảng vài tuần qua, tại Anh đã xuất hiện phong trào không trả hoá đơn năng lượng (Don’t pay UK), một phong trào bất tuân dân sự nhằm phản đối việc giá năng lượng sẽ tăng quá cao trong thời gian tới. Phong trào này hiện đã thu hút hơn 100.000 người tham gia và mục tiêu là sẽ lôi kéo được 1 triệu người phản đối trả hoá đơn tiền điện hay khí đốt, qua đó gây sức ép buộc chính phủ Anh thay đổi chính sách.
Hiện nay, tính trung bình mỗi hộ gia đình người dân Anh chi khoảng 10% thu nhập cho khí đốt và điện, con số đã tăng gấp đôi so với năm 2021. Và với thực tế là hoá đơn điện sẽ tăng khoảng 80% từ tháng 10 tới, chắc chắn gánh nặng tài chính với các hộ gia đình tại Anh sẽ ngày càng lớn hơn. Rất nhiều nước khác tại châu Âu đã và đang rơi vào tình cảnh giống Anh bởi rất ít chính phủ các nước này có các chính sách bảo vệ người tiêu dùng trước bão giá năng lượng.
Việc giá năng lượng tăng cao, như phân tích ở trên, cũng là nguyên nhân lớn nhất đẩy lạm phát tại các nước châu Âu lên mức cao nhất trong 3-4 thập kỷ qua. Lạm phát khiến chi phí sinh hoạt gia tăng, sức mua giảm sút nên hệ luỵ trực tiếp là chất lượng sống của người dân châu Âu suy giảm, thậm chí đối với nhiều hộ gia đình nghèo tại châu Âu, khủng hoảng năng lượng hiện nay là mối đe doạ sống còn trong mùa Đông tới.
Về mặt kinh tế, khủng hoảng năng lượng đe doạ mọi lĩnh vực kinh tế. Khi nguồn khí đốt từ Nga bị cắt giảm, châu Âu hiện đang gấp rút tìm kiếm các nguồn thay thế, trong đó một lượng lớn là khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) nhập từ các nước như Mỹ, Qatar… Nhưng vấn đề ở đây là LNG mà châu Âu nhập từ Mỹ hiện quá đắt đỏ, đắt gấp 10 lần so với mức giá trung bình trong 1 thập kỷ qua và cũng đắt gấp khoảng 10 lần so với giá tại Mỹ.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc châu Âu sắp cấm toàn bộ dầu mỏ của Nga và hiện đang cắt giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga để chuyển qua mua LNG của Mỹ cũng tương tự như việc châu Âu phải đi mua dầu mỏ với giá 500 USD/thùng. Con số này thậm chí còn có thể cao hơn nữa trong những tháng tới, khi mùa Đông khiến nhu cầu năng lượng tại châu Âu tăng cao.
Với mức giá năng lượng nhập khẩu cao như thế, rất nhiều công ty châu Âu đã phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa nhà máy vì càng hoạt động sẽ càng thua lỗ. Mức giá năng lượng đó cũng khiến các công ty châu Âu suy giảm khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác. Hậu quả trước mắt là sản xuất sụt giảm, đình trệ, thất nghiệp gia tăng còn về lâu dài thì sẽ là việc đánh mất khả năng cạnh tranh, thậm chí là phá sản.
Giải pháp của châu Âu
Mùa đông đang đến gần, khả năng Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt có thể xảy ra. Rõ ràng không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ sớm được cải thiện.
Hiện nay mỗi nước châu Âu đều đang gấp rút tìm các giải pháp khẩn cấp cho riêng mình. Trong tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thăm Canada, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Algeria, trong đó một chủ đề quan trọng của các chuyến thăm là vấn đề năng lượng.
Đức muốn mua nhiều LNG hơn từ Canada còn Pháp cũng muốn Algeria cung cấp nhiều khí đốt hơn cho Pháp và châu Âu. Hồi tháng 07/2022, ngay trước khi chính phủ liên minh sụp đổ, Thủ tướng Italy, ông Mario Draghi còn dẫn một phái đoàn rất đông quan chức cấp cao và doanh nghiệp Italy sang Algeria để ký các hợp đồng hàng tỷ euro mua khí đốt của Algeria.
Trong vài tháng qua, các nước châu Âu đều đang “tự thân vận động”, mỗi nước tự tìm cách lo nhu cầu năng lượng của mình, thậm chí Hungary còn đẩy mạnh việc mua dầu mỏ và khí đốt của Nga, dù bị các nước châu Âu khác phản đối.
Việc các nước EU tự tìm kiếm các nguồn cung cho mình đã và đang gây ra các bất đồng trong khối khi một số nước, điển hình là Đức, đã bị các thành viên khác chỉ trích là đã hành động “ích kỷ” khi nhanh tay thu gom các hợp đồng năng lượng từ các nơi mà không để ý đến lợi ích của các thành viên EU khác. Bối cảnh này gợi nhớ lại các bất đồng gay gắt giữa các nước EU khi tranh nhau mua khẩu trang, vật tư y tế trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 đầu năm 2020.
Nhằm tránh kịch bản này tái diễn, Uỷ ban châu Âu cũng đã có một số động thái liên kết các nước, như việc tổ chức lại mô hình cùng mua chung khí đốt, giống như khi cùng mua chung vaccine ngừa Covid-19, hoặc dự tính áp đặt biện pháp tiết kiệm năng lượng bắt buộc với tất cả các nước thành viên EU, qua đó san sẻ gánh nặng giữa các nước. Uỷ ban châu Âu cũng tìm kiếm các hợp đồng năng lượng từ nhiều nước khác, như mua khí đốt từ Azerbaijan…
Tuy nhiên, đến thời điểm này tất cả các biện pháp này đều chưa hiệu quả, nỗi lo sợ về một mùa Đông thảm hoạ vẫn đang lan tràn tại hầu hết các nước châu Âu. Điều này bắt buộc EU phải có nhiều cuộc họp Thượng đỉnh năng lượng khẩn cấp trong thời gian tới và khi châu Âu vẫn đang rất chật vật để tìm các nguồn cung lớn và ổn định để thay thế dầu mỏ và khí đốt của Nga như hiện nay thì châu Âu bắt buộc phải đẩy nhanh việc bàn thảo về cơ chế trợ giúp khẩn cấp lẫn nhau.
Hiện tại, EU đang duy trì cơ chế phản ứng nhanh giữa các nhóm nước lân cận, tức trong trường hợp 1 nước bị thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, các nước láng giềng sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ cho nước đó. Nhưng cơ chế này cũng đặt ra rất nhiều hoài nghi bởi hiện hầu hết các nước EU đều chưa tích trữ đủ nguồn năng lượng dự trữ cho mùa Đông nên không nước nào thực sự sẵn sàng trợ giúp nước khác. Ví dụ như Pháp, hiện đã dự trữ trên 90% lượng khí đốt cho mùa Đông, nhưng chính phủ Pháp cho rằng trong trường hợp khẩn cấp cũng chỉ có thể cung cấp cho Đức 5% trong số này, dù Đức đang là nước đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất./.