Không yêu cầu quốc tịch, không cần cư trú, chỉ cần 1.000 USD là lập được doanh nghiệp: Cách Lào, Campuchia và Myanmar chạy đua thu hút đầu tư sẽ khiến Việt Nam phải suy ngẫm!

02/04/2019 11:17 AM | Kinh doanh

Với vị trí kinh tế được xem là “đội sổ” khu vực ASEAN, ba nước Lào, Campuchia, Myanmar đang gia tăng các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư từ nước ngoài nhằm thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực và cải thiện vị thế quốc gia.

Tự do kinh doanh - giao dịch, thành lập Đặc khu kinh tế từ rất sớm, chú trọng sở hữu trí tuệ

Theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB), Campuchia có GDP bình quân đầu người là 1.384,42 USD (năm 2017), hiện đứng thứ hai trong ba nước "đội sổ" ASEAN. 

Quốc gia từng trải qua nạn diệt chủng trong lịch sử đã xây dựng nền kinh tế không kiểm soát tiền tệ từ rất sớm, hay nói nôm na là thực hiện "đô la hóa", tạo điều kiện cho người mua có thể tự do thanh toán giao dịch bằng đồng USD hoặc nội tệ.

Từ việc không kiểm soát tiền tệ, Campuchia cũng ít hạn chế đối với người nước ngoài tham gia vào các ngành nghề. Theo ông Jay Cohen, thành viên của hãng luật Tilleke&Gibbins có trụ sở tại các nước thuộc khối CLMV (Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam), Campuchia không có yêu cầu về quốc tịch hoặc cư trú với các giám đốc, không giới hạn chuyển hóa vốn, bất cứ cá nhân nào có đủ 1.000 USD đều có thể thành lập doanh nghiệp.

"Khi có tranh chấp diễn ra, doanh nghiệp được tùy ý lựa chọn thủ tục tố tụng và hòa giải thương mại theo cơ chế quốc tế hoặc Campuchia", ông Jay Cohen nói.

Bằng chính sách tự do hóa thu hút đầu tư, Campuchia đề ra mục tiêu tăng trưởng hai năm 2018 và 2019 đều trên 7%, cao hơn chỉ tiêu của Việt Nam. GDP bình quân đầu người của Campuchia dự kiến đạt 1.706 USD trong năm 2019, tăng 9,1% so với năm 2018.

Là quốc gia thuộc Nhóm nước kém phát triển nhất (LDC), Campuchia trong nhiều thập niên qua đã được xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa (trừ vũ khí và đạn dược) sang thị trường các nước châu Âu mà không phải chịu bất kỳ loại thuế quan nào.

Về phía Myanmar, quá trình bầu cử dân chủ chỉ mới được khởi động từ năm 2015 và chính quyền quân sự sau 5 thập kỷ tồn tại vẫn tiếp tục giám sát tiến trình dân sự bằng 1/3 số ghế trong Nghị viện.

Bất chấp điều này, pháp luật về kinh doanh và đầu tư đã được hoàn thiện nhanh chóng ngay sau khi chính quyền của bà Aung San Suu Kyi ra mắt quốc dân đồng bào.

Năm 2016, Luật đầu tư Myanmar ra đời cùng với sự điều hành của Uỷ ban Đầu tư Myanmar (MIC). Sau đó một năm, Luật Doanh nghiệp Myanmar cũng được hoàn tất. Các đạo luật này hầu như tuân thủ nguyên tắc chung của nền kinh tế thị trường. Những khái niệm về loại hình công ty, cổ đông, chuyển nhượng vốn, sử dụng đất, sở hữu trí tuệ, …bắt đầu được luật hóa theo xu hướng tiến bộ.

Luật Doanh nghiệp Myanmar năm 2017 loại bỏ quy định về giấy phép kinh doanh đối với công ty nước ngoài, bãi bỏ vốn ủy quyền và mệnh giá, cho phép sự tồn tại các loại cổ phần khác nhau.

Trong khi các điều luật về Đặc khu kinh tế (SEZ) tiếp tục được lùi thời hạn trình Quốc hội Việt Nam xem xét thì Myanmar đã có Luật Đặc khu Kinh tế năm 2014 (SEZL), tức là trước cả thời điểm diễn ra cuộc bầu cử dân chủ

Vấn đề sở hữu trí tuệ luôn là mối lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài khi đổ tiền vào các nước đang phát triển. Nhưng họ sẽ khá yên tâm với Luật Nhãn hiệu Myanmar năm 2019. Đạo luật này có sẵn điều khoản quy định về tòa án sở hữu trí tuệ, cơ chế khiếu nại-khiếu kiện, quy trình thẩm định và các biện pháp hải quan kiểm soát biên giới.

Quốc gia đứng đầu nhóm "đội sổ", có GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.599 USD là Lào, đang thực hiện các biện pháp xúc tiến đầu tư một cách quy củ.

Nền kinh tế này chỉ chú trọng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và phí tô nhượng cho các hoạt động đầu tư vào khu vực xa xôi, chậm phát triển kinh tế, hoặc thị trường chuyên biệt.

Theo tiết lộ của hãng luật Tilleke&Gibbins, giới chính sách của Lào đang thảo luận về việc có nên hợp pháp hóa phần nào hoạt động sản xuất cần sa cho mục đích y tế, đồng thời không ràng buộc vốn đăng ký tối thiểu cho doanh nghiệp.


Thấy vậy chứ không phải vậy!

Nếu câu chuyện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm gây xôn xao dư luận tại Việt Nam thì ở Campuchia, chính quyền đã tính thuế 6% trên tiền lãi tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn và 4% trên tiền lãi tài khoản không kỳ hạn. Bất động sản cũng bị đánh thuế 10%. Cổ tức chia cho cổ đông cũng chịu thuế tạm thu 14% sau khi đã gánh thuế thu nhập doanh nghiệp 20% (tương tự Việt Nam).

Ngoài hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Myanmar đánh thuế các doanh nghiệp còn lại từ 25%. Công ty 100% vốn nước ngoài và Liên doanh thực hiện kinh doanh thương mại phải có số tiền đầu tư ban đầu 700.000 USD.

Tới thời điểm hiện tại, Lào vẫn bỏ ngỏ quy định quyền sở hữu đất đai với người nước ngoài. Khung pháp lý của quốc gia này cũng không định nghĩa rõ thế nào là công ty nước ngoài. Một công ty được thành lập ở Lào có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dù chỉ 1 cổ phần cũng tính là công ty nước ngoài.

Mặc dù có những chính sách chạy đua thu hút đầu tư, thậm chí là đánh thuế rất thấp đối với hoạt động khai thác dầu khí và tài nguyên như trường hợp Campuchia, nhưng ba nước "đội sổ" khu vực ASEAN vẫn bị hãng luật Tilleke&Gibbins đánh giá thấp về hiệu quả của bộ máy chính quyền, nạn tham nhũng, việc áp dụng pháp luật và trình độ dân trí.

Các nhà đầu tư thường than phiền về việc số ngày nghỉ lễ, nghỉ phép ở các nước này kéo dài quá lâu, lên đến gần 30 ngày trong năm, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động.

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM