Không thành lập được chính phủ, kinh tế quốc gia này vẫn tăng trưởng mạnh mẽ
Dù chỉ có chính phủ lâm thời, cỗ máy kinh tế Hà Lan vẫn đang mạnh mẽ tiến lên phía trước.
Tăng trưởng kỷ lục trong tình trạng không thành lập được chính phủ
Hôm 19/9, Chính phủ lâm thời của Thủ tướng Mark Rutte công bố mức ngân sách năm 2018 cho thấy Hà Lan đang tăng trưởng nhanh nhất trong vòng một thập kỷ qua. Điều đáng nói, thành tựu này đạt được khi Hà Lan vẫn chưa thành lập được chính phủ mới hơn nửa năm sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 3.
Đây là lần đầu tiên kể từ Thế chiến II Hà Lan rơi vào tình trạng không có chính phủ chính thức lâu đến vậy. Trong bối cảnh bất ổn chính trị trong nước diễn biến phức tạp cũng như tác động của khủng hoảng nợ tại châu Âu, thành tựu mà Hà Lan gặt hái được thực sự là điều đáng kinh ngạc.
“Liệu có vấn đề gì khi chúng ta không thể thành lập được một chính phủ? Thành thật mà nói là không. Hiện tại, nền kinh tế Hà Lan đang trong tình trạng tốt. Dù có những thứ cần được cải thiện nhưng tôi không cho rằng chúng quá khẩn cấp”, Marieke Blom, chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn ING - tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan có trụ sở chính tại Amsterdam, nhấn mạnh.
Trên thực tế, những quan ngại về thương mại sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về Tổng thống Donald Trump; người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) hay kết quả bỏ phiếu Tổng thống Pháp hầu như không gây được tác động nào tới nền kinh tế Hà Lan. Nó tăng 1,5% trong quý 2 so với 3 tháng trước đó và vượt các ước tính được đưa ra.
ING, ABN Amro Group NV và Rabobank UA, 3 ngân hàng lớn nhất của Hà Lan, cũng đều nâng mức dự báo tăng trưởng năm của kinh tế Hà Lan lên hơn 3%. Nếu họ đúng, tăng trưởng kinh tế Hà Lan trong năm nay sẽ cao hơn Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Đức và tất cả các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Trong bài phát biểu ở Hague, nhà vua Willem-Alexander của Hà Lan nhấn mạnh: “Sau vài năm khó khăn, chúng ta đã có một nền kinh tế thịnh vượng và khỏe mạnh”. Nhà vua cũng đồng thời khẳng định vị thế của Hà Lan cao hơn so với thời điểm năm 2012, khi Thủ tướng Mark Rutte bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2.
Tuy nhiên, nhà vua cũng chỉ ra thực tại là một số người bị bỏ lại phía sau và không thể phục hồi sau suy thoái. Bộ trưởng Tài chính Jeroen Dijsselbloem cũng đồng tình với quan điểm đó và nhấn mạnh không phải lúc nào mọi người cũng kiếm được lợi ích từ một nền kinh tế mạnh.
“Dù nền kinh tế có thể tăng trưởng 3,3% trong năm nay và 2,5% vào năm tới nhưng sức mua không quá cao”, Bộ trưởng Dijsselbloem nhấn mạnh sau khi thuyết trình về ngân sách của chính phủ. Điều đó có nghĩa sự phục hồi kinh tế Hà Lan là có thật và theo nhà vua, động lực chính là “khả năng thích nghi, làm việc chăm chỉ và sự hồi phục của người dân Hà Lan”.
Guồng máy kinh tế vận hành trơn tru
Trong khi các chính trị gia đang phải vật lộn để tìm ra nền tảng chung thì guồng máy kinh tế Hà Lan tiếp tục vận hành trơn tru và hiệu quả. Nâng cao tuổi về hưu và cắt giảm các phúc lợi chăm sóc sức khỏe đã giúp Hà Lan đi trước các nước EU. Tuy nhiên, Hà Lan vẫn cần cải cách hệ thống thuế nhưng nó cần thời gian tương đối dài để trở thành hiện thực.
Các động lực chính của nền kinh tế Hà Lan hiện nay là các ngành công nghiệp như công nghệ và khoa học y tế với những tên tuổi lớn và đang phát triển mạnh như Royal Philips NV, NXP Semiconductors NV và Royal DSM NV. Vài tháng trước, Philips đã công bố một loạt các vụ mua bán và sáp nhập, bao gồm cả việc thôn tính Tập đoàn Spectranetics với giá 1,7 tỷ USD. Đây là vụ mua bán và sáp nhập lớn thứ 3 trong lĩnh vực y tế.
Trong khi đó, nhà sản xuất chip ASML Holding NV có mức tăng trưởng doanh thu lên tới 25% trong năm nay trong khi hãng sản xuất vitamin DSM có mức lợi nhuận quý cao nhất trong 9 năm qua. NXP đang được Qualcomm Inc. đàm phán mua lại trong thương vụ được coi là lớn nhất trong ngành công nghiệp chip toàn cầu.
Tuy nhiên, mặt trận chính trị là gam màu tối của bức tranh. Sự nổi lên của chính trị gia Geert Wilders làm rung chuyển Hà Lan và phần còn lại của châu Âu với tư tưởng chống EU và chống nhập cư. Nỗ lực xây dựng chính phủ gặp nhiều trở ngại trong khi những tư tưởng cực đoan có thể trở thành gánh nặng cho nền kinh tế Hà Lan, quốc gia có 1/3 GDP từ xuất khẩu.
Trong cuộc bầu cử ngày 15/3, đảng của ông Mark Rutte giành được số phiếu bầu nhiều nhất. Tuy nhiên, nó không đủ áp đảo để giúp ông Rutte thành lập chính phủ mới. Trong khi đó, sự bất đồng của các đảng phái khác về các vấn đề như biến đổi khí hậu, nhập cư, thị trường lao động… khiến quá trình này kéo dài chưa có hồi kết.