Không phải Richard Branson, đây mới là 'ông tổ' đi tiên phong trong lĩnh vực kết hợp hàng không và khách sạn

10/07/2019 15:35 PM | Xã hội

Trong lịch sử hàng không nước Mỹ, Pan Am là cái tên tạo ảnh hưởng và có dấu ấn quan trọng nhất. Mặc dù Pan Am không phải hãng hàng không đầu tiên của Mỹ cũng như thống trị được thị trường hàng không nội địa nhưng chính sách kết hợp hàng không-khách sạn đã giúp thương hiệu này mở rộng nhanh chóng và được biết đến nhiều trên thế giới.

Juan Terry Trippe là nhà sáng lập và phát triển hãng hàng không nổi tiếng Pan American Airways (Pan Am), một trong những công ty vận tải lâu đời ở Mỹ. Tuy nhiên ít ai biết rằng ông là người đi tiên phong trong mảng kết hợp hàng không-khách sạn khi thành lập nên tập đoàn InterContinental Group Hotel với 222 khách sạn trong khoảng 1946-1996. Điều đặc biệt là dù nổi tiếng ở Mỹ nhưng InterContinental lại chỉ có 18 cơ sở hoạt động tại đây, còn lại hệ thống khách sạn của hãng trải dài khắp thế giới.

Năm 1964, Juan Trippe đã là chủ tịch và là doanh nhân tỷ đô của cả 2 đế chế hàng không lẫn khách sạn này. Hàng loạt các dự án resort, bất động sản kết hợp du lịch, hàng không được ông áp dụng nhuần nhuyễn, trở thành bài học quý báu cho những nhà sáng lập hàng không sau này.

Không phải Richard Branson, đây mới là ông tổ đi tiên phong trong lĩnh vực kết hợp hàng không và khách sạn - Ảnh 1.

Juan Terry Trippe

Vào thời kỳ đỉnh cao, Pan Am có khoảng 214 chuyến bay từ Mỹ qua Châu Âu mỗi tuần. Đến năm 1966, lượng chuyến bay tăng thêm 25% và trải dài 118 thành phố lớn trên thế giới với lợi nhuận 132 triệu USD.

Cùng với sự phát triển của Pan Am là InterContinental khi Pan Am luôn hướng đến nhiều bất động sản ở mỗi nơi họ xuất hiện. Tổ hợp khách sạn này tính đến năm 1970 đã có 60 chi nhánh ở 50 nước với khoảng 20.000 phòng phục vụ.

Trong lịch sử hàng không nước Mỹ, Pan Am là cái tên tạo ảnh hưởng và có dấu ấn quan trọng nhất. Mặc dù Pan Am không phải hãng hàng không đầu tiên của Mỹ cũng như thống trị được thị trường hàng không nội địa nhưng chính sách kết hợp hàng không-khách sạn đã giúp thương hiệu này mở rộng nhanh chóng và được biết đến nhiều trên thế giới.

Lịch sử hình thành của 1 đế chế

Juan Trippe vốn là một cựu phi công của lực lượng hải quân Mỹ. Vào đầu thập niên 1920, ông có hứng thú với việc mở dịch vụ hàng không cho giới nhà giàu ở New England khi họ thường có nhu cầu bay tới vùng biển Caribbean và Châu Mỹ Latinh để hưởng thụ.

Năm 1927, với sự tài trợ của một số nhà đầu tư như William A.Rockefeller, Trippe đã thành lập nên hãng Aviation Corporation of American, tiền thân của Pan Am.

Dẫu vậy, phải đến khi nhà phi công trẻ Charles Lindbegh gia nhập vào năm 1928 thì Pan Am mới thật sự bùng nổ. Chàng trai trẻ Lindbergh là phi công đầu tiên bay máy bay 1 người băng qua Đại Tây Dương không nghỉ (chuyến bay đầu tiên qua Đại Tây Dương là 2 người). Nhờ đó, Lindbergh nhận được Huân chương Danh dự, loại huân chương cao quý nhất của quân đội Mỹ cũng như được coi là anh hùng đất nước.

Sau khi có chuyến du lịch vòng quanh Nam Mỹ, Lindbergh gia nhập Pan Am với vai trò cố vấn và chính phủ Mỹ bắt đầu ưu ái hãng hàng không này hơn. Trên thực tế, chính quyền Washington khi đó muốn biến Pan Am làm công cụ kinh tế để mở rộng ảnh hưởng tại Châu Mỹ Latinh.

Kể từ đây, Pan Am luôn chiến thắng trong các cuộc đấu thầu vận chuyển thư đến Nam Mỹ và dần lớn mạnh. Tuy nhiên, tầm nhìn của Trippe không bị giới hạn trong sự ưu ái của chính phủ. Nhà sáng lập này dự đoán rằng chẳng sớm thì muộn ngành hàng không sẽ đến giai đoạn bão hòa và cần phải mở rộng, kết hợp với những mảng khác.

Vào năm 1946, Pan Am tham gia lĩnh vực kinh doanh khách sạn với số vốn vay 25 triệu USD từ ngân hàng để thành lập nên InterContinental (IHC). Tuy vậy, Trippe đi một nước cờ mạo hiểm khi không trực tiếp xây một khách sạn nào mà cung cấp dịch vụ vận hành, quản lý khách sạn. Mới đầu, mục tiêu chính của IHC là những chuỗi khách sạn muốn mở rộng thị trường ở Nam Mỹ, nhưng chẳng có khách hàng nào quan tâm.

Cùng đường, IHC quyết định chấp nhận vận hàng khách sạn cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào muốn tham gia ngành này nhưng không có kinh nghiệm hay mối quan hệ.

Không phải Richard Branson, đây mới là ông tổ đi tiên phong trong lĩnh vực kết hợp hàng không và khách sạn - Ảnh 2.

Hai khách sạn đầu tiên được vận hành và quản lý bởi IHC là Grande ở Brazil (1949) và Hotel El Prado ở Columbia (1950).

Năm 1951, khi Pan Am trở thành hãng hàng không quốc tế đầu tiên trên thế giới vận hành mô hình kết hợp hàng không-khách sạn ở Châu Á Thái Bình Dương, Châu Phi và Trung Đông thì IHC cũng nhanh tay mở rộng sang Mexico cùng nhiều thị trường khác.

Trong khoảng thời gian đó, một chuyện khá thú vị đã phát sinh, khai sinh ra ngành hàng không dân dụng giá rẻ sau này.

Một tầm nhìn đi trước thời đại vài chục năm

Khác với các hãng hàng không thời kỳ đó, Trippe tin tưởng rằng ngành kinh doanh này nên được mở rộng cho tầng lớp bình dân đại chúng thay vì chỉ nhắm đến giới nhà giàu. Tư tưởng này khá lạ vào năm 1945 khi tất cả các hãng hàng không đều cho rằng chỉ có nhà giàu mới đủ tiền đi máy bay, ở khách sạn và tiêu những món đồ xa xỉ.

Cùng năm đó, Trippe giới thiệu dịch vụ hàng không giá rẻ cho chuyến bay từ New York tới London khi giảm hơn 50% giá vé. Điều này khiến hiệp hội hàng không chẳng mấy vui vẻ vì lo sợ phá giá. Ngay lập tức hiệp hội hàng không Anh đóng cửa tất cả các chuyến bay giá rẻ của Pan Am đến nước này, buộc công ty phải chuyển hướng bay đến Ireland để duy trì dịch vụ.

Không lâu sau đó, mô hình kinh doanh hàng không-khách sạn của Pan Am gặt hái được thành công to lớn, mở rộng ra nhiều quốc gia thì Trippe bắt đầu có quyền lực để gây sức ép lên hiệp hội hàng không.

Năm 1952, Trippe tạo sức ép để buộc hiệp hội hàng không Mỹ chấp nhận các chuyến bay giá rẻ, phá thế độc quyền của giới nhà giàu trong ngành này. Dẫu vậy, phần lớn các chuyến bay giá rẻ của Pan Am chỉ đắt khách trong nước, những chuyến bay nước ngoài vẫn chỉ dành cho nhà giàu do chi phí tốn kém.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc, Trippe quyết định mua hàng loạt dòng máy bay Boeing 707 vào năm 1958, tạo nên cuộc cách mạng cho ngành hàng không khi máy bay nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn và qua đó giảm giá vé.

Trong khoảng thời gian này, IHC tiếp tục mở rộng nhanh chóng với hàng loạt khách sạn, casino cùng nhiều dự án bất động sản song hành khác.

Không phải Richard Branson, đây mới là ông tổ đi tiên phong trong lĩnh vực kết hợp hàng không và khách sạn - Ảnh 3.

Năm 1952, Juan Trippe nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp vì những đóng góp cho ngành hàng không-du lịch ở đây

Vào năm 1968, Pan Am đã có đường bay tới 85 quốc gia của 6 Châu lục. Đến khi Trippe qua đời vào năm 1981, ước mơ về một ngành hàng không bình dân cho mọi người đã thành sự thực. Trớ trêu thay, việc giá vé sụt giảm cùng khủng hoảng kinh tế đã khiến Pan Am lầm vào nợ nần và phải bán dần tài sản, kể cả cổ phần trong chuỗi InterContinental.

Năm 1991, Pan Am chính thức tuyên bố phá sản, đánh dấu chấm hết cho một đế chế hàng không-khách sạn nổi tiếng một thời. Riêng chuỗi IHC vẫn còn hoạt động cho đến tận ngày nay với 5.656 khách sạn ở gần 100 quốc gia.

Tuy nhiên, tầm nhìn của nhà sáng lập Trippe lại chưa bao giờ chấm dứt. Đúng như ông dự đoán, hàng không giá rẻ hiện đang lên ngôi và mô hình kết hợp hàng không-khách sạn đang là trào lưu của nhiều hãng trên thế giới.

AB

Cùng chuyên mục
XEM