Không riêng Vingroup, vì sao các hãng smartphone nhất loạt chuyển sang làm ô tô điện, đối đầu trực diện với các ông lớn lão làng?
Bất chấp sự non trẻ, các gã khổng lồ smartphone vẫn lấn sân sang ngành công nghiệp xe điện hoàn toàn mới - tiềm năng nhưng đầy rẫy những rủi ro.
Trong bối cảnh xe điện EV ngày càng được coi như một xu thế tất yếu, nhiều hãng sản xuất smartphone lớn không hề muốn bỏ lỡ miếng bánh thị phần. Bất chấp sự non trẻ, những gã khổng lồ này vẫn tham vọng lấn sân sang một ngành công nghiệp hoàn toàn mới - tiềm năng nhưng cũng đầy rẫy những rủi ro.
Ai cũng làm xe điện
Thương hiệu smartphone đầu tiên góp mặt trong cuộc đua xe điện phải kể đến Huawei. Cuối năm ngoái, hãng này đã công bố thông tin chi tiết về Aito M5 - mẫu xe được cho là có đầy đủ thông số kỹ thuật để đánh bại chiếc Tesla Model Y.
Theo ông Richard Yu, CEO Huawei, đây là chiếc xe đầu tiên sử dụng HarmonyOS - hệ điều hành thông minh có nhiều điểm tương đồng với hệ điều hành các sản phẩm điện tử khác mà Huawei sản xuất. Vì vậy, khách hàng cũng có thể sử dụng đồng hồ thông minh của hãng làm chìa khóa khởi động xe.
"Huawei sử dụng kinh nghiệm và khả năng gây dựng được trong hơn 30 năm để mang đến nhiều trải nghiệm lái xe thông minh cho ngành công nghiệp xe hơi’’, ông Richard Yu nói.
Aito M5 của Huawei được kỳ vọng có thể "tái định nghĩa các tính năng di động thông minh"
Được ví như ‘’chiếc SUV hạng sang, thông minh và mang lại trải nghiệm lái xe tối ưu", Aito M5 được kỳ vọng có thể "tái định nghĩa các tính năng di động thông minh", qua đó giúp Huawei cạnh tranh trực tiếp với các ‘’cây đa, cây đề’’ làng xe điện.
Nối bước Huawei, hãng smartphone Xiaomi mới đây cũng tuyên bố cho ra mắt chiếc xe điện đầu tiên vào năm 2024 và dự kiến bán ra ngay trong giai đoạn cuối năm. Mục tiêu của Xiaomi là trình làng mẫu xe mới sớm hơn kế hoạch ra mắt xe điện của Apple.
Nhiều người lo ngại rằng việc lấn sân sang thị trường xe điện có khiến Xiaomi cắt giảm các khoản đầu tư của mình vào smartphone hay không, song theo đại diện hãng, thiết bị di động vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của công ty, dù cho ô tô điện đang trở thành xu hướng.
Chiến lược giá bán dành cho xe điện Xiaomi nhiều khả năng sẽ tiếp tục được áp dụng giống như với smartphone
Hiện vẫn chưa biết liệu Xiaomi có ý định hợp tác với một nhà sản xuất ô tô khác hay không, hay sẽ mình làm tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, theo đa số chuyên gia, dựa vào những gì đang xảy ra, có thể công ty này sẽ bắt tay với một nhà sản xuất khác. Quan trọng hơn, chiến lược giá bán dành cho xe điện Xiaomi nhiều khả năng sẽ tiếp tục được áp dụng giống như với smartphone. Khi đó, người dùng sẽ có thể mua những chiếc xe điện chất lượng cao với giá vô cùng hấp dẫn.
Thông tin lấn sân sang thị trường xe điện của Sony có lẽ đã khiến mọi người bất ngờ hơn cả, bởi tập đoàn này trước đó tuyên bố không bao giờ gia nhập ngành công nghiệp EV.
Tại triển lãm công nghệ CES 2022 diễn ra tại thành phố Las Vegas (Mỹ), Sony cho biết sẽ thành lập Sony Mobility, một công ty con chuyên phát triển và sản xuất xe điện dưới quản lý của tập đoàn.
"Chúng tôi đang tìm hiểu để cho ra mắt những chiếc xe điện thương mại mang thương hiệu Sony", Kenichiro Yoshida, Chủ tịch Sony tuyên bố tại CES 2022. "Quá trình này sẽ giúp Sony tìm ra cách để một công ty giải trí sáng tạo có thể định hình lại cách mọi người di chuyển".
Sony giới thiệu thêm một mẫu xe điện mới do hãng phát triển tại triển lãm CES
Cũng tại triển lãm này, Sony giới thiệu thêm một mẫu xe điện mới do hãng phát triển, mang tên gọi Vision-S EV, với thiết kế dạng xe SUV 7 chỗ ngồi, thay vì sedan 5 chỗ như phiên bản Vision-S ra mắt cách đây 2 năm.
Sony cũng trình diễn một đoạn video về khả năng kết nối 5G của mẫu xe Vision-S, cho phép các kỹ sư của Sony ngồi tại Tokyo (Nhật Bản) vẫn có thể kết nối và điều khiển chiếc Vision-S tại đường lái thử ở khu đô thị Aldenhoven (Đức). Tính năng này được cho là có thể giúp Sony tăng tính cạnh tranh trong một thị trường quá đa dạng.
Tờ Bloomberg mới đây cũng cho biết Apple đang dần hoàn tất “phần lớn công việc cốt lõi” trên bộ vi xử lý mới nhằm cung cấp năng lượng cho dự án ô tô điện tự hành có tên Titan.
Sự kiện quan trọng này diễn ra trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ phát triển xe điện tự lái của Apple; mục tiêu tung sản phẩm ra thị trường vào năm 2025. “Nhà Táo” dường như đã sẵn sàng đưa con chip vào các đội xe thử nghiệm tại California với kỳ vọng tạo ra một phương tiện chạy điện “an toàn hơn những Tesla có’’. Một màn hình cảm ứng lớn kiểu iPad chạy giao diện tương tự iOS cũng được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong thiết kế mới này.
Apple cũng lấn sân sang thị trường xe điện
Vậy vì sao ngày càng nhiều các hãng công nghệ muốn sản xuất xe điện?
Tiềm năng tăng trưởng của EV
Lý do đầu tiên là bởi thị trường xe điện toàn cầu rất rộng và nhiều dư địa tăng trưởng. Nếu chỉ tính riêng Trung Quốc, theo các chính sách ưu đãi, doanh số ô tô điện dự kiến đạt 20% tổng doanh thu trong năm 2025. Ngoài ra, vào năm 2060, Trung Quốc đặt mục tiêu trung hòa mức khí thải CO2 về mức cho phép, nên các chính sách mở đường cho xe điện được dự báo có thể trở thành xu hướng tại đất nước tỷ dân này.
Thống kê mới công bố của hãng nghiên cứu thị trường Canalys cho thấy, doanh số ô tô chạy điện trên toàn cầu đã tăng trưởng tới 39% trong năm 2020. Điều này cho thấy ngay cả khi dịch COVID-19 khiến thị trường xe truyền thống khốn đốn, ô tô điện vẫn sống tốt, thậm chí, người ta còn kỳ vọng doanh số của nó sẽ vượt quá 5 triệu chiếc vào năm 2025, tức gấp khoảng 5 lần doanh số hiện tại.
Tiềm năng trong thị trường xe điện vô cùng lớn
Theo Bloomberg, ngành công nghiệp ô tô đang đầu tư 330 tỷ USD để hiện thực hóa tham vọng điện khí hóa trong năm 2025, đồng thời cho biết sẽ tung ra thị trường hơn 130 loại ô tô không phát thải và 30 mẫu lai hybrid sau 5 năm.
Mới đây, hãng sản xuất xe điện Tesla đã trở thành công ty mới nhất của Mỹ đạt giá trị thị trường 1.000 tỷ USD sau khi ký kết đơn hàng lớn với công ty cho thuê ô tô Hertz. Thương vụ thế kỷ này đã cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của thị trường EV, nơi ô tô điện trở thành chiếc xe của tương lai khi mà hàng loạt các quốc gia đặt mục tiêu xanh hóa nền kinh tế.
Thị trường smartphone dần trở nên bão hòa
Nguyên nhân thứ hai khiến các hãng smartphone lấn sân sang xe điện là do tiềm năng tăng trưởng của thị trường điện thoại thông minh không còn nhiều. Chuyển sang mảng kinh doanh sản phẩm khác được cho là điều bắt buộc với các hãng công nghệ, khi mà smartphone dần trở nên bão hòa và khó có thêm nhiều bước đột phá.
Trong lịch sử phát triển smartphone, chưa bao giờ người ta thấy các hãng sản xuất nắm giữ trong tay nhiều công nghệ đến thế, nhưng cũng chưa bao giờ người ta thấy các mẫu điện thoại nhàm chán đến vậy. Dễ dàng nhận thấy những chiếc di động đều na ná giống nhau, từ thiết kế đến cấu hình, dù các nhà sản xuất đã cố gắng ‘’lên đời’’ sản phẩm mỗi năm.
Thị trường smartphone dần bão hòa
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu dữ liệu thế giới (IDC), trong quý III/2020, lượng smartphone xuất xưởng trên toàn cầu đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, mức giảm trong quý I/2020 cũng là 11,7% so với cùng kỳ năm năm 2019. Đây được cho là báo cáo kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử ngành công nghiệp smartphone.
Chính vì vậy, không lý gì mà các hãng điện thoại thông minh bỏ lỡ cơ hội béo bở để cải thiện lợi nhuận. Hơn nữa, ô tô truyền thống cũng đang dần dịch chuyển sang thiết bị thông minh như xe tự lái hay robot taxi. Chúng trở thành điều không thể thiếu cho sự đổ bộ của các công nghệ mới nổi như Big Data, điện toán đám mây, 5G hay AI.
Lợi thế của các hãng công nghệ
Ngoài nhiên liệu sạch, công nghệ được trang bị trên xe điện, bao gồm tự hành, trợ lý ảo và kết nối đa phương tiện là các yếu tố không thể thiếu. Vì vậy, các công ty công nghệ được cho là sẽ có lợi thế lớn nếu lân sân sang xe EV, trong bối cảnh động cơ và khung gầm truyền thống không còn là yếu tố giá trị hàng đầu.
‘’Công nghệ thông minh là một phần quan trọng của phương tiện giao thông và ô tô cũng là thiết bị thông minh quan trọng trong cuộc sống của con người trong tương lai", ông Lei Jun, nhà sáng lập của Xiaomi cho biết.
Không giống như các sản phẩm điện tử tiêu dùng, chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô rất phức tạp và nhiều công đoạn, có yêu cầu cao về độ an toàn. Việc chế tạo một chiếc xe hơi độc lập cũng đòi hỏi khoản tiền đầu tư lớn. Do đó, nếu hợp tác, cả công ty công nghệ và những tập đoàn xe hơi truyền thống đều có thể phát huy lợi thế của riêng mình. Chiếc Aito M5 - sản phẩm hợp tác giữa Huawei và hãng sản xuất xe điện Mỹ Seres là một trong số đó.
Theo: Bloomberg, Tổng hợp