'Không quốc gia nào tiêm Covid-19 thu phí'

08/08/2021 11:02 AM | Xã hội

Đến nay không một quốc gia nào tổ chức thực hiện 'tiêm chủng thu phí' để chống dịch Covid-19. Các nước có nền kinh tế thị trường điển hình, Anh, Pháp Đức, Nhật... đều tổ chức tiêm vắc xin miễn phí.

Mới đây, một bệnh viện tư nhân tại TP.HCM vừa đề xuất Bộ Y tế cho phép chủ động đàm phán mua vắc xin Covid-19 bằng nguồn tài chính của đơn vị và tổ chức tiêm chủng dịch vụ. Ngoài ra, bệnh viện muốn tham gia chiến dịch tiêm chủng thành phố đang thực hiện nhưng sẽ được thu phí dịch vụ.

Theo đó, thông qua các mối quan hệ ngoại giao, bệnh viện đã có nguồn mua vắc xin nên đề xuất được chủ động đàm phán, mua và nhập vắc xin bằng nguồn tài chính của bệnh viện. Điều đó giúp Việt Nam và TP.HCM có thêm nguồn vắc xin lớn, người dân có thể tự nguyện tham gia vào chiến dịch tiêm vắc xin bằng khả năng tài chính của mình, như một cách góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo TS Trần Tuấn - chuyên gia y tế công cộng, việc tiêm vắc xin Coid-19 dịch vụ nếu triển khai thì đem lại lợi ích rất nhỏ, mà cái 'hại' đưa lại cho công tác phòng chống dịch Covid-19 là rất lớn.

Tiêm chủng dịch vụ là hình thức cơ sở y tế thực hiện “bán dịch vụ tiêm vắc xin phòng Covid-19” cho người có khả năng chi trả theo nguyên tắc tiền trao, cháo múc. Phương châm phục vụ, là người càng trả nhiều tiền, càng có cơ hội cao giành quyền được tiêm vắc xin sớm, vắc xin tốt.

Không quốc gia nào tiêm Covid-19 thu phí - Ảnh 1.
Tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân tại TP.HCM.

Dịch càng bùng phát dữ dội, yêu cầu triển khai tiêm vắc xin càng khẩn cấp, lực lượng y tế càng có nguy cơ thiếu hụt, vắc xin tốt càng khan hiếm trên thị trường, giá tiêm chủng càng được điều chỉnh cao theo thị trường cung - cầu, cơ hội dành được quyền tiếp cận vắc xin và quyền được tiêm vắc xin tốt càng phân bổ lại cho người có khả năng chi trả nhiều hơn.

Đối tượng phục vụ của triển khai tiêm chủng dịch vụ - người có khả năng chi trả theo yêu cầu doanh nghiệp y tế đưa ra. Điều này không luôn đồng nghĩa với người cần được tiêm vắc xin sớm nhất, tạo hiệu lực chống dịch tốt nhất cho toàn cộng đồng.

Trong khi đó, cái hại nhìn thấy theo TS Tuấn đó là nó tác động ngay lập tức vào hệ thống nhân lực y tế bị phân hóa xoay theo thị trường. Lợi nhuận có sức mạnh siêu hình điều phối dòng chảy nhân lực y tế đi theo phục vụ cân bằng thu chi sao cho lãi nhất. Khi đó, nguồn cung vắc xin có nguy cơ phá vỡ các nguyên tắc đạo đức làm cơ sở cho hoạch định chính sách sử dụng vắc xin trong chống dịch Covid-19 trên thế gới khi nguồn cung vắc xin còn thiếu như hiện nay.

TS Tuấn cho rằng tiêm chủng dịch vụ sẽ thách thức chính sách tiêm vắc xin. Vì vậy, việc tiêm chủng vẫn cần thực hiện các mục tiêu:

Thứ nhất, đảm bảo đưa lại lợi ích tối đa cho cộng đồng, giảm thiểu nhanh nhất sự lan truyền dịch bệnh, giảm số mắc có biểu hiện lâm sàng nặng phải điều trị ở bệnh viện, giảm tỷ lệ tử vong.

Thứ hai, giảm thiểu tối đa sự mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe- người/cộng đồng có nhu cầu chăm sóc khẩn thiết hơn, phải được tiếp cận chăm sóc sớm hơn.

Thứ ba, bảo vệ hệ thống y tế khỏi nguy cơ bị khủng hoảng nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp chống dịch một cách hiệu quả, đồng bộ và bền vững theo thời gian dịch lưu hành.

Thứ tư, đảm bảo minh bạch và giải trình trách nhiệm trên toàn hệ thống chống dịch.

Tức là trong tình hình dịch bệnh khẩn cấp, nguồn vắc xin có được phải được tập trung nhập vào, tổ chức quản lý, phân phối, tổ chức tiêm "đúng người, đúng thời gian, đúng vị trí" miễn phí, theo dẫn dắt của khoa học phòng chống dịch trên thực tế, bất kể khả năng chi trả của người dân ra sao.

Ngay từ khi có vắc xin phòng Covid-19 các nước đều làm danh sách ưu tiên được tiêm theo khuyến cáo của khoa học dịch tễ học. Sau đó, họ thực hiện điều chỉnh dần theo thời gian khi vắc xin có sẵn hơn và diễn biến thực tế dịch bệnh. Trong mọi phiên bản "đối tượng ưu tiên" đó, không có chỗ cho mục tiêu "làm kinh tế", không mảy may nhắc đến dành cho người có khả năng chi trả cao hơn.

Đến nay không một quốc gia nào tổ chức thực hiện "tiêm chủng thu phí" để chống dịch Covid-19. Đặc biệt các giải thích tiêm chủng dịch vụ "giúp người dân "dễ tiếp cận hơn", giúp tiêm nhanh, tiêm nhiều, sớm đạt chỉ tiêu tạo miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin đều không đúng – TS Tuấn nói.

Nếu tiêm dịch vụ sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt vắc xin, nhất là tình trạng không đáp ứng đủ vắc xin cho như cầu chồng dịch khẩn cấp.

Các nước có nền kinh tế thị trường điển hình, Anh, Pháp Đức, Nhật... đều tổ chức tiêm vắc xin miễn phí.

Khánh Chi

Từ khóa:  tiêm vắc xin
Cùng chuyên mục
XEM