Khu đô thị đại học quốc tế 3,5 tỷ USD hay chiếc "bánh vẽ" ở Tây Bắc TP HCM?

31/05/2017 14:46 PM | Kinh doanh

Vào giữa năm 2008, UBND TP HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Berjaya Land Berhad (Malaysia) để xây dựng một khu đô thị với tên gọi Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) có tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.

Dự án này sẽ được xây dựng trên khu đất khoảng 925 ha tại xã Tân Thới Nhì huyện Hóc Môn thuộc quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc TP HCM và được chia làm 7 phân khu chức năng, trong đó, 3 khu chính chiếm diện tích lớn nhất là làng đại học quốc tế, khu trung tâm tài chính - hành chính và khu nhà ở.

Khi đó, đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đăng ký lớn nhất được cấp phép đầu tư vào thành phố và được chính quyền TP HCM đặt nhiều kỳ vọng bởi Berjaya được đánh giá là nhà đầu tư bất động sản lớn.

Nhà đầu tư Malayasia này đã cho biết việc phát triển dự án này gồm nhiều hạng mục lớn để tạo "lực đẩy" phát triển khu vực này của Thành phố. Trong đó gồm xây dựng cao ốc trung tâm với các chức năng văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, trung tâm hội nghị, khu vực hành chính đô thị, khu sinh hoạt ngoại khóa đại học quốc tế, khu căn hộ, cảng sông, khu du lịch trên sông, khu thể thao và công viên vui chơi giải trí...

Berjaya còn cam kết sẽ tập hợp một đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp và các chuyên gia cho việc lập kế hoạch tổng thể dự án khu đô thị mới này. Dự kiến, thời gian xây dựng hoàn chỉnh dự án là 10 năm.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm được cấp phép, dự án hiện vẫn là bãi đất hoang và nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng đây là một trong những chiếc "bánh vẽ" lớn nhất tại thị trường nhà đất TP HCM.

Chủ đầu tư không tiến hành các công đoạn xây dựng, triển khai các hạng mục theo tiến độ cam kết. Chúng tôi đã mục sở thị vùng đất được quy hoạch của dự án VIUT và không khỏi xót xa cho cảnh hoang tàn nơi đây, cây cỏ mọc um tùm, lầy lội, ngay cả những con đường mòn được chủ đầu tư làm để chuẩn bị cho lễ khởi công giờ cũng biến mất.

Một vài hộ dân sống xung quanh cho biết, sau khi thấy chủ đầu tư tiến hành giải phóng mặt bằng và tổ chức lễ khởi công rất hoành tráng, đến nay Dự án vẫn không thấy động tĩnh gì, đất bỏ hoang rất lãng phí.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các nguyên nhân xuất phát từ khâu thủ tục hành chính thì khó khăn lớn nhất mà Công ty Berjaya Land Berhad gặp phải trong thời gian dài vừa qua là chủ đầu tư đã không đánh giá đúng tình hình thị trường bất động sản của Việt Nam.

Do có thời điểm bong bóng bất động sản của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng “phình” quá to và quá nóng, các chủ đầu tư ồ ạt đầu tư vào những dự án trung tâm thương mại, căn hộ cho thuê quá nhiều. Đến khi thị trường này bị “đóng băng”, khiến những dự án của Berjaya Land Berhad có xây dựng cũng không bán được. Vì thế, họ “nằm im” để chờ thời cơ…

Vào tháng 8/2016, chính quyền TP HCM đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát tình hình thực hiện của dự án và đề xuất các giải pháp cho dự án này theo hai phương án là tìm cách tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn Berjaya (Malaysia) trong việc triển khai dự án hoặc thu hồi giấy phép.

Trả lời báo chí liên quan đến tiến độ dự án VIUT vào tháng 3/2017, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết đến nay dự án mới chỉ xong được một số khâu như phê duyệt quy hoạch nhiệm vụ chi tiết 1/500 vào năm 2011, phê duyệt phương án đền bù giải tỏa vào năm 2013, rà soát bom mìn được khoảng 500 ha, đền bù giải tỏa mặt bằng trên 100 ha, thực hiện vốn góp dự án được 96,5 tỷ đồng.

Bà Mai cho hay qua kiểm tra tiến độ mới đây cho thấy dự án này có chậm triển khai ở các khâu như chậm giải phóng mặt bằng, chậm trong góp vốn.

“Dự án có quy mô lớn lên đến 56.000 tỷ đồng với tổng diện tích đất thực hiện gần 900 ha. Nếu so sánh với tiến độ một số dự án khác trên địa bàn thành phố thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án này tương đối phức tạp.

Gần đây nhà đầu tư có nhiều động thái tích cực triển khai dự án, chẳng hạn như chuyển thêm 2,5 triệu USD cho đền bù giải tỏa, cam kết tiến độ góp vốn và hiện nay căn cứ yếu tố thuận lợi, khó khăn cũng như mục tiêu cuối cùng thì các sở ngành thành phố cũng nghiên cứu đề xuất một trong số phương án xử lý liên quan đến dự án này”, bà Mai cho hay.

Tại cuộc họp về tình hình sốt đất tại TP.HCM vừa qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định việc một số tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn mà nếu được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo TP.HCM, nhất là khu vực các huyện ngoại thành, đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này tăng bất thường.

Theo Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM