Không thể ‘sao chép’ Thung lũng Silicon

21/02/2022 09:17 AM | Kinh doanh

Hàng chục năm qua, các chuyên gia đau đầu tìm ra bí quyết thành công của Thung lũng Silicon (Silicon Valley) để nhân rộng mô hình song đều thất bại.

Năm 1960, Silicon Valley đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới khi là trung tâm của đổi mới sáng tạo công nghệ. Nơi đây sản sinh ngành công nghiệp điện tử vi sóng và đặt ra hình mẫu cho quan hệ giữa công nghiệp – học thuật. Cố Tổng thống Pháp Charles de Gaulle từng ghé thăm Thung lũng Silicon và choáng ngợp trước các trung tâm nghiên cứu đặt giữa những trang trại và vườn nho phía Nam San Francisco.

Những nỗ lực sao chép Silicon Valley

Đại học Stanford tọa lạc ở trái tim Silicon Valley, là cái nôi của các doanh nghiệp dẫn đầu như Hewlett-Packard (HP), Varian Associates, Watkins-Johnson và Applied Technologies. Những công ty này thúc đẩy nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. Rõ ràng, có một điều gì đó khác thường đã diễn ra ở đây, trong cả đổi mới lẫn tinh thần kinh doanh.

Không lâu sau, các khu vực khác cũng cố gắng sao chép điều kỳ diệu tại Thung lũng Silicon. Nỗ lực nghiêm túc đầu tiên để tái tạo Silicon Valley là của một tổ hợp các công ty công nghệ cao tại New Jersey giữa thập niên 60. Họ mời Frederick Terman, người vừa nghỉ hưu tại Đại học Stanford sau khi giữ chức Giám đốc, Giáo sư và Trưởng khoa kỹ thuật.

Ông Terman, người đôi khi được gọi là “cha đẻ của Silicon Valley”, đã biến trường kỹ thuật non trẻ của Stanford thành một cỗ máy đổi mới. Thông qua khuyến khích các khoa khoa học và kỹ thuật hợp tác với nhau, kết nối họ với doanh nghiệp địa phương và tập trung nghiên cứu các nhu cầu của ngành, ông đã tạo ra văn hóa phối hợp và trao đổi thông tin.

Không thể ‘sao chép’ Thung lũng Silicon - Ảnh 1.

Silicon Valley. (Ảnh: Getty Images)


Những người đứng đầu chính phủ và tập đoàn tại New Jersey – dẫn đầu bởi Bell Labs – quyết định giải pháp là xây dựng một trường tương tự Stanford. Họ hi vọng ông Terman sẽ làm điều đó.Đó là sự kết hợp mà New Jersey muốn bắt chước. New Jersey khi đó đã là một trung tâm công nghệ cao nổi tiếng – nơi đặt phòng thí nghiệm của 725 công ty, bao gồm RCA, Merck và Bell Labs. Lực lượng lao động kỹ sư và khoa học lên tới 50.000. Tuy nhiên, do chưa có đại học kỹ thuật nổi bật nào trong khu vực, các doanh nghiệp phải tuyển dụng từ nơi khác. Họ cũng lo sợ bị chảy máu chất xám cũng như công nghệ tốt nhất sang “hàng xóm”.

Ông Terman đưa ra dự thảo nhưng chưa bao giờ thành công, phần lớn vì không có sự hợp tác trong ngành. Giai đoạn này được ghi lại trong báo cáo “Selling Silicon Valley” năm 1996 của hai tác giả Stuart W. Leslie và Robert H. Kargon. Họ kể lại RCA không muốn ký thỏa thuận với Bell Labs, Esso không muốn chia sẻ những chuyên gia nghiên cứu tốt nhất với một trường đại học, còn Merck và các hãng dược khác muốn duy trì nghiên cứu nội bộ. Bất chấp có chung một nhu cầu, họ không sẵn lòng bắt tay với đối thủ.

Sau đó, ông Terman thử nghiệm lần nữa tại Dallas nhưng vẫn thất bại với lý do tương tự.

Năm 1990, Giáo sư Michael Porter của Đại học Kinh doanh Harvard đề xuất phương pháp mới nhằm tạo ra các trung tâm đổi mới vùng, lần này xoanh quanh một đại học nghiên cứu có sẵn. Ông nhận thấy sự tập trung về mặt địa lý của các công ty và nhà cung ứng chuyên biệt mang lại lợi thế chi phí và năng suất nhất định. Ông đồng ý rằng tập hợp những nguyên liệu này với nhau, các khu vực có thể thúc đẩy đổi mới.

Ông Porter và các chuyên gia theo phương pháp luận của ông đưa ra công thức giống nhau cho chính phủ khắp thế giới. Đó là lựa chọn một ngành công nghiệp “nóng”, xây dựng một công viên khoa học bên cạnh một trường đại học chuyên về nghiên cứu, cung cấp tài trợ cho các ngành công nghiệp được lựa chọn để đặt tại đây và tạo ra một nhóm đầu tư mạo hiểm.

Đáng buồn là điều kỳ diệu không bao giờ xảy ra. Hàng trăm khu vực toàn cầu chi hàng chục tỷ USD để xây dựng phiên bản Silicon Valley của riêng mình nhưng chưa có ai thành công.

Gốc rễ thành công của Thung lũng Silicon

Điều ông Porter và ông Terman không nhận ra là Silicon Valley không hình thành bởi học thuật, ngành công nghiệp hay thậm chí nguồn vốn của chính phủ Mỹ. Thung lũng Silicon là tác phẩm của con người và các mối quan hệ mà ông Terman nuôi dưỡng cẩn thận giữa các khoa trong trường Stanford và các lãnh đạo ngành.

Giáo sư AnnaLee Saxenian của Đại học California hiểu được tầm quan trọng của con người, văn hóa và sự kết nối. Cuốn sách “Regional Advantage: Culture and Competition in Silicon Valley” năm 1994 của bà so sánh sự phát triển của Silicon Valley với Đường 128 bao quanh Boston để giải thích vì sao không khu vực nào có thể lặp lại thành câu chuyện thành công của thung lũng.

Bà Saxenia lưu ý cho đến thập niên 70, Boston vẫn vượt xa Silicon Valley về hoạt động khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm. Nó có lợi thế khổng lồ vì gần với các trung tâm công nghiệp bờ Đông. Đến thập niên 80, Thung lũng Silicon và Đường 128 tương đối giống nhau: đều bao gồm cả doanh nghiệp lớn và nhỏ, các đại học đẳng cấp thế giới, các nhà đầu tư mạo hiểm, nguồn vốn quân sự. Sau này, Silicon Valley vượt qua và bỏ xa Đường 128.

Gốc rễ của vấn đề chính là văn hóa. Đó là tỷ lệ nhảy việc và thành lập công ty cao tại Silicon Valley, mạng lưới chuyên gia và trao đổi thông tin dễ dàng. Các doanh nghiệp tại thung lũng hiểu rằng vừa hợp tác vừa cạnh tranh dẫn đến thành công. Hệ sinh thái tại đây ủng hộ các thử nghiệm, chấp nhận rùi ro và chia sẻ bài học thành công, thất bại. Nói cách khác, Silicon Valley là một hệ sinh thái mở, một mạng xã hội đời thực rộng lớn, tồn tại rất lâu trước khi Facebook ra đời.

Chưa kể, Thung lũng Silicon còn có khí hậu tuyệt vời, gần núi, đại dương, vô số đường mòn đi bộ trong công viên quốc gia. Những điều này góp phần nuôi dưỡng nền văn hóa lạc quan và cởi mở.

Cần lưu ý rằng từ năm 1995 đến 2005, 52,4% startup khoa học – công nghệ tại Silicon Valley do một hoặc hơn một người không sinh tại Mỹ sáng lập. Tỉ lệ cao gấp đôi so với cả nước. Những người nhập cư đến Thung lũng Silicon cảm thấy dễ thích nghi và hòa nhập. Họ có thể học các quy tắc gắn kết, tạo ra mạng lưới riêng và tham gia một cách bình đẳng. Trụ sở của các công ty như Google giống như Liên Hợp Quốc vậy. Những quầy ăn không chỉ phục vụ xúc xích mà còn cả đồ ăn Trung Quốc, Mexico hay Ấn Độ.

Chính sự đa dạng đó dẫn dắt tiến bộ. Sự hiểu biết về thị trường toàn cầu mà người nhập cư mang lại, kiến thức họ có về các lĩnh vực khác nhau, các liên kết mà họ cung cấp cho quê nhà… đã mang đến cho thung lũng một lợi thế cạnh tranh khổng lồ. Từ sản xuất chip máy tính, radio, Silicon Valley tạo ra công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, thiết bị y tế và công nghệ năng lượng sạch.

Tất nhiên, Silicon Valley không hoàn hảo. Chẳng hạn, phụ nữ và nhóm người thiểu số thường vắng mặt trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp. Các nhà đầu tư mạo hiểm có tâm lý bầy đàn, phần lớn tài trợ cho các startup tạo ra kết quả ngắn hạn, dẫn tới sự bùng nổ của các ứng dụng chia sẻ hình ảnh và mạng xã hội. Giá bất động sản cao tới mức hầu hết người Mỹ không có khả năng chuyển tới đây.

Những nhược điểm đó làm chậm tiến trình phát triển của Silicon Valley song không khiến nó dừng lại. Thung lũng Silicon cũng có các đối thủ như New Delhi (Ấn Độ) hay Thượng Hải (Trung Quốc). Dù vậy, sẽ không có một Silicon Valley nào khác trên thế giới vì tất cả những lý do kể trên.

Theo Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM