Khu trung tâm TP sẽ không có nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới nào trong năm 2018
Với nhu cầu thuê mặt bằng cao, mức giá thuê của khu trung tâm được trông đợi sẽ tiếp tục gia tăng trong ba năm tới. Cùng lúc đó, các diện tích trống sẽ được lấp đầy nhanh chóng và tỷ lệ trống dự đoán sẽ được giữ dưới mức 5%.
Các nhà bán lẻ cạnh tranh để tìm vị trí thuê ở khu vực trung tâm
Các thương hiệu lớn khi có ý định gia nhập vào một thị trường mới đều có xu hướng tìm kiếm địa điểm mở cửa hàng đầu tiên tại khu trung tâm. Tuy nhiên, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại khu trung tâm TP.HCM lại tương đối hạn chế với chưa tới 100.000 m2, trong đó chỉ 2,7% còn trống.
Cửa hàng đầu tiên của H&M và Zara tại TP.HCM là một trong những cửa hàng nhận được sự quan tâm và lượng khách mua sắm cao nhất trong ngày khai trương trên hệ thống toàn cầu của họ. Điều này khẳng định sự hấp dẫn của thị trường này đồng thời tiếp thêm động lực cho những đơn vị bán lẻ khác. Tiến độ xây dựng tại các dự án tương lai trong khu trung tâm tiếp vẫn rất chậm hoặc bị trì hoãn.
Khu trung tâm sẽ không có nguồn cung mới nào trong năm 2018.
Trong năm 2019 và 2020, 124.000 m2 nguồn cung mới sẽ đến từ khối đế của các dự án tổ hợp cao cấp như Golden Hill, Tax Plaza và The Spirit of Saigon. Với nhu cầu thuê mặt bằng cao, mức giá thuê của khu trung tâm được trông đợi sẽ tiếp tục gia tăng trong ba năm tới. Cùng lúc đó, các diện tích trống sẽ được lấp đầy nhanh chóng và tỷ lệ trống dự đoán sẽ được giữ dưới mức 5%.
Mặt bằng bán lẻ chất lượng tại khu vực ngoài trung tâm tuy có tăng nhưng vẫn còn ít
Trong năm 2017, thị trường TP.HCM chào đón 7 dự án mới với 74.183 m2. Các mặt bằng này đều là khối đế của các dự án căn hộ.
Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong ba năm tới với 430.000 m2 NLA gia nhập thêm thị trường, trong đó hơn 70% là khối đế thương mại. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các khối đế bán lẻ tạo áp lực cho cả chủ đầu tư trong việc thu hút người thuê và các đơn vị bán lẻ.
Thử thách lớn nhất của mô hình này đối với chủ đầu tư, đặc biệt ở các dự án Trung cấp và Bình dân, là vừa phải thiết kế mặt bằng phù hợp cho khối căn hộ và khối đế bán lẻ, vùa phải đảm bảo được tính kinh tế và lợi nhuận cho dự án. Do cạnh tranh ngày cao, giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm dự đoán sẽ khó tăng và tỷ lệ trống dự kiến sẽ lên tới 20% vào năm 2020. Những chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm phát triển bán lẻ sẽ buộc phải giảm mức kỳ vọng giá thuê và áp dụng chính sách cho thuê linh hoạt hơn để hỗ trợ khách thuê.
Về xu hướng mở rộng tương lai, phần lớn nguồn cung bán lẻ mới sẽ tập trung ở phía Đông, bao gồm Quận 2, Quận 9 và Quận Bình Thạnh, cùng với sự hình thành của các khu dân cư mới. Đón đầu nguồn cầu tương lai ở các khu dân cư này, các chủ đầu tư đang lên kế hoạch cho những dự án bán lẻ quy mô lớn với tổng diện tích cho thuê trên 60.000 m2 mỗi dự án.
Để đảm bảo lưu lượng khách và giữ chân khách mua sắm, các chủ đầu tư nên chú trọng hơn đến các khách thuê chủ chốt về mặt số lượng cũng như tỷ trọng trong tổng thể mỗi TTTM. Các đơn vị bán lẻ nhận được nhiều quan tâm trên các công cụ trực tuyến cũng nên được khuyến khích với các điều khoản cho thuê ưu đãi hơn. Phương Nam Book City là một ví dụ. Doanh nghiệp này nhận được sự quan tâm lớn trên mạng từ giới trẻ nhờ vào thiết kế độc đáo và đã trở thành yếu tố thu hút chính của TTTM Garden Mall ở Quận 5.